Giải quyết Tranh chấp số DS055

24/09/2010    551

Indonesia — Các biện pháp có ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ô tô

Thông báo tình hình thực thi báo cáo ngày 26/07/1999

Tiêu đề

Indonesia — Ô tô

Nguyên đơn

Cộng đồng châu Âu

Bị đơn

Indonesia

Bên thứ 3:

Ấn Độ; Hàn Quốc; Mỹ

Các hiệp định được viện dấn: (tại yêu cầu tham vấn)

Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng: Điều 1, 3.1(b), 6, 2, 27.3;

Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại: Điều 2;

GATT 1994: Điều I, I:1, III, III:2; III:4.

Yêu cầu tham vấn ngày:

3 tháng 10 năm 1996

Báo cáo của Ban Hội thẩm được ban hành:

2 tháng 7 năm 1998

Báo cáo của Cơ quan Trọng tài theo Điều khoản 21.3(c):

7 tháng 12 năm 1998

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện

Bản tóm tắt cập nhật tới ngày 24 tháng 02 năm 2010

Tham vấn

Do Cộng đồng châu Âu (WT/DS54), Nhật Bản (WT/DS55 và WT/DS64), và Mỹ (WT/DS59) khởi kiện.

Ngày 3 tháng 10 năm 1996, EC yêu cầu tham vấn với Indonesia. Tiếp đó ngày 4 tháng 10 năm 1996 và 29 tháng 11 năm 1996, Nhật Bản có yêu cầu tham vấn với Indonesia, và vào ngày 8 tháng 10 năm 1996, Mỹ cũng có yêu cầu tham vấn với Indonesia liên quan đến Chương trình Quốc gia về ô tô của nước này. EC cáo buộc rằng chính sách miễn thuế hải quan và thuế hàng xa xỉ đối với “các phương tiện quốc gia” và bộ phận của chúng, cùng với các biện pháp liên quan đã vi phạm các nghĩa vụ của Indonesia theo Điều I và III của GATT 1994, Điều 2 của Hiệp định về Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) và Điều 3 của Hiệp định SCM. Nhật Bản cho rằng các biện pháp này đã vi phạm các nghĩa vụ của Indonesia theo Điều I:1, III:2, III:4 và X:3(a) của GATT 1994, cũng như Điều khoản 2 và 5.4 của Hiệp định TRIMs. Mỹ thì khẳng định các biện pháp này đã vi phạm với các nghĩa vụ của Indonesia được quy định trong các Điều I và III của GATT 1994, Điều 2 của Hiệp định TRIMs, Điều 3, 6 và 28 của Hiệp định SCM và Điều 3, 20 và 65 của Hiệp định TRIPS.

Ngày 17 tháng 4 năm 1997, Nhật Bản yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm liên quan tới đơn kiện số WT/DS65 và WT/DS64. Trong cuộc họp ngày 30 tháng 4 năm 1997, DSB trì hoãn thành lập Ban. Ngày 12 tháng 5 năm 1997, EC yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm đối với vụ kiện WT/DS54. Ngày 23 tháng 5 năm 1997, DSB tiếp tục trì hoãn thành lập Ban.

Giai đoạn Hội thẩm và Phúc thẩm

Sau khi EC và Nhật Bản đưa yêu cầu lần thứ hai, trong cuộc họp ngày 12 tháng 6 năm 1997, DSB quyết định thành lập Ban Hội thẩm. Theo điều 9.1 của Quy tắc giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU), DSB quyết định rằng sẽ có một Ban độc lập thẩm tra lại các tranh chấp WT/DS54, WT/DS55 và WT/DS64. Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ tham gia với tư cách bên thứ 3.

Ngày 12 tháng 6 năm 1997, Mỹ ra yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Ngày 25 tháng 6 năm 1997, DSB trì hoãn việc thành lập này. Thể theo yêu cầu lần thứ hai của Mỹ, trong cuộc họp ngày 30 tháng 7 năm 1997, DSB quyết định thành lập Ban Hội thẩm. Theo Điều 9.1 của DSU, DSB quyết định rằng một ban độc lập sẽ thẩm tra lại vụ tranh chấp này cùng với các tranh chấp WT/DS54, WT/DS55 và WT/DS64. Ấn Độ và Hàn Quốc giữ tư cách bên thứ ba.

Ngày 25 tháng 7 năm 1997, EC và Nhật Bản yêu cầu Tổng giám đốc WTO xác định cơ cấu của Ban Hội thẩm. Ngày 29 tháng 7 năm 1997, hoàn tất xác định cơ cấu Ban Hội thẩm.

Báo cáo của Ban Hội thẩm được ban hành tới các thành viên ngày 2 tháng 7 năm 1998. Theo đó, Ban Hội thẩm kết luận rằng Indonesia đã vi phạm Điều I và II:2 của GATT 1994; Điều 2 của Hiệp định TRIMs; Điều 5(c) của Hiệp định SCM, nhưng không vi phạm điều 28.2 của Hiệp định này. Tuy nhiên Ban Hội thẩm cũng kết luận các bên nguyên đơn đã không chứng minh được rằng Indonesia đã vi phạm Điều 3 và 65.5 của Hiệp định TRIPS. Trong cuộc họp ngày 23 tháng 7 năm 1998, DSB đã thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm.

Tình hình thực thi các báo cáo đã được thông qua

Indonesia thông báo sẽ tuân thủ theo các khuyến nghị của DSB trong thời hạn cho phép theo điều 21 của DSU. Ngày 8 tháng 10 năm 1998, chiếu theo điều 21.3 của DSU, cộng đồng châu Âu (EC) yêu cầu khoảng thời gian thực thi hợp lý phải được xác định bằng phán quyết của trọng tài. Cơ quan Trọng tài đã xác định khoảng thời gian hợp lý để Indonesia thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB là 12 tháng kể từ ngày thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm, tức sẽ hết hạn vào ngày 23 tháng 7 năm 1999. Báo cáo của Cơ quan Trọng tài được ban hành ngày 7 tháng 12 năm 1998. Theo một thông điệp đề ngày 15 tháng 7 năm 1999, Indonesia thông báo với DSB rằng vào ngày 24 tháng 6 năm 1999, nước này đã ban hành một chính sách ô tô mới (Chính sách Ô tô 1999) nhằm thực thi một cách hiệu quả các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong vấn đề này.