Cần làm gì để tận dụng những cơ hội mở cửa thị trường Australia?
16/05/2019 1515Bài viết được trích dẫn từ Nghiên cứu "Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan" của nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập, được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia.
1. Đối với các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa
- Tìm hiểu kỹ nội dung cam kết để tận dụng các lợi ích từ CPTPP:
Để có thể tận dụng các cơ hội từ CPTPP, điều đầu tiên và tiên quyết là doanh nghiệp phải hiểu nội dung của Hiệp định, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến sản phẩm hàng hóa của mình. Chẳng hạn như đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Australia thì cần tìm hiểu mức thuế quan ưu đãi mà Australia dành cho Việt Nam trong CPTPP, quy tắc xuất xứ áp dụng đối với hàng hóa đó để được hưởng ưu đãi thuế, và các quy định khác về hải quan, SPS, TBT… liên quan. Cần lưu ý là các cam kết của Australia trong CPTPP là các cam kết tối thiểu, Australia có thể mở cửa hơn so với cam kết tùy thuộc vào nhu cầu, do đó doanh nghiệp vẫn phải kiểm tra mức thuế áp dụng ưu đãi thực tế hàng năm của Australia cho Việt Nam.
Do CPTPP là một văn kiện pháp lý với nhiều nội dung phức tạp với trình độ hiểu biết thông thường của doanh nghiệp, để hiểu được chính xác nội dung của CPTPP, doanh nghiệp cần có một bộ phận pháp lý để nghiên cứu về các điều khoản của Hiệp định này hoặc thuê luật sư tư vấn. Đối với những doanh nghiệp không có đủ nguồn lực để xây dựng bộ phận pháp lý hoặc thuê luật sư, thì có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức có chức năng hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập như Bộ Công Thương, VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp… Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, hướng dẫn về CPTPP trên website chính thức của các tổ chức này[1], đồng thời tích cực tham gia các hội thảo, đào tạo, tham khảo các sách hướng dẫn, cẩm nang về CPTPP do các tổ chức này tổ chức và biên soạn…
- Nghiên cứu chi tiết các quy định nhập khẩu của Australia
Bên cạnh việc tìm hiểu nội dung của CPTPP, doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các quy định pháp lý nội địa của nước nhập khẩu mà không được giải quyết, đề cập tới trong CPTPP. Chẳng hạn như các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, quy định về ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, quy định về giấy phép nhập khẩu, các quy định về các khoản thuế phí nội địa…. Mỗi loại hàng hóa khác nhau sẽ có những quy định và yêu cầu về nhập khẩu cụ thể khác nhau, hàng hóa nhập khẩu muốn tiếp cận thị trường Australia thì phải đáp ứng được đầy đủ các quy định và yêu cầu này nếu không sẽ bị trả về hoặc tiêu hủy tại các cảng hải quan của Australia. Đáng lưu ý là các quy định nhập khẩu của Australia có thể thay đổi thường xuyên và doanh nghiệp cần liên tục cập nhật để có thể đáp ứng được các yêu cầu mới.
Để làm được điều này doanh nghiệp cần thiết lập một bộ phận pháp lý hoặc thuê tư vấn để thường xuyên, liên tục cập nhật quy định pháp lý của các thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu các quy định thị trường nhập khẩu qua đối tác nhập khẩu vì các đối tác này thường xuyên nhập khẩu và sẽ tường tận nhất về các quy định pháp lý của nước họ. Do đó, thường xuyên trao đổi, hợp tác với các nhà nhập khẩu Australia sẽ giúp doanh nghiệp thông hiểu và cập nhật hơn về các yêu cầu nhập khẩu của thị trường Australia. Một kênh thông tin khá hữu hiệu khác là Thương vụ Việt Nam tại Australia. Thương vụ này thường xuyên cập nhật các thông tin thị trường Australia, tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Australia, và chia sẻ nhiều thông tin, hướng dẫn về thị trường Australia trên trang web: http://vietnamtradeoffice.net/.
- Phân tích nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng:
Hàng hóa xuất khẩu, dù vượt qua các rào cản nhập khẩu để tiếp cận thị trường nước nhập khẩu, nhưng không tiếp cận được các kênh phân phối, không được ưa chuộng bởi người tiêu dùng thì cũng không thể tồn tại lâu dài. Vì vậy, việc nghiên cứu sở thích, thị hiếu của người tiêu dùng, thói quen mua sắm của họ (qua chợ, siêu thị, hay qua mạng), các nhà bán lẻ (kênh phân phối) lớn và phổ biến ở Australia, các đối thủ cạnh tranh hiện tại trên thị trường…. là rất quan trọng.
