Hiện trạng lao động của Việt Nam làm việc tại Australia

16/05/2019    1616

Bài viết được trích dẫn từ Nghiên cứu "Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam từ CPTPP và các FTA liên quan" của nhóm nghiên cứu Trung tâm WTO và Hội nhập, được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia.

Mở cửa thị trường lao động thường được coi là một vấn đề nhạy cảm của mỗi quốc gia do việc mở cửa thị trường này có thể ảnh hưởng đến nhiều vấn đến lớn của một quốc gia như công ăn việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, và những vấn đề an sinh xã hội khác. Do đó, hầu hết các quốc gia khá thận trọng trong việc mở cửa thị trường lao động và tương đối dè dặt trong việc đưa ra các cam kết quốc tế trong việc mở cửa thị trường này. Trong WTO và các FTA, các hình thức lao động được các nước cam kết mở cửa chỉ giới hạn ở một số hình thức lao động nhất định, như lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người cung cấp dịch vụ theo hợp đồng đã có….

Đối với Australia, trong WTO và các FTA, nước này cũng chủ yếu cam kết mở cửa cho các hình thức lao động đặc thù - các lao động có tay nghề. Trên thực tế, nước này cũng đơn phương mở cửa thêm cho một số hình thức lao động phổ thông tùy thuộc vào nhu cầu thị trường lao động trong nước trong từng thời kỳ và từng khu vực, nhưng rất hạn chế. Do đó, lao động nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Australia thường phải có một kỹ năng ngành nghề nhất định, thuộc danh sách các ngành nghề mà thị trường Australia đang có nhu cầu và cho phép, và thông thường phải được bảo lãnh bởi một công ty của Australia.

1. Số lượng và cơ cấu lao động Việt Nam tại Australia

Australia là một trong số 10 quốc gia Việt Nam có xuất khẩu lao động nhiều nhất trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Australia thì lượng lao động Việt Nam ở Australia giai đoạn 2014-2015 là 1,021 lao động, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn 2011-2012 là 606 lao động. Tuy nhiên, lượng lao động Việt Nam tại Australia vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc (Bảng 1).

Bảng 1: Top 10 nước có nhiều lao động Việt Nam xuất khẩu nhất, 2012-2016

STT

Nước

2012

2013

2014

2015

2016

1

Đài Loan

30,533

46,368

62,124

67,621

68,244

2

Nhật Bản

8,775

9,686

19,766

29,810

39,938

3

Malaysia

9,298

7,564

5,139

7,454

2,079

4

Hàn Quốc

9,228

5,446

7,242

6,019

8,482

5

Ả rập xê út

2,360

1,703

4,191

4,125

4,033

6

Algeria

38

158

547

1,963

1,179

7

Australia*

606

1,314

870

1,021

n/a

8

Macao,Trung Quốc

2,304

2,294

2,516

493

266

9

Quatar

105

206

850

455

702

10

Các tiểu vương quốc Ả rập

1,731

2,075

831

286

616

 

Ghi chú *: Australia tính theo giai đoạn, ví dụ 2011-2012, 2012-201…..vì năm tài chính của Australia là từ 1/7 năm trước đến 30/6 năm sau

 
               

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Theo chiều ngược lại, Việt Nam chỉ đứng thứ 17 với 859 lao động chiếm 2.5% tổng số lao động có tay nghề nhập cảnh tạm thời[1] vào Australia giai đoạn 2017-2018. Số lượng lao động này thấp hơn nhiều so với các nước khác trong cùng khu vực châu Á như Ấn Độ (16,124 lao động), Trung Quốc (3,464 lao động), Philippines (4,067 lao động) (Bộ Nội vụ Australia, 2019). Bảng 2 dưới đây thống kê số lượng lao động có tay nghề được nhập cảnh tạm thời vào Australia từ Việt Nam và thế giới qua các giai đoạn từ 2014 đến 2018. Có thể thấy rằng mặc dù lượng lao động có tay nghề của Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lao động có tay nghề nhập cảnh tạm thời vào Australia nhưng tốc độ tăng trưởng trung bình lao động có tay nghề của Việt Nam nhập cảnh tạm thời vào Australia chỉ giảm 4% trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình tổng lao động có tay nghề nước ngoài nhập cảnh tạm thời vào Australia giảm tới 12% trong giai đoạn 2014-2018.

Bảng 2: Lao động có tay nghề nhập cảnh tạm thời vào Australia từ Việt Nam và thế giới qua các giai đoạn

Lao động có tay nghề nhập cảnh tạm thời vào Australia từ

2014—15

2015—16

2016—17

2017—18

Tăng trưởng trung bình

Việt Nam

1,021

959

1,152

859

- 4%

Thế giới

 

51,130

45,400

46,480

34,450

- 12%

Nguồn: Bộ Nội vụ Australia, 2019

Điều đáng lưu ý là số lượng lao động nhập cảnh tạm thời (theo thị thực nhập cảnh tạm thời) sang Australia của Việt Nam thấp hơn nhiều số lượng lao động nhập cư (theo thị thực nhập cảnh vĩnh viễn) vào Australia của Việt Nam mỗi năm. Chẳng hạn như trong giai đoạn 2017-2018, lượng lao động nhập cảnh tạm thời sang Australia chỉ là 859 lao động trong khi lượng lao động nhập cư vào Australia là 1,192 lao động. Điều này cho thấy xu hướng lao động Việt Nam sang làm việc tại Australia có nhu cầu định cư dài hạn nhiều hơn là làm việc tạm thời trong một khoảng thời gian ngắn hạn. Thực tế này cũng đặt ra nhiều vấn đề cho Việt Nam khi nguồn lao động chất lượng cao di cư sang nước có trình độ phát triển cao hơn thay vì ở lại và làm việc trong nước (tình trạng chảy máu chất xám).

