CPTPP - những điểm cần lưu ý

22/05/2018    479

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được dự báo sẽ mang lại cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp cũng như là động lực để cải cách thể chế lần thứ hai. Cần phải biết những điểm khác cơ bản của hiệp định này so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đó để có sự chuẩn bị.

TBKTSG chia sẻ góc nhìn của chuyên gia Phùng Thị Lan Phương, Trưởng phòng FTA của Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi tập huấn “Đánh giá tác động từ CPTPP và các FTA mới của Việt Nam - cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp An Giang” được tổ chức mới đây.

CPTPP tạm hoãn 22 điểm so với TPP

Việt Nam còn phải sửa đổi quy định pháp luật nhiều hơn nữa theo hướng tạo công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Đây là lợi ích lâu dài và được đánh giá là rất lớn của FTA thế hệ mới này đối với nền kinh tế Việt Nam.

So sánh với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nội dung của CPTPP đã bỏ những cam kết của Mỹ và tạm hoãn 22 điểm liên quan chủ yếu đến Mỹ, nằm rải rác ở các chương như hải quan, đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, dịch vụ tài chính, viễn thông, mua sắm công, môi trường, sở hữu trí tuệ, minh bạch và chống tham nhũng... Trong đó, trọng tâm là ở chương sở hữu trí tuệ.

Theo cam kết về sở hữu trí tuệ trước đây trong TPP, Mỹ yêu cầu tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ rất cao. Một số nước như Việt Nam, là nước kém phát triển hơn so với các nước trong CPTPP, rất khó đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Thậm chí, Úc, New Zealand... vốn có tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cao nhưng vẫn thấy tiêu chuẩn TPP cao hơn, cho nên, sau khi Mỹ rút, các nước này cũng bỏ các tiêu chuẩn quá cao và một số vấn đề khác trong các chương viễn thông, mua sắm công, môi trường, minh bạch và phòng chống tham những...

Những điểm tạm hoãn được đánh giá là tốt cho Việt Nam vì sẽ giảm áp lực, thách thức khi thực hiện CPTPP so với TPP trước đây.

“Động lực” cải cách thể chế lần thứ hai

CPTPP quy định rất nhiều nghĩa vụ, trong đó có các nghĩa vụ liên quan đến minh bạch hóa, xử lý tranh chấp, phòng chống tham nhũng và rất nhiều nghĩa vụ khác tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Nếu thực hiện những nghĩa vụ này, Việt Nam cũng phải sửa đổi hàng loạt quy định pháp luật.

Thực tế, trong quá trình biên soạn để sửa Luật Đầu tư, Việt Nam đã từng bước lồng ghép nghĩa vụ CPTPP vào và các luật sau này cũng thế. Cơ quan nhà nước đã được phổ biến về CPTPP để thấy FTA này áp dụng các tiêu chuẩn cao, mới và Việt Nam cũng dần thực hiện, lồng ghép vào quá trình ban hành các văn bản pháp luật trong nước thời gian qua và sắp tới.

Từ nay đến khi CPTPP có hiệu lực, chắc chắn Việt Nam còn phải sửa đổi quy định pháp luật nhiều hơn nữa theo hướng tạo công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Đây là lợi ích lâu dài và được đánh giá là rất lớn của FTA thế hệ mới này đối với nền kinh tế Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp sẽ được hưởng môi trường kinh doanh, được hưởng quy trình thủ tục minh bạch, rõ ràng hơn. CPTPP là cơ hội để Việt Nam cải cách thể chế lần thứ hai, sau WTO.

Cách giúp doanh nghiệp nhận diện mức thuế sản phẩm

Về việc mở cửa thị trường hàng hóa, các nước trong CPTPP mở cửa từ 97-100% các dòng thuế. Trong đó, những nước như Singapore, Úc, New Zealand mở cửa 100% dòng thuế cho các sản phẩm của đối tác, nhưng có lộ trình (có sản phẩm giảm xuống 0% ngay khi có hiệu lực). Do đó, doanh nghiệp cần xem chi tiết biểu thuế để biết dòng nào mở cửa ngay, dòng nào mở cửa có lộ trình.