Chẳng hạn như đối với các sản phẩm thủy hải sản, người tiêu dùng Australia chỉ ưa chuộng các sản phẩm nước mặn vì ở Australia không có nhiều ao hồ sông suối như Việt Nam do đó người tiêu dùng không có thói quen ăn các sản phẩm nước ngọt. Do vậy dù cá tra cá ba sa là các sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng khó thâm nhập thị trường Australia. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Australia ngày càng quan tâm đến các vấn đề về môi trường và xã hội đằng sau mỗi sản phẩm. Chẳng hạn họ quan tâm các sản phẩm tôm cá được đánh bắt như thế nào, có đảm bảo nguồn gốc và ảnh hưởng đến môi trường không, hay việc sản xuất xuất khẩu những con tôm cá đó đã giúp cải thiện thu nhập, đời sống của những người nghèo ra sao….
Bên cạnh nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các đối thủ cạnh tranh hiện tại trên thị trường. Do thị trường Australia là một thị trường có giá trị gia tăng cao nên rất nhiều nhà xuất khẩu trên thế giới quan tâm đến thị trường này. Hơn nữa, Australia có rất nhiều đối tác FTA và những đối tác này đang cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Việt Nam. Do đó, áp lực cạnh tranh hiện tại ở thị trường Australia là rất lớn, khiến cho nhiều nhà xuất khẩu mới của Việt Nam khó có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, bên cạnh các thị trường truyền thống, có nhiều thị trường ngách mà ở đó nhu cầu thị trường có thể không cao nhưng đang gia tăng và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh.
Ví dụ thị trường một số loại hoa quả nhiệt đối như Vải, Nhãn, Sầu riêng, Thanh Long…có thể được coi là các thị trường ngách mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập được bởi đây là các loại quả đặc trưng chỉ một số nước có thể trồng được với chất lượng cao như Việt Nam. Hơn nữa, một bộ phận người Việt và người dân châu Á đang gia tăng ở Australia có nhu cầu đối với các sản phẩm này. Bản thân người dân Australia cũng ngày càng muốn thử nghiệm nhiều loại hoa quả mới, đặc biệt là các hoa quả trái mùa. Do đó đây là các thị trường ngách tiềm năng mà doanh nghiệp Việt có thể khai thác ở Australia.
- Thay đổi, cải tổ để nâng cao năng lực cạnh tranh
Sau khi đã tìm hiểu kỹ nội dung CPTPP, nghiên cứu chi tiết các quy định pháp lý khác của thị trường Australia cũng như thông hiểu nhu cầu của người tiêu dùng Australia, thì việc quan trọng nhất nhưng dường như cũng là khó nhất của doanh nghiệp là làm sao để sản phẩm của mình đáp ứng được các yêu cầu được hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP, để vượt qua các quy định nhập khẩu, và cuối cùng là được chấp nhận bởi người tiêu dùng Australia. Cách duy nhất có lẽ là doanh nghiệp cần phải thay đổi, cải tổ để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thay đổi quy trình sản xuất và nguồn cung ứng nguyên liệu để có thể đáp ứng được các quy tắc xuất xứ của CPTPP. Hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và một số nước không phải là thành viên của CPTPP. Điều này khiến cho hàng hóa khó đáp ứng được yêu cầu xuất xứ của CPTPP và như vậy sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định. Mặc dù việc thực hiện CPTPP sẽ tạo ra cơ hội cho các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam phát triển trong thời gian tới, nhưng việc này khó có thể thực hiện được trong ngắn hạn. Vì vậy ngay từ bây giờ doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp phụ trợ tiềm năng để tự xây dựng chuỗi cung ứng trong nước cho mình, hoặc tìm kiếm các nguồn nhập khẩu từ các nước đối tác CPTPP. Đối với các nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp cũng cần chú ý xin chứng nhận xuất xứ CPTPP của nguyên liệu ngay từ đầu để phục vụ cho việc chứng minh xuất xứ CPTPP của sản phẩm sau này khi xuất khẩu sang Australia.