Xét về ngành nghề thì lao động tạm thời của Việt Nam làm việc trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau tại Australia, trong đó nhiều nhất là công nhân thịt lành nghề, quản lý nhà hàng và quán cà phê, và đầu bếp (Bảng 3). Đây cũng là những ngành nghề đang có nhu cầu thị trường cao và được ưu tiên cho lao động nước ngoài tại Australia.

Bảng 3: Top 10 ngành nghề của lao động Việt Nam làm việc tạm thời  tại Australia, 2017-2018

STT

Ngành nghề

1

Nấu ăn

2

Kế toán

3

Quản lý nhà hàng và quán cà phê

4

Thợ làm bánh

5

Đầu bếp

6

Giảng viên và trợ giảng đại học

7

Công nhân thịt lành nghề

8

Lập trình viên phần mềm và ứng dụng

9

Quản lý bán lẻ

10

Quản lý khách sạn và nhà nghỉ

Nguồn: Bộ Nội vụ Australia, 2019

Cần lưu ý là không phải lao động nước ngoài nào cũng có thể tiếp cận thị trường Australia, chỉ những lao động có tay nghề, thuộc diện được phép làm việc tại Australia, và thị trường Australia đang có nhu cầu, và trong đa số các trường hợp phải được một công ty của Australia bảo lãnh thì mới được sang làm việc tại Australia. Do đó hầu như các lao động phổ thông của Việt Nam không thể tiếp cận thị trường Australia. Tuy nhiên, theo một Thỏa thuận giữa Việt Nam và Australia về Chương trình lao động kết hợp kỳ nghỉ, ký năm 2015 và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/3/2017, hàng năm Australia sẽ cho phép 200 lao động của Việt Nam được phép sang du lịch kết hợp làm việc tại Australia trong vòng 12 tháng. Các điều kiện để đăng ký thị thực lao động kỳ nghỉ đơn giản hơn nhiều so với các hình thức thị thực lao động khác, ứng viên chỉ cần ở trong độ tuổi từ 18-30 và có thể làm bất kỳ loại công việc nào tại Australia trong thời gian nghỉ ở đây 1 năm.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nội vụ Australia, giai đoạn 2016-2017 đã có 126 lao động Việt Nam đang cấp visa sang Australia theo hình thức lao động kỳ nghỉ. Con số này đã tăng lên 233 lao động trong giai đoạn 2017-2018.

2. Nhận xét và đánh giá

Australia là một thị trường tiềm năng đối với lao động Việt Nam vì đây là một thị trường có nhu cầu lớn đối với lao động nước ngoài. Đặc biệt, trong số 10 quốc gia có nhiều lao động Việt Nam xuất khẩu nhất thì Australia là nước có mức lương tối thiểu cao nhất (27,253 USD/năm) so với Nhật Bản (khoảng 16,000 USD/năm) hay Hàn Quốc (14.355 USD/năm) năm 2017. Hơn nữa, Việt Nam có một lượng lớn học sinh, sinh viên hiện đang học tập tại Australia và rất nhiều trong số đó có nhu cầu ở lại làm việc sau khi hoàn thành khóa học. Điều này khiến cho Australia trở thành một thị trường thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên và người lao động Việt Nam, đặc biệt là các lao động có tay nghề cao.

Tuy nhiên, Australia đang ngày càng thắt chặt các chính sách về lao động do lượng lao động nước ngoài, đặc biệt là từ các nước châu Á, có nhu cầu làm việc và định cư tại Australia ngày càng cao. Cụ thể, từ ngày 18/4/2017, Australia đã bãi bỏ hình thức thị thực lao động tạm thời cũ và thay bằng một loại thị thực mới với những điều kiện khắt khe hơn hình thức thị thực cũ như thu hẹp các lĩnh vực ngành nghề được phép làm việc tại Australia, yêu cầu cao hơn về trình độ tiếng Anh, tăng phí xin visa, kéo dài hơn thời gian xem xét cấp visa… Việc này khiến cho lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu và đáp ứng được loại thị thực mới. Trong khi đó, lao động Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các lao động nước ngoài khác có trình độ Tiếng Anh, kỹ năng công việc, kinh nghiệm thực tế… tốt hơn. Vì vậy, cơ hội để các lao động Việt Nam có thể tăng cường tiếp cận thị trường lao động Australia sẽ trở nên khó khăn hơn.

 

 

[1] Có hai loại thị thực chính cấp cho lao động có tay nghề nước ngoài muốn làm việc tại Australia là Thị thực nhập cảnh tạm thời (temporary resident (skilled) visa) và Thị thực nhập cảnh vĩnh viễn (skill stream visa), trong đó Thị thực nhập cảnh tạm thời chỉ cho phép người lao động sang làm việc tại Australia trong một khoảng thời gian ngắn hạn, còn Thị thực nhập cảnh vĩnh viên cho phép người lao động sang làm việc dài hạn (vĩnh viễn) tại Australia. Trong phần này khi nói đến xuất khẩu lao động Việt Nam sang Australia là nói đến lao động nhập cảnh tạm thời theo Thị thực nhập cảnh tạm thời.