Vòng đàm phán thứ 27 của RCEP tại Trịnh Châu, Trung Quốc

31/07/2019    177

"16 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) 'rất có thể' sẽ kết thúc các cuộc đàm phán trong năm nay" - Đó là khẳng định của Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Li Chenggang ngày 31/7, sau khi Phiên đàm phán lần thứ 27 tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam vừa khép lại, với một số tiến bộ đáng chú ý về nhiều mặt và hứa hẹn sự đồng thuận tích cực hơn tại Hội nghị cấp Bộ trưởng RCEP giữa kỳ vào ngày 02-03/8, tại Bắc Kinh.

Hơn 700 đại biểu đại diện từ 16 quốc gia thành viên RCEP đã tham dự vòng đàm phán lần thứ 27 từ ngày 23-31/7 và đã tái khẳng định các mục tiêu đạt được mà các nhà lãnh đạo RCEP đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh RCEP lần thứ hai ở Singapore vào tháng 11 năm ngoái. Các bên đã tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban đàm phán thương mại và các phiên họp nhóm làm việc về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, tài chính, viễn thông, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và pháp lý thể chế.

Vì nhiều nơi trên thế giới đang phải đối phó với các hành động đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc cho biết, nước này đã tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán RCEP và sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán. Bản thân Trung Quốc đang thực hiện một loạt các biện pháp cải cách và mở cửa lớn, tăng cường các thỏa thuận về thể chế và cơ cấu, và thúc đẩy mức độ mở cửa cao hơn, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới để Trung Quốc tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác khác trong khối RCEP.

RCEP có thể được hoàn tất sớm hay muộn, hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối thương mại lớn nhất thế giới, chiếm 45% dân số thế giới, 40% thương mại toàn cầu và khoảng 1/3 GDP của thế giới. Được khởi động vào năm 2012, RCEP dự kiến ​​sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại giữa các thành viên ASEAN và sáu đối tác thương mại - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

Kể từ khi Tầm nhìn đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN 2030 được thông qua vào năm 2018, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm, Trung Quốc sẽ tiếp tục làm phong phú sự phát triển của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực như thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, dữ liệu lớn và dịch vụ tài chính với các nền kinh tế ASEAN. ASEAN gồm 10 thành viên đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Liên minh châu Âu, trong nửa đầu năm 2019, lần đầu tiên vượt qua Mỹ kể từ năm 1997. Dữ liệu từ Bộ Thương mại cho thấy thương mại song phương giữa Trung Quốc và ASEAN lên tới 291,85 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, và khoản đầu tư hai chiều đạt 205,71 tỷ USD vào cuối năm 2018.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, Trung Quốc và ASEAN, cả hai đều xuất khẩu một lượng lớn hàng hóa sản xuất, nông sản và hàng hóa sang thị trường toàn cầu, đã kiên quyết duy trì một hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc và thúc đẩy hội nhập khu vực một cách nghiêm túc. Với tinh thần đa dạng hóa các quan hệ thương mại, Trung Quốc sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 16 tại Nam Ninh, từ ngày 20 - 23/9.

Nguồn: Báo Công Thương