Thứ hai, doanh nghiệp cần cải thiện tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để đáp ứng được các quy định pháp lý của thị trường nhập khẩu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng nước nhập khẩu. Chẳng hạn như đối với các sản phẩm rau quả khi xuất khẩu sang Australia phải đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm, phải được chiếu xạ để khử trùng, bao bì phải được làm từ các vật liệu đảm bảo, nhãn mác phải ghi đầy đủ các thông tin như yêu cầu của Australia…. Để đáp ứng được các yêu cầu này, toàn bộ quy trình sản xuất rau quả của Việt Nam từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, đóng gói, xuất khẩu….phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của Australia. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu cải thiện chất lượng giống, quy trình trồng trọt, chế biến sản phẩm để có các sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng cao thì mới được người tiêu dùng Australia lựa chọn.
Thứ ba, doanh nghiệp cần chú ý tập trung tiếp cận hệ thống nhập khẩu và phân phối hàng hóa của Australia. Thông thường, hàng hóa được nhập khẩu vào Australia qua hai kênh chính là những nhà chuyên nhập khẩu và các chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn mua hàng thông qua các đại lý của họ ở nước ngoài. Hàng hóa sau đó được phân phối cho các kênh bán buôn hoặc bán lẻ. Các kênh bán lẻ của Australia chủ yếu thông qua các siêu thị tổng hợp và cửa hàng tiện ích. Đáng chú ý, hệ thống chợ của Australia cũng khá phát triển nhằm phục vụ các cộng đồng châu Á ngày càng nhiều ở Australia như chợ Tàu, chợ Thái, chợ Việt… Đây là một kênh phân phối quan trọng và dễ tiếp cận hơn cho hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ và tính cạnh tranh lớn trên thị trường Australia, các nhà nhập khẩu và phân phối Australia thường đặt hàng với số lượng nhỏ nhưng đỏi hỏi giá cả cạnh tranh và chất lượng tốt. Nhiều nhà nhập khẩu đòi hỏi nhà cung cấp nước ngoài chỉ bán hàng độc quyền cho họ, toàn bộ hoặc ít nhất một số mẫu sản phẩm. Với những đặc thù riêng này của thị trường Australia, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần tìm nhà nhập khẩu và kênh phân phối cho phù hợp với khả năng đáp ứng của mình.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm của mình. Đây là một khâu quan trọng nhưng dường như vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư. Hiện tại rất nhiều sản phẩm có chất lượng của Việt Nam xuất khẩu sang Australia nhưng không có thương hiệu riêng của mình mà phải đội lốt những thương hiệu nước ngoài khiến cho giá trị gia tăng không cao và cũng không được người tiêu dùng biết đến. Để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm không chỉ thông qua việc đăng ký nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đó mà còn là cả một quá trình để làm sao cho người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và yêu thích sản phẩm đó. Việc này ngoài tập trung nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm, doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa trong từng khâu bán hàng, chăm sóc sau bán hàng, hậu mãi…
Nói chung, để nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cần đầu tư lớn và bài bản. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, để huy động một nguồn lực lớn như vậy là một bài toàn khó. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cân nhắc và tính toán đến lợi ích lâu dài, đầu tư lớn trong hiện tại để thu lợi nhuận cao trong tương lai. Hơn thế nữa, nếu vượt qua được một thị trường khó tính như Australia, thì doanh nghiệp cũng đáp ứng được các thị trường khó tính tương tự như EU, Nhật Bản, Canada… mà cũng đã hoặc sắp có FTA với Việt Nam. Do đó việc đầu tư này có thể giúp cho doanh nghiệp tiếp cận được cùng lúc nhiều thị trường lớn và có giá trị gia tăng cao.
2. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư
- Nâng cao năng lực cạnh tranh
Như đã đề cập ở trên, một trong những lý do lớn nhất khiến cho giá trị xuất khẩu dịch vụ (trừ xuất khẩu du lịch) và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, mà cụ thể là thị trường Australia, còn thấp là do năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ, đầu tư của Việt Nam còn hạn chế. Do vậy, cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp dịch vụ và nhà đầu tư của Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thì mới có thể gia tăng giá trị xuất khẩu dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài. Hiện tại, ngay cả tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp dịch vụ trong nước cũng đang gặp phải áp lực cạnh tranh khốc liệt và nhiều khi thua ngay trên sân nhà trước các đối thủ nước ngoài. Một giải pháp đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế là liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm và trình độ của các doanh nghiệp này. Ví dụ như trong lĩnh vực ngân hàng, hàng loạt các ngân hàng nhà nước đã được cổ phần hóa, cho phép sự tham gia của khối ngoại thông qua các hình thức liên doanh, góp vốn, giúp cho thị trường dịch vụ ngân hàng của Việt Nam phát triển sôi động và cạnh tranh hơn với nhiều sản phẩm đa dạng, hiện đại theo kịp xu hướng của thế giới. Kết quả là lĩnh vực tài chính, ngân hàng trở thành lĩnh vực có vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
- Nghiên cứu kỹ thị trường nước ngoài
Khi tiếp cận thị trường nước ngoài, các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư cần nghiên cứu kỹ thị trường. Không giống như quy định đối với hàng hóa như thuế quan và quy tắc xuất xứ tương đối rõ ràng và minh bạch, các quy định đối với dịch vụ và đầu tư thường phức tạp và khó tìm hiểu hơn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nếu không có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng pháp luật và quy định của nước sở tại sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí là rủi ro khi xuất khẩu dịch vụ hoặc đầu tư sang nước đó. Đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư do không có đầy đủ thông tin về các dự án đầu tư và thủ tục pháp lý khi đầu tư vào các dự án đó nên đã bị lừa đảo mất khoản tiền đầu tư. Ngoài ra tìm hiểu thông tin và nhu cầu của khách hàng, tập quán và văn hóa của thị trường xuất khẩu, đầu tư là rất quan trọng để có thành công khi xuất khẩu hoặc đầu tư sang thị trường nước ngoài. Những việc này có thể đòi hỏi công sức và chi phí rất cao, nhưng doanh nghiệp cần chấp nhận chi phí cơ hội ban đầu để có thể thu được lợi ích trong lâu dài.
- Sử dụng các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo CPTPP
CPTPP đã đặt ra rất nhiều nghĩa vụ đối với các nước thành viên CPTPP bao gồm Australia trong việc đối xử với các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư đến từ các nước thành viên CPTPP khác. Trong trường hợp các nhà cung cấp dịch của Việt Nam khi tiếp cận thị trường Australia bị đối xử không công bằng (như bị phân biệt đối xử so với các nhà cung cấp dịch vụ, đầu tư của Australia hoặc so với các nhà cung cấp dịch vụ đầu tư đến từ các nước khác, trừ những trường hợp Australia có bảo lưu) thì có quyền yêu cầu Chính phủ Việt Nam tham vấn với Chính phủ Australia về vấn đề liên quan, nếu không giải quyết được thì kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà nước của CPTPP. Đối với trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến đầu tư (như các trường hợp phân biệt đối xử, trung thu trưng dụng tài sản bất hợp lý và không có đền bù thỏa đáng, hoặc bất kỳ tranh chấp nào khác) thì nhà đầu tư của Việt Nam có quyền trực tiếp kiện Chính phủ Australia theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư (ISDS) của CPTPP mà không cần phải theo cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – Nhà nước kể trên. Mặc dù các nhà tư của Việt Nam từ trước đến nay chưa từng sử dụng công cụ này ở nước ngoài nhưng đây là một công cụ hữu hiệu các nhà đầu tư cần phải biết để có thể sử dụng khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
- Vận động chính sách nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ Chính phủ
Mặc dù xuất khẩu dịch vụ và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam hiện nay còn hạn chế nhưng lĩnh vực này có nhiều tiềm năng trong tương lai, và đem lại những lợi ích nhất định cho nền kinh tế. Chẳng hạn như khi có chi nhánh ngân hàng của Việt Nam ở Australia thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp của Việt Nam khi thực hiện thanh toán các lô hàng xuất nhập khẩu với thị trường này. Hay một doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam đầu tư vào Australia sẽ giúp đem hàng hóa của Việt Nam sang giới thiệu và bán ở thị trường này. Với những lợi ích chung đem lại cho nhiều ngành kinh tế khác như vậy, các doanh nghiệp dịch vụ và nhà đầu tư có thể vận động chính phủ Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho mình khi xuất khẩu dịch vụ và đầu tư sang Australia. Các hình thức hỗ trợ có thể là cung cấp thông tin về thị trường Australia, tổ chức các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Australia và Việt Nam, thiết lập các tổ chức xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tại Australia (các mô hình như JETRO của Nhật Bản, KOTRA của Hàn Quốc) để hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam khi đầu tư sang Australia…. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần vận động để Chính phủ hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư ra nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi chuyển tiền ra nước ngoài hay chuyển lợi nhuận về nước…
- Nâng cao trình độ chuyên môn, kinh nghiệm
Với việc Australia ngày càng thắt chặt chính sách đối với lao động nước ngoài và CPTPP cũng không mở thêm cơ hội nào cho các lao động có tay nghề của Việt Nam[2] thì để tiếp cận thị trường lao động Australia vốn đã cạnh tranh khốc liệt, các lao động của Việt Nam cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề và kinh nghiệm của mình. Hiện tại, hệ thống giáo dục của Việt Nam đã được cải cách đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Học sinh và sinh viên Việt Nam vẫn chủ yếu được đào tạo nặng về lý thuyết mà thiếu thực hành, thiếu các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc sau này. Do đó, để tự nâng cao trình độ cho mình, người lao động cần bổ sung thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế thông qua các chương trình, khóa học thực hành về kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, kế toán, quản lý… Chẳng hạn như hiện tại nhiều doanh nghiệp hiện đã phối hợp với nhà trường thực hiện các khóa đào tạo nghề để sinh viên ra trường có thể làm việc ngay tại các doanh nghiệp. Việc tham gia vào các khóa học, các chương trình đào tạo nghề như vậy sẽ giúp cho người lao động có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể tìm được công việc phù hợp trong nước cũng như tiếp cận các thị trường lao động nước ngoài một cách dễ dàng hơn.
- Nghiên cứu kỹ các hình thức thị thực việc làm khác nhau và điều kiện tương ứng
Có nhiều hình thức thị thực việc làm khác nhau cấp cho người lao động muốn sang làm việc tại Australia, mỗi hình thức có thời hạn khác nhau và các điều kiện, tiêu chuẩn áp dụng đối với người lao động cũng khác nhau. Các tiêu chuẩn này thường bao gồm: trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, trình độ tiếng Anh, độ tuổi phù hợp, ngành nghề phù hợp.
Đa số các thị thực sẽ yêu cầu người lao động phải có nghề nghiệp thuộc danh sách ngành nghề được phép vào Australia. Danh sách này có thể khác nhau giữa các vùng miền của Australia, và có thể thay đổi hàng năm tùy theo nhu cầu của thị trường lao động. Do đó người lao động Việt Nam phải thường xuyên cập nhật danh sách này để xem xét những lĩnh vực ngành nghề được phép làm việc tại Australia. Ngoài ra, một số thị thực công việc cũng yêu cầu người lao động phải được bảo trợ bởi một công ty của Australia bên cạnh việc đáp ứng được các tiêu chuẩn trên.
Tóm lại, các hình thức thị thực việc làm của Australia khá đa dạng nhưng điều kiện rất phức tạp và khắt khe. Để có thể đăng ký cấp phép các thị thực này người lao động Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ hoặc thuê công ty tư vấn để có thể đáp ứng được đầy đủ các điều kiện này. Việc này thường đòi hỏi khá nhiều thời gian và chi phí do đó người lao động cũng phải chuẩn bị nguồn lực cho việc xin cấp phép này.
[1] Chuyên trang về CPTPP của Bộ Công Thương: http://cptpp.moit.gov.vn/, của VCCI: http://trungtamwto.vn/fta/175-cptpp-tpp11/1
[2] Australia chỉ cam kết sẽ xem xét tăng thêm số lượng cho lao động kỳ nghỉ của Việt Nam sang Australia trong CPTPP từ 200 lên 1,500 lao động.
- Việt Nam dành cho các doanh nghiệp Mexico: Cẩm nang kinh doanh
- Hướng dẫn cho doanh nghiệp về Biện pháp Phòng vệ thương mại trong bối cảnh CPTPP
- Giới thiệu về cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá trong Hiệp định CPTPP
- Thực hiện Quy tắc xuất xứ trong CPTPP - Chặng đường 3 năm từ ngày Hiệp định có hiệu lực
- Cẩm nang về phòng vệ thương mại đối với DN xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP