TPP- đường dẫn để Mỹ thâm nhập thương mại châu Á

01/11/2010    194

Tạp chí “Chính trị thế giới” (WPR) cho biết, Mỹ đã bắt đầu các cuộc thương lượng gia nhập Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Các nhà ngoại giao của tám nước Ôxtrâylia, Niu Dilân, Brunây, Xingapo, Việt Nam, Chilê, Pêru và Mỹ đã họp tại thành phố Melbourne để bắt đầu đàm phán mở đường cho khu vực thương mại tự do các nước vành đai Thái Bình Dương. Sự kiện này đã được Tạp chí trực tuyến “In These Times”, nhận xét nhiều nhà phân tích coi đàm phán TPP là một cách thức của Mỹ để được tham gia và có ảnh hưởng mạnh hơn trong bất kỳ hiệp định thương mại mới nào của châu Á.

Khi bắt đầu vào năm 2005, TPP có quy mô khiêm tốn, với thị phần không đáng kể trong thương mại toàn cầu và thành viên lớn nhất là Chi Lê có chưa đầy 16 triệu dân. Nhưng trong những năm gần đây, TPP đã giành được động lực lớn và có thể trở thành khu vực thương mại tự do bao trùm khu vực rộng lớn ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Ngoài Mỹ, ba nước khác là Ôxtrâylia, Việt Nam và Pêru đã bắt đầu thương lượng để trở thành thành viên trong khi các nước khác như Canada, Malaixia và Mêhico có thể khởi động các cuộc thương lượng để tham gia TPP trong tương lai gần.

WPR nhấn mạnh, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang nở rộ khắp châu Á trong thập kỷ qua, thì hiện nay, 150 FTA đã có hiệu lực, và 50 FTA khác đang được thương lượng. Trong số 50 FTA này, chỉ có TPP được cho là có nhiều hứa hẹn, vì hiện Brunây đã cắt giảm thuế quan đối với 99% các loại hàng hóa, còn Chi Lê, Niu Dilân và Xingapo đã tự do hóa thương mại với hầu như tất cả các loại hàng hóa, trừ rất ít hàng hóa đặc thù sẽ từng bước dỡ bỏ thuế quan. TPP cũng mở cửa như vậy cho các thành viên mới.

Từ triển vọng đó, TPP chỉ là một bước mở đầu đối với Mỹ để cố gắng mở ra các cuộc đàm phán liên quan đến tất cả 21 thành viên trong Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).

Tự bản thân TPP sẽ mở thêm những cơ hội kinh tế cho Mỹ, vì các thỏa thuận thương mại tự do của Mỹ đã bao gồm 86% trong tổng GDP của các nước tham gia đàm phán TPP. Trong 8 nước tham gia đàm phán về TPP gồm Nhóm P4 (Brunây, Chi Lê, Xingapo và Niu Dilân) cùng với Ôxtrâylia, Mỹ, Pêru và Việt Nam, Oasinhtơn, đã có các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương với Chilê, Pêru, Ôxtrâylia và Xingapo.

Quyết định của Chính phủ Mỹ về việc liệu có đương đầu với Trung Quốc xung quanh việc Bắc Kinh thao túng nhằm giữ cho đồng nhân dân tệ có giá trị thấp hay không có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với thương mại toàn cầu cũng như những triển vọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế và việc làm ở Mỹ. Tái cân bằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ có tác dụng hơn nhiều so với bất cứ thỏa thuận thương mại nào trong việc thúc đẩy cam kết gần đây của ông Obama tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm tới.

Theo chuyên gia lâu năm về chính sách thương mại Thea Lee thuộc AFL - CIO, đây là một cơ hội để Chính phủ Mỹ chứng tỏ họ sẽ cải cách chính sách thương mại như thế nào, hay là họ sẽ tiếp tục những chính sách trước đây. Giám đốc Tổ chức theo dõi thương mại toàn cầu (GTW) Lori Wallach nhận xét, khi là một ứng cử viên tổng thống, ông Obama đã cam kết có những cải cách chính sách thương mại cụ thể. Đây là lúc hành động và mọi người sẽ thấy liệu có một mô hình thương mại như ông Obama đã cam kết hay không, hay là lại trở lại với mô hình của ông Bush tiếp theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Những người ủng hộ công bằng thương mại có lý do để lo lắng, ông Obama đã rút lại những cam kết đàm phán nhiều phần của NAFTA, đồng thời hối thúc Quốc hội thông qua những FTA được thương lượng từ thời ông Bush với Hàn Quốc, Panama và Côlômbia. Khi Chủ tịch Nhóm làm việc về thương mại của Hạ viện Michael Michaud đặt ra một loạt câu hỏi cho Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk về việc TPP sẽ bảo vệ các quyền của công nhân và việc làm như thế nào thì ông này đã không nhận được bất cứ câu trả lời rõ ràng hoặc cam kết nào từ ông Ron Kirk.

Tuy nhiên, đàm phán TPP sẽ làm sáng tỏ việc ông Obama sẽ đi theo mô hình được đặt ra trong Đạo luật Cải cách Thương mại, Trách nhiệm giải trình, Phát triển và Việc làm (TRADE) nghiêm túc đến mức nào. Đạo luật TRADE giao trách nhiệm xét duyệt định kỳ cho Cục kiểm soát tiền tệ và Quốc hội đối với tất cả các hiệp định thương mại, ngăn cấm việc thông qua các hiệp định thương mại trừ phi chúng bao gồm một danh sách dài các tiêu chuẩn về lao động, môi trường, y tế cộng đồng và những tiêu chuẩn khác, đồng thời đòi hỏi phải thương lượng lại những thỏa thuận trước đây để đáp ứng những tiêu chuẩn đó.
Những câu hỏi lớn mà đàm phán TPP đặt ra không mang tính kinh tế nhiều như tính chính trị và định hướng chính sách. Theo nhà phân tích Wallach, những người xung quanh ông Obama nhìn thấy nhu cầu đối với một cách tiếp cận mới cho thương mại, nhưng các cố vấn kinh tế và thương mại của ông vẫn là những người bảo thủ, ủng hộ NAFTA. Vì vậy, câu hỏi lớn mà có thể sẽ không được trả lời ngay cả sau vòng đàm phán trong tuần này là liệu TPP có phải là hiệp định đầu tiên của Tổng thống Obama hay chỉ là sự tiếp tục của mô hình Bush?

WPR khẳng định châu Á- Thái Bình Dương ngày càng hòa nhập rộng hơn. Cho dù các lợi ích trong nước có thể khiến các tập đoàn Mỹ phản đối TPP, vấn đề nổi lên với chính quyền Obama hiện nay là liệu Mỹ có tự giúp mình bằng hành động để hòa nhập với khu vực này hay không. Cựu Thủ tướng Xingapo Lý Quang Diệu cho rằng, TPP là đường dẫn để Mỹ tham gia ngày một tăng vào các nền kinh tế châu Á- Thái Bình Dương.

30/03/2010

Nguồn: Cổng Thương vụ Việt Nam