Kết quả điều tra sơ bộ ý kiến cộng đồng về TPP

03/01/2011    135

Ủy ban Tư vấn chính sách Thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về TPP

1. Giới thiệu về khảo sát ý kiến cộng đồng về TPP

Ủy ban Tư vấn chính sách Thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tiến hành khảo sát ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế về TPP.

Khảo sát này được thực hiện trong khuôn khổ loạt Hội thảo có chủ đề “Đàm phán TPP – Việt Nam được gì? Mất gì?” thực hiện vào đầu tháng 11/2010.

Nội dung khảo sát tập trung vào các vấn đề sơ bộ về TPP bao gồm:

-    Đánh giá chung về việc Việt Nam tham gia TPP? (nên hay không nên tham gia, vì lý do gì)

-    Đánh giá về các lĩnh vực và mức độ cam kết mà Việt Nam nên thực hiện

-    Những lưu ý đối với quá trình đàm phán TPP

Đã có 98 chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, cán bộ nghiên cứu, cán bộ chuyên môn của các tổ chức phi chính phủ đã tham gia trả lời khảo sát. Đây là những đối tượng có chuyên môn và lĩnh vực khác nhau, thuộc các giới trong xã hội và có cùng mối quan tâm về TPP (tham gia hội thảo). Và do đó có thể xem kết quả khảo sát có thể được xem là đã phản ánh một phần quan điểm của những đối tượng liên quan đối với đàm phán TPP này.

2. Về kỳ vọng và những quan ngại của cộng đồng về TPP

Vào thời điểm tiến hành khảo sát (4-5/11/2010), Việt Nam chưa có quyết định chính thức về việc tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên đầy đủ . Giai đoạn từ khi đàm phán TPP khởi động (cuối 2009) đến trước thời điểm này, Việt Nam được xem như “đang cân nhắc” việc có tham gia TPP chính thức hay không. Tuy nhiên việc này chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan liên quan của Nhà nước. Điều đáng mừng là kết quả cân nhắc của các cơ quan Nhà nước cũng trùng hợp với ý kiến của cộng đồng thu được qua kết quả khảo sát. Cụ thể, có tới 95/98 ý kiến được hỏi (chiếm gần 97%) ủng hộ việc Việt Nam đàm phán TPP.

(i) Những kỳ vọng vào TPP

Phần lớn các ý kiến ủng hộ việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP vì nhìn thấy ở đây những cơ hội lớn về mặt kinh tế. Cụ thể, các nhóm lợi ích được kỳ vọng nhiều nhất từ TPP bao gồm:

a.    Nhóm các lợi ích trực tiếp

-    Khả năng đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc tiếp cận dễ dàng hơn, với thuế quan ưu đãi thị trường Hoa Kỳ và các nước TPP;

-    Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ: Việt Nam hiện đang xuất siêu sang Hoa Kỳ, vì thế các tác nhân giúp tăng cường quan hệ hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ mang lại phần lợi hơn cho phía Việt Nam ;

-    Cơ hội tham gia sâu hơn vào phân công lao động quốc tế, cải thiện năng lực cạnh tranh;

-    Cơ hội để hạn chế những rào cản thị trường áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam;

-    Cơ hội đạt được vị thế nền kinh tế thị trường với Hoa Kỳ;

-    Thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

-    Điều kiện, sức ép để nâng cấp các dịch vụ tại Việt Nam

-    Cơ hội để học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm quản lý trong các ngành, đặc biệt là các ngành dịch vụ

b.    Nhóm các lợi ích gián tiếp

-    Dưới sức ép của việc mở cửa cũng như những cơ hội về thị trường, nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng và phát triển; Đây cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước học hỏi và tự vươn lên;

-    Thúc đẩy sản xuất phát triển sẽ giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân;

-    Sức ép để hoàn thiện pháp luật và cơ chế quản lý kinh tế Việt Nam

-    Là bàn đạp giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong các đàm phán thương mại khác.

Có thể thấy cộng đồng có quan điểm khá bao trùm về những lợi ích kinh tế mà TPP có thể mang lại cho Việt Nam và khá tương đồng với những phân tích từ góc độ nghiên cứu (như trình bày ở Phần II Khuyến nghị này).

Bên cạnh những lợi ích kinh tế được nêu, nhiều ý kiến còn đề cập đến những kỳ vọng khác về việc mở rộng giao lưu văn hóa – chính trị giữa Việt Nam và các nước TPP và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam thông qua TPP cũng được tính tới. Điều này là hoàn toàn có thể.

(ii) Những quan ngại về TPP

Số ý kiến phản đối việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP rất hãn hữu (3/98 ý kiến được khảo sát – chiếm 3%) và tất cả đều tập trung vào những quan ngại về kinh tế mà TPP có thể tác động đến Việt Nam như:

-    Hàng hóa Việt Nam kém sức cạnh tranh; Doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ năng lực để cạnh tranh và vì thế sẽ không thu lợi gì từ TPP;

-    Quy tắc nguồn gốc xuất xứ trong TPP dự kiến là sẽ rất khó khăn và vì thế doanh nghiệp không đáp ứng được để được hưởng lợi ích từ TPP

-    Năng lực cạnh tranh trong nước kém, nếu mở cửa sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, thậm chí bị triệt tiêu (phá sản);

