Vòng đàm phán thứ 26 của RCEP tại Melbourne, Australia

06/07/2019    184

Phiên 26 đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) đã diễn ra từ ngày 25/6-03/7/2019 tại Melbourne, Australia. Đoàn Việt Nam tham dự Phiên đàm phán có đầy đủ đại diện các cơ quan liên quan bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…    

Phiên 26 đã đạt được những tiến triển cụ thể trong đàm phán mở cửa thị trường song phương giữa các nước thành viên ASEAN với sáu nước đối tác gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Đồng thời, các bên cũng đạt được một số tiến triển về các nội dung liên quan đến dịch vụ viễn thông và đầu tư, đáp ứng mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Công tác RCEP 2019. Các đoàn đàm phán tiếp tục khẳng định cam kết nỗ lực hợp tác để giải quyết những vấn đề tồn tại trong giai đoạn đàm phán nước rút sắp tới.Phát biểu khai mạc, ông Iman Pambagyo, Vụ trưởng phụ trách Đàm phán Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Indonesia – Chủ tọa đàm phán nhắc lại quyết tâm của các nhà Lãnh đạo và các Bộ Trưởng RCEP kết thúc đàm phán một thỏa thuận hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi trong năm 2019. Chủ tọa đàm phán kêu gọi các bên tham gia nỗ lực hết sức để đạt những mục tiêu đã đề ra trong Chương trình Công tác RCEP tại Phiên 26 lần này, tạo đà cho Phiên 27 tại Trịnh Châu và Hội nghị Bộ trưởng giữa kỳ RCEP lần thứ 8 tại Bắc Kinh, Trung Quốc sau đó.

Các Trưởng đoàn đàm phán đã tham dự hai phiên họp với khối doanh nghiệp và một số tổ chức liên quan để lắng nghe những chia sẻ, kỳ vọng và khuyến nghị về Hiệp định RCEP.

Phiên 27 đàm phán Hiệp định RCEP sẽ diễn ra từ ngày 22-31/7/2019 tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Đến nay, các nước tham gia đàm phán đã tiến hành 6 phiên trao đổi cấp Bộ trưởng, 26 phiên đàm phán chính thức và 7 phiên giữa kỳ cấp Bộ trưởng, thống nhất được 7/13 chương của Hiệp định.

Trong trường hợp được thông qua, Hiệp định RCEP sẽ đánh dấu sự ra đời của một trong những khu vực tự do thương mại có quy mô lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 50% dân số và 32% GDP toàn cầu, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và thế giới trong bối cảnh căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng.

Nguồn: Báo Quốc tế