Các doanh nghiệp có thể tra cứu biểu thuế trong CPTPP bằng cách vào trang web trungtamwto.vn. Văn kiện CPTPP có rất nhiều chương nhưng với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa, chỉ cần quan tâm hai chương là chương về đối xử quốc gia và mở cửa thị trường đối với hàng hóa (chương 2) và chương về quy tắc xuất xứ (chương 3) vì muốn hưởng ưu đãi thuế, sản phẩm phải đáp ứng quy định về xuất xứ.

Ví dụ, doanh nghiệp xuất khẩu sang Úc thì nhìn vào biểu thuế cam kết của Úc và tra mã HS (nên tra mã HS 6 số) rồi xem mô tả hàng hóa để tìm ra sản phẩm của doanh nghiệp.

Có rất nhiều doanh nghiệp hồ hởi xuất khẩu đi Úc, New Zealand và hy vọng được cắt giảm thuế, nhưng xuất khẩu sang thì lại bị từ chối cho hưởng thuế ưu đãi vì không có chứng nhận quy tắc xuất xứ, không đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Tương tự như biểu thuế, quy tắc xuất xứ cũng có bảng chi tiết như vậy, nhưng điểm khác là biểu thuế có nhiều nước khác nhau áp cho Việt Nam, còn quy tắc xuất xứ áp dụng chung cho toàn bộ các nước trong CPTPP. Quy tắc này được chia làm hai phần, gồm phần đầu là các nguyên tắc chung và phần sau là quy tắc xuất xứ cho từng sản phẩm cụ thể.

Rào cản phi thuế quan được minh bạch, nhưng tần suất tăng

Đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản, thuế không phải là vấn đề cuối cùng mà chính là các rào cản phi thuế quan.

Số liệu thế giới cho thấy các nước ngày càng xóa bỏ thuế nhập khẩu nhiều hơn, biểu thuế giảm rất nhanh trong 20 năm qua, nhưng rào cản phi thuế quan cũng tăng rất nhanh, tức thay vì bảo hộ bằng thuế thì các nước tăng cường biện pháp phi thuế quan. Doanh nghiệp sản xuất cá tra, tôm của nước ta có lẽ đã quá “thấm” thuế chống bán phá giá do Mỹ áp dụng trong các năm qua.

Trong CPTPP, các nước cố gắng đàm phán để tiết chế vấn đề rào cản phi thuế quan nhưng chỉ tiết chế được ở phần thủ tục, tức khi ban hành phải công bố thủ tục minh bạch, rõ ràng và các nước được quyền tham vấn, được quyền ý kiến. Nhưng, việc hạn chế là không, tức các nước vẫn toàn quyền trong việc đưa ra các hàng rào phi thuế quan.

Cam kết dịch vụ đầu tư ra sao?

Trước đây, đàm phán WTO và các FTA, Việt Nam cam kết mở cửa dịch vụ đầu tư rất ít. Lĩnh vực nào mở cửa thì đưa vào biểu cam kết, không đưa vào tức là không mở cửa. Điều đó không có nghĩa Việt Nam không được mở cửa, mà được toàn quyền có mở hay không. Đấy là quy tắc trong WTO và các FTA đàm phán mở cửa dịch vụ đầu tư của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong CPTPP, tất cả những lĩnh vực muốn bảo lưu (không mở cửa) thì phải đưa vào, tức không đưa vào danh mục bảo lưu có nghĩa là mở cửa. Như vậy, với những dịch vụ mới, sẽ xuất hiện trong tương lai, Việt Nam phải hoàn toàn mở cửa cho nước ngoài. Đây là điểm khác biệt giữa CPTPP và WTO.

Có một điểm lưu ý khác trong quy định của CPTPP là nếu một ngày nào đó Việt Nam mở cửa một số lĩnh vực hiện không mở cửa thì sau đó không được đóng lại. Trong khi đó, với WTO, Việt Nam có quyền đóng lại.

Cưỡng chế giải quyết tranh chấp

Hiện một số FTA có quy định nhà đầu tư được quyền kiện Chính phủ Việt Nam ra một tổ chức trọng tài độc lập. Nhưng, nếu tổ chