Hoa Kỳ và sự can dự của nước này vào TPP - tác động đối với Việt Nam

01/01/2011    129

Trong TPP cũng như trong mọi đàm phán khác, để có thể có được phương án đàm phán thích hợp, việc xem xét điểm mạnh, điểm yếu của đối tác trong đàm phán có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới cán cân và kết quả đàm phán.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư cao cấp của hãng luật Hoa Kỳ Miller & Chevalier Chartered, cựu cán bộ cao cấp về đàm phán FTA của Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Jay L. Eizenstat, Esq. tìm hiểu về mục tiêu và ý định của Hoa Kỳ trong TPP, hy vọng có thể đem đến những thông tin sát thực hơn về vấn đề này.

PV: Xin Ông cho biết những lý do chính thúc đẩy Hoa Kỳ tham gia TPP?

Luật sư Jay Eizenstat: Hoa Kỳ có nhiều lý do để tham gia tích cực vào đàm phán TPP. Quan trọng nhất trong số đó là mong muốn gia tăng các lợi ích thương mại, kinh tế và chính sách của Hoa Kỳ ở khu vực châu Á, nơi có tiềm năng tăng trưởng dài hạn và một thị trường hấp dẫn bậc nhất hiện nay. TPP là một công cụ hữu dụng để Hoa Kỳ hòa nhập với nền kinh tế ở khu vực này, qua đó đảm bảo lợi ích của các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ tại đây. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong hoàn cảnh Hoa Kỳ đang đứng ngoài tiến trình tự do hóa của khu vực này (với một loạt các FTA giữa các nước trong khu vực mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ).
TPP cũng là con đường khả thi để Hoa Kỳ gia tăng đối trọng của mình về kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc ở khu vực này.

PV: Thưa Ông, lợi ích được công bố là vậy nhưng liệu Hoa Kỳ có thể đến cùng trong đàm phán và thực thi TPP không khi mà tình hình chính trị ở Hoa Kỳ có nhiều yếu tố không thuận cho việc ký TPP (cả từ Nghị viện lẫn công chúng Hoa Kỳ)?

Luật sư Jay Eizenstat: Theo những gì mà tôi quan sát được, nội bộ Hoa Kỳ có sự ủng hộ tương đối rộng rãi – tuy không phải tất cả - đối với đàm phán TPP. Điều này có thể thấy ở cả Hành pháp, Nghị viện lẫn các ngành sản xuất quan trọng của nước này, bao gồm nông nghiệp (nhưng không bao gồm ngành sữa), các sản phẩm công nghiệp, dệt may, giầy dép, đồ gỗ, các ngành công nghệ cao, điện tử, các lĩnh vực dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ y tế, bảo hiểm, đầu tư, ngân hàng…).

Như trong bất kỳ các trường hợp khác, các nhóm theo xu hướng bảo hộ như các tổ chức công đoàn, ngành sữa và ngành dệt may Mỹ vẫn tỏ thái độ nghi ngờ về những lợi ích mà TPP có thể mang lại.

Việc Đại diện Thương mại Hoa Kỳ tiến hành một chuyến công du chưa từng có trong tiền lệ đến các bang của Hoa Kỳ để nói về những lợi ích của TPP thực chất là nhằm thuyết phục làn sóng nghi ngại đang gia tăng ở Mỹ về ích lợi của tự do thương mại chứ không hẳn là với riêng TPP. Làm điều này, họ cũng muốn thể hiện hình ảnh một Đại diện thương mại rất thấu hiểu những khó khăn của người lao động trung bình trong xã hội Mỹ và rất nhạy cảm với những quan ngại của giới này về tự do thương mại.

Từ góc độ chính trị, phe Cộng hòa đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ vừa rồi. Đây là nhóm vốn luôn ủng hộ các sáng kiến tự do thương mại nói chung và TPP nói riêng, vì thế chiến thắng này có thể mang lại những thuận lợi cho TPP hơn là gây khó. Đúng là có khả năng phe Cộng hòa sẽ cố gắng làm khó dễ cho công việc của Tổng thống Obama trong hai năm tới đây, nhưng tôi không cho rằng rủi ro này sẽ đúng với TPP bởi đây vốn là chủ đề đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong Đảng Cộng hòa.