Những lo ngại này không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, như đã phân tích trong phần II, những vấn đề này có thể làm hạn chế hoặc thậm chí vô hiệu hóa lợi ích mà Việt Nam có thể thu được từ TPP trong một số lĩnh vực cụ thể nhưng thực tế thực thi các FTA mà Việt Nam đã có cho thấy nhiều lo ngại trong số này không hoàn toàn là thực tế (đặc biệt là lo ngại về việc các doanh nghiệp nội địa sẽ bị triệt tiêu). Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, cách nhìn về tác động của TPP cần được xây dựng trên cơ sở năng lực tương lai của doanh nghiệp Việt Nam theo tiến triển chung của hội nhập và phát triển chứ không thể chỉ nhìn vào năng lực hiện tại của các doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, những quan ngại này cũng cho thấy những vấn đề mà cơ quan đàm phán cần đặc biệt lưu tâm trong quá trình xác định các phương án đàm phán thích hợp.

Tuy nhiên, các ý kiến ủng hộ mức độ cam kết mạnh, sâu (hơn mức đã cam kết trong WTO) lại không phải là ý kiến đa số, dù chiếm tỷ lệ khá cao. Điều này cũng phản ánh thực tế rằng Việt Nam chưa hẳn đã sẵn sàng với những cam kết tự do hóa thương mại hoàn toàn. Vì vậy, trong đàm phán, những hạn chế nhất định trong nghĩa vụ tự do hóa hoặc những “ưu tiên” đặc biệt như lộ trình dài, những ngoại lệ phù hợp, các hỗ trợ kỹ thuật dành riêng cho Việt Nam trong nội dung TPP rất cần được nhấn mạnh.

 

4. Về những vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong TPP

Hầu hết các ý kiến ủng hộ việc Việt Nam đàm phán TPP đều có những “bảo lưu” nhất định. Nói cách khác, họ nhìn thấy lợi ích to lớn từ TPP những cũng thấy những rủi ro, thấy cả những khả năng có thể làm cho lợi ích ấy thuyên giảm hoặc không được như mong muốn. Đây là điều rất bình thường trước những lựa chọn khó khăn và chưa thể định lượng đầy đủ như TPP.
Những bảo lưu này, do đó, có ý nghĩa tích cực trong việc giúp các nhà đàm phán và thực thi xác định những điểm cần đặc biệt lưu ý trong đàm phán (để có kết quả đàm phán tốt nhất cho nền kinh tế) và trong thực thi (để có thể tận dụng đầy đủ các lợi ích có thể có và vượt qua những thách thức).

Cụ thể, những điểm mà cộng đồng các chuyên gia và doanh nghiệp mong muốn các nhà đàm phán lưu ý bao gồm:

(i) Những lưu ý trong xác định phương án đàm phán

  •      Cần đánh giá đầy đủ, toàn diện những thuận lợi, lợi ích cũng như những thách thức, khó khăn nếu Việt Nam tham gia TPP (đặc biệt lưu ý việc tham vấn ý kiến doanh nghiệp bị tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ TPP)
  •      Các phương án đàm phán phải bảo đảm chủ quyền lãnh thổ, độc lập, an ninh quốc phòng và ổn định kinh tế vĩ mô; tuy nhiên không nên quá rụt rè trong những vấn đề đã trở thành bình thường trong mở cửa hội nhập (tránh tình trạng sợ bóng sợ gió)
  •      Cần lưu ý bảo lưu những biện pháp cho phép bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt (ví dụ tránh các cam kết về việc không sử dụng các lệnh cấm xuất khẩu hoặc các biện pháp hạn chế xuất khẩu, ít nhất là đối với các mặt hàng khoáng sản…)
  •      Nỗ lực để đạt được cam kết về biện pháp đối xử đặc biệt hoặc khác biệt với Việt Nam (hoặc ít nhất là đạt được lộ trình áp dụng dài hơn, với các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết để thực hiện);
  •      Nỗ lực đàm phán để có mức cam kết phù hợp khả năng hoặc kéo dài lộ trình thực hiện liên quan đến các nội dung về quyền sở hữu trí tuệ;
  •      Chú ý các cam kết nhằm xử lý hoặc giảm bớt những thách thức trong các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của các nước TPP đối với các sản phẩm XK của Việt Nam; Nên đấu tranh và thuyết phục để Hoa Kỳ công nhận Việt nam có nền kinh tế thị trường hoặc có hành động để rút ngắn thời gian Việt Nam được công nhận quy chế nền kinh tế thị trường;
  •      Về vấn đề mua sắm công, có thể chấp nhận các cam kết về minh bạch hóa nhưng cần nỗ lực để giữ quyền ưu tiên mua sắm hàng nội địa;
  •      Cần tăng cường kỹ năng đàm phán của cán bộ đàm phán Việt Nam

 

(ii) Những lưu ý trong chuẩn bị cho thực thi

  • Cần chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao về lý luận và thực tiễn;
  • Cần có chính sách hỗ trợ các khu vực, bộ phận bị tổn thương.
  • Cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ bản và xây dựng cơ sở hạ tầng; thiết bị đồng bộ, cơ khí, công nghệ và điện tử;
  • Từng bước thay đổi cơ chế về đấu thầu cạnh tranh, đặc biệt trong xây dựng cơ bản và hàng hóa công nghiệp
  • Chú ý đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DNNN

Nguồn: Ủy ban tư vấn về CSTMQT