TPP: Triển vọng và nguy cơ

01/01/2011    130

Một thỏa thuận thương mại sẽ có hiệu quả chiến lược tốt nhất nếu nó tạo ra cơ hội lớn nhất cho tự do hóa và thịnh vượng.

Các nhà đàm phán thương mại từ 9 quốc gia đã tham dự cuộc họp tại New Zealand trong vòng đàm phán thứ tư về mở rộng Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hiệp định này sẽ có nhiều ý nghĩa cả về chiến lược lẫn kinh tế, và quy mô của nó còn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, cho dù các nhà lãnh đạo từ lâu đã mong ngóng một thỏa thuận như thế, nhưng những thách thức chủ yếu vẫn không hề suy chuyển.

TPP hình thành khi một thỏa thuận được ký giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei năm 2005. Năm ngoái, Mỹ, Australia, Peru và Việt Nam đã cùng với bốn thành viên sáng lập tham gia đàm phán về thỏa thuận mở rộng và cải thiện thương mại.

Ý tưởng này trở nên phổ biến hơn khi người ta bàn luận nhiều hơn đến vấn đề quan hệ với Mỹ và đối trọng với ảnh hưởng không ngừng tăng lên của Trung Quốc tại khu vực.

Washington hy vọng sẽ hoàn thành quá trình đàm phán đúng thời điểm diễn ra hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11/2011 tại Mỹ. Dù vậy, cho tới nay, tiến độ vẫn diễn ra hết sức chậm chạp do các bên đang vấp phải một loạt các vướng mắc từ kỹ thuật cho tới nhận thức chung.

Về mặt kỹ thuật, các nước tham gia đàm phán đều đã ràng buộc với nhau bởi một mạng lưới chằng chịt gần 30 thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Các thỏa thuận này quy định những cam kết khác nhau về cắt giảm thuế, bao gồm cả lộ trình tự do hóa thương mại khác nhau. Làm sao tích hợp được những hiệp ước đang tồn tại vào thành một thỏa thuận duy nhất sẽ chính là nhiệm vụ trọng tâm.

Một số nước, đặc biệt là Mỹ, muốn duy trì các hiệp định hiện có và sử dụng các cuộc đàm phán TPP để thương lượng về một hiệp định áp dụng tại nơi chưa có thỏa thuận nào. Vì thế, Mỹ và Australia sẽ vẫn tuân thủ hiệp định thương mại tự do đang thực thi, trong khi thỏa thuận TPP sẽ bao gồm cả thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, hai nước hiện chưa ký kết FTA.

Điều này có thể khiến tiến trình đi đến một thỏa thuận lớn thuận lợi hơn về chính trị do lợi ích trong nước có thể sẽ ít bị đe dọa hơn bởi thỏa thuận mới đó. Còn nếu đóng băng các cam kết hiện có sẽ khiến giảm đi tiềm năng của thỏa thuận và làm phức tạp thêm việc thực thi.

Lựa chọn khác là mở lại các cuộc đàm phán về cắt giảm thuế quan và lộ trình của mỗi nước, xây dựng một hiệp định duy nhất bao gồm tất cả các hoạt động thương mại hàng hóa giữa các thành viên. Nếu nhìn quan điểm kinh tế học và kinh doanh, điều này có vẻ là hợp lý nhất. Nhưng giải pháp này sẽ tạo ra những thách thức chính trị tại một số quốc gia thành viên nếu kiến nghị cắt giảm thuế quan sâu hơn nữa được đề xuất.

Tình huống sẽ càng phức tạp thêm khi danh sách thành viên tham gia đàm phán TPP mở rộng. Hãy xem trường hợp của Malaysia, nước đã tham gia đàm phán trong tháng 10. Việc có thêm nền kinh tế quy mô như của Malaysia chắc chắn sẽ làm tăng thêm ý nghĩa của thỏa thuận, nhưng cũng khiến cho nó càng khó đạt được hơn.

Malaysia không có nhiều thỏa thuận song phương, có nghĩa là thị trường nước này vẫn bị bảo hộ cao và đồng thuận chính trị trong nước cho thương mại càng khó xây dựng hơn.

Nỗ lực đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và Malaysia bị đình trệ từ năm 2008 với các vấn đề như quy định mua sắm chính phủ và tự do hóa dịch vụ tài chính. Dạng thức đa phương của TPP sẽ khiến cho các vấn đề trên dễ hay khó giải quyết hơn vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Sự tham gia của Nhật Bản cũng sẽ đồng hành với các thách thức mới. Tokyo mới đây đã quyết định tham gia đàm phán với tư cách quan sát viên, và có thể năm tới sẽ trở thành thành viên chính thức.

Nếu Nhật Bản tham gia thỏa thuận thương mại TPP, quy mô của nó cũng sẽ được tăng cường rất lớn. Nhưng Tokyo có thể sẽ không tạo dựng được sự đồng thuận trong nước để ủng hộ tham gia TPP cho tới khi các cuộc đàm đã diễn ra, hay có thể sẽ phải đợi gia nhập TPP sau khi mọi chuyện đã xong xuôi.

Điều đó có nghĩa là các nhà đàm phán của những nước khác sẽ phải tự đưa ra quyết định về sự tham gia của Nhật Bản. Nếu họ tin rằng Nhật Bản cuối cùng sẽ buộc phải tham gia TPP vì những lý do chiến lược, họ có thể sẽ tận dụng sự vắng mặt của Nhật Bản tại bàn đàm phán lúc này để đi đến một thỏa thuận mà khi Nhật Bản gia nhập, sẽ xóa bỏ được những băn khoăn trước nay về thị trường méo mó của nước này.

Một thỏa thuận như thế có thể sẽ bao gồm các quy định dỡ bỏ mạnh mẽ hàng rào kỹ thuật đối với thương mại như các tiêu chuẩn cá biệt và những điều tương tự - từ lâu đã là thách thức đối với các nhà xuất khẩu muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản.

Nhưng các nhà đàm phán cũng cần lưu tâm rằng nếu thỏa thuận đi quá xa vời so với quan điểm của Nhật Bản, Tokyo có thể sẽ "thà" không tham gia sau đó.
Nói một cách rộng hơn, các cuộc đàm phán TPP đang gặp khó khăn do chính tham vọng của nó.

Như tầm nhìn hiện nay, TPP sẽ không chỉ bao gồm các vấn đề thương mại truyền thống như thương mại hàng hóa và dịch vụ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn sản phẩm... mà còn đưa vào các vấn đề liên quan khác vượt ra ngoài phạm vi truyền thống.

Có thể kể đến là cam kết "quản lý hài hòa", theo đó các quốc gia sẽ phối hợp các quy định để đơn giản hóa thương mại. Tuy nhiên, sẽ khó có thể bao phủ được hết bởi phạm vi quá rộng các chế độ quản lý và hệ thống pháp luật hiện nay tại khu vực.

Mỹ cũng chắc chắn sẽ nhấn mạnh bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường, những điều mà các nước khác, đặc biệt là Việt Nam, khó đáp ứng (theo tiêu chuẩn Mỹ).

Riêng việc lựa chọn giải quyết vấn đề nào trong các thách thương mại phi truyền thống trong thỏa thuận TPP mở rộng, và vấn đề nào bỏ lại sau, có thể cũng đủ tạo nên cuộc tranh luận nảy lửa.

Những khó khăn này có thể khắc phục được, nhưng chỉ khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp coi trọng thương mại ở 9 quốc gia thành viên đóng một vai trò tích cực hơn trong đàm phán.

Có lẽ, thách thức lớn nhất chính là việc các chính phủ, những người tham gia đàm phán vì những toan tính chiến lược hơn là cam kết sâu sắc mở cửa thương mại, sẽ chấp nhận một hiệp định thương mại yếu hơn đơn giản để cho có thỏa thuận.

Chấp nhận logic trên sẽ có nghĩa là chúng ta đã bỏ quên một cơ hội lớn. Các thỏa thuận TPP làm lợi hơn cho nền kinh tế bằng cách khuyến khích thương mại và để cho thương mại củng cố thịnh vượng. TPP sẽ càng hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược gắn kết khu vực lại với nhau.

Sự ủng hộ và tham gia chủ động từ khu vực tư nhân có thể củng cố cho một khu vực kinh tế rộng mở và hội nhập, tạo ra cơ hội cho thương mại và đầu tư trên toàn Thái Bình Dương.

Nguồn: Diễn đàn kinh tế Việt Nam