Do đó tôi cho rằng ở Hoa Kỳ có các điều kiện thuận lợi để đàm phán, ký kết cũng như thông qua TPP.

PV: Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng có khả năng chính Chính quyền Obama cũng không chắc về việc này, và đàm phán TPP chỉ là một hành động mang tính biểu tượng để tránh những công kích về chính sách thương mại và là một cách để không phải giải quyết những vấn đề thương mại để lại từ thời Bush (với cụ thể là một loạt các FTA đã ký nhưng chưa được thông qua). Vậy Ông có bình luận gì về việc này?

Luật sư Jay Eizenstat: Chính phủ Hoa Kỳ có một cam kết rất chắn chắn về việc đàm phán TPP đến cuối cùng bởi đây là một giải pháp quan trọng để hòa nhập hơn với nên kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương và hiện thực hóa mục tiêu tạo việc làm và tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm (như nêu trong Sáng kiên Xuất khẩu Quốc gia của Mỹ).

Nước Mỹ tham gia TPP hoàn toàn không phải là một hành động mang tính biểu tượng hay một giải pháp để lẩn tránh hoặc trì hoãn các FTAs đã ký dưới thời Bush. Vấn đề trên thực tế khá phức tạp chứ không đơn giản như vậy. Hiện tại không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa việc chính quyền ủng hộ TPP và thông qua các FTAs đang bị trì hoãn.

PV: Có ý kiến cho rằng đàm phán TPP với nhiều nước sẽ rất phức tạp, nên chăng Việt Nam đàm phán một FTA song phương với Hoa Kỳ thay vì TPP. Ý kiến Ông về việc này là thế nào?

Luật sư Jay Eizenstat: Câu hỏi này dựa trên suy đoán là một FTA song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một khả năng tương đối hiện thực. Tuy nhiên trên thực tế suy đoán này là không đúng. Hoa Kỳ đã quyết định rằng trong thời gian tới sẽ theo đuổi chiến lược FTA tham vọng hơn ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, một chiến lược sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho các nhà xuất khẩu và cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ hơn là ký kết một FTA với riêng Việt Nam.
Nếu Việt Nam muốn có quan hệ thương mại “ưu tiên” với Hoa Kỳ thì TPP là công cụ để đạt được mong muốn này.

PV: Vấn đề nền kinh tế phi thị trường đang là khúc mắc và cản trở chủ yếu trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ. Từ kinh nghiệm đàm phán của Ông, Ông có cho rằng Việt Nam có thể thành công trong việc yêu cầu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong khuôn khổ đàm phán TPP không?

Luật sư Jay Eizenstat: Khả năng Hoa Kỳ công nhận Việt nam là nền kinh tế thị trường là có thể, nhưng tôi không cho rằng đây sẽ là một quyết định chính trị của phía Hoa Kỳ mà không dựa trên bất kỳ thay đổi nào trong cơ chế pháp lý của phía Việt Nam. Quyết định công nhận hay không công nhận quy chế nền kinh thị trường phải dựa trên pháp luật Hoa Kỳ và thường không bị ảnh hưởng bởi các áp lực chính trị nào.

Việc Việt nam xem vấn đề nền kinh tế thị trường là một trong những vấn đề ưu tiên trong đàm phán TPP là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên sẽ rất khó để đạt được điều này trong TPP. Hoa Kỳ có thể đồng ý đẩy nhanh việc xem xét cho Việt nam sớm tốt nghiệp nền kinh tế thị trường trước năm 2018 (thời điểm Việt Nam đương nhiên được công nhận theo các cam kết trong khuôn khổ WTO) nếu điều này đồng thời với những thay đổi rõ rệt trong chế độ pháp lý của Việt nam. Sẽ rất khó mường tượng khả năng Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ trao quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt nam mà không dựa trên bất kỳ thay đổi nào so với hiện tại.

PV: Theo Ông, với sự tham gia của nhiều bên đàm phán với trình độ phát triển kinh tế cách xa nhau, kết quả đàm phán TPP liệu có thể là một “Hiệp định 2 tầng” với những đối xử đặc biệt và khác biệt cho những trường hợp như Việt Nam tương tự như trong WTO không?

Luật sư Jay Eizenstat: Nói đến một hiệp định 2 tấng là nói đến hiệp định mà nội dung của nó sẽ bao gồm hai nhóm cam kết, một nhóm cam kết đầu đủ và một nhóm cam kết thấp hơn (về một hoặc một số lĩnh vực) mà các thành viên đang phát triển (như Việt Nam) có thể lựa chọn cam kết hoặc không cam kết).
Trong TPP, Việt Nam nên có tính toán rộng hơn, xa hơn nếu muốn đòi hỏi nhiều hơn từ các đối tác TPP. Nói cách khác, để có thể nhận được các lợi ích từ TPP, Việt Nam nên cam kết ở cùng tiêu chuẩn (cao) và các điều khoản như các thành viên TPP khác và do đó không nên yêu cầu hiệp định 2 tầng trong đàm phán này.

Sự đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) chính là một kiểu cam kết 2 tầng. Nó có thể là hiệu quả trong WTO nhưng không thích hợp với trường hợp FTA.
Điều VN nên làm không phải là yêu cầu một Hiệp định 2 tầng với mức cam kết mở cửa thị trường nội địa thấp hơn mà nên yêu cầu là một lộ trình dài hơn, với các hình thức hỗ trợ thực thi nhiều hơn. Điều này sẽ giúp cho VN vấn có thể từ từ thực hiện các cam kết TPP trong một vài năm mà không làm mất đi cơ hội từ những cam kết mở cửa đầy đủ, minh bạch… từ các nước khác trong TPP.

PV: Xin hỏi Ông câu hỏi cuối cùng. Hiện tại ở Việt Nam đang có nhiều quan ngại rằng những lợi ích mà Việt Nam thu được từ TPP là không lớn bởi Việt Nam có thể sẽ phải mở cửa thị trường nội địa quá nhiều trong khi lợi ích từ việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ lại có thể bị vô hiệu hóa bởi những rào cản (như kiện chống bán phá giá, kiện chống trợ cấp, hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ….). Ông có bình luận gì về việc này?

Luật sư Jay Eizenstat: Đàm phán TPP, Việt Nam sẽ có điều kiện để tiếp cận thị trường hàng hóa của Hoa Kỳ và các nước TPP với mức thuế quan ưu đãi. Đây là một lợi ích lớn của Việt Nam. Về các rào cản như phòng vệ thương mại tại Hoa Kỳ, tôi cho rằng nếu số vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp gia tăng sau khi thực hiện TPP thì điều này không thể là do TPP, nó chỉ có thể là do hàng Việt Nam phá giá hoặc được trợ cấp khi xuất vào Mỹ nhiều hơn.

Các quy định trong TPP dự kiến sẽ tăng các tiêu chuẩn và điều kiện đối với hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp cũng như tăng các tiêu chuẩn SPS. Điều này sẽ giúp làm cho thương mại trong TPP hiệu quả và minh bạch hơn.

Đàm phán TPP sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội không thể bỏ lỡ để tăng cường phát triển kinh tế, tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực dịch vụ (đặc biệt là bảo hiểm, tài chính, viễn thông, vận tải), hiện đại hóa thủ tục hải quan, áp dụng các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn, thúc đẩy quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước và mở cửa thị trường mua sắm công. Về lâu dài đây là những lợi ích rất to lớn cho Việt Nam.

Xin cảm ơn Ông về cuộc trao đổi này!

Ủy ban tư vấn về CSTMQT