Phát triển khâu chế biến - lời giải để nông sản vững bước vào EU

10/08/2018    151

Để nâng cao kim ngạch và giá trị xuất khẩu nông sản vào EU, cần phải tập trung phát triển khâu chế biến. Nhất là khi FTA Việt Nam - EU có hiệu lực, được hưởng mức thuế ưu đãi sẽ giúp hàng Việt nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo nên sự tăng trưởng đột biến.

Ông Trần Ngọc Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) nhấn mạnh như vậy, khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

*PV: Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có nguồn cung rất dồi dào về mặt hàng nông sản nhưng xuất khẩu chưa cao, nhất là sang một thị trường đầy tiềm năng như EU. Xin ông cho biết đánh giá của mình về vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Quân: Nhìn về sản lượng có thể thấy, nước ta có sản lượng nông nghiệp lớn với truyền thống lâu đời và nhiều tiềm năng phát triển sản xuất. Tuy nhiên, khi nhìn về cơ cấu mặt hàng cụ thể lại thấy, nông sản nước ta tập trung theo mùa vụ chứ không rải đều theo thời gian cả năm.

Do đó, trừ mặt hàng thủy sản, gạo, đa số các mặt hàng chỉ dồn vào một thời điểm nhất định, ví như rau quả... Vì vậy, về lượng cung ứng, nông sản nước ta chỉ ở mức tạm thời chấp nhận được và đây là hạn chế rất lớn trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nông sản xuất khẩu vào EU có nhiều khó khăn, hạn chế nên kim ngạch xuất khẩu vào EU trước nay chưa nhiều. Đơn cử như sản phẩm rau quả của nước ta xuất khẩu vào EU chỉ chiếm con số nhỏ nhoi, chưa đến 1% tổng nhập của thị trường này.

*PV: Ông cho biết cụ thể hơn về những tồn tại, khó khăn mà nông sản Việt Nam đang phải đối mặt, tại thị trường EU?

Ông Trần Ngọc Quân: Đầu tiên, có thể thấy, nông sản là mặt hàng nước nào cũng bảo hộ vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống của người nông dân – bộ phận yếu thế ở mỗi quốc gia và nền sản xuất trong nước. EU cũng là khu vực các quốc gia không mở cửa thị trường nông sản, có sự bảo hộ về nông sản rất mạnh, thông qua các biện pháp, trợ cấp được WTO cho phép.

Đồng thời, EU đưa ra rất nhiều điều kiện kỹ thuật nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, về SPS, về chất lượng…điều này khiến cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tương đối khó để bước chân rộng rãi vào thị trường.

Thậm chí, có một số mặt hàng EU đưa dư lượng kháng sinh thuốc trừ sâu về mức độ gần 0%, có nghĩa là dường như đóng chặt cánh cửa đối với các mặt hàng đó.

*PV: Với nhiều hạn chế cố hữu và thách thức lớn như vậy, theo ông, làm thế nào để gia tăng kim ngạch và giá trị xuất khẩu cho nông sản?

Ông Trần Ngọc Quân: Hiện tại, Việt Nam chủ yếu đang xuất khẩu các sản phẩm sơ chế với lợi thế đầu tư ít, xuất khẩu được ngay sau khi thu hoạch... kéo theo đó là giá trị thấp, lợi nhuận hưởng chủ yếu ở khâu nuôi trồng và đánh bắt.

Do đó, để xuất khẩu nhiều và giá trị cao thì phải tập trung nhiều vào khâu chế biến. Nhất là trong thời gian tới, khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản có mức thuế về 0%, kể cả đối với các mặt hàng nông sản chế biến  - có lợi nhuận và giá trị cao hơn (hiện tại thuế suất cho các mặt hàng này rất cao). Như vậy rõ ràng, đây là cơ hội tốt để chúng ta phát triển xuất khẩu loại hàng hóa này.

Bên cạnh đó, chúng ta chỉ có một số lượng hàng hóa nhất định, kim ngạch nhất định nếu xuất khẩu thô và rất khó để đạt con số tăng đột biến. Nhưng khi phát triển hàng hóa có chế biến, chúng ta được hưởng mức chênh lệch khá lớn về thuế giữa Việt Nam so với các nước đối thủ, vừa nâng cao khả năng cạnh tranh vừa có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu, đạt sự tăng trưởng đột biến và bền vững hơn.

Đặc biệt, để đạt được cả về số lượng lẫn giá trị xuất khẩu cao hơn, chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu về chuỗi, đẩy mạnh xuất khẩu theo chuỗi. Các mặt hàng nông sản hiện nay bên cạnh bán nhỏ lẻ bên ngoài, chủ yếu bán trong các hệ thống phân phối như siêu thị với tính ổn định và bền vững cao hơn. Trong khi đó, để được vào siêu thị thì ngoài việc đáp ứng các yêu cầu quốc gia, thì phải đáp ứng được quy định về chuỗi.

*PV: Theo ông, Việt Nam cần chính sách như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong thời gian tới?

Ông Trần Ngọc Quân: Hiện tại Việt Nam đã vào WTO, các mặt hàng trợ cấp và hỗ trợ đều phải theo quy định. Nếu như lại tiếp tục biện pháp trợ cấp trực tiếp như trước đây thì rất khó. Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ được về nghiên cứu, đưa ra những giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả, không cần sử dụng nhiều các loại dư lượng.

Bên cạnh đó, hỗ trợ người sản xuất, người nông dân thông qua các chương trình tập huấn về sản xuất theo quy chuẩn. Hay đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng, quốc gia… Từ đó, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế thương hiệu đó để tiếp cận thị trường thế giới.

Đặc biệt hiện tại, Nhà nước đang rất nỗ lực để mở rộng “đầu ra”, tạo ra sân chơi ưu đãi cho nông sản. Nhất là trong việc đàm phán các FTA để tạo cơ hội cho nông sản Việt dễ dàng tiếp cận, tiến vào các thị trường với vị thế cạnh tranh hơn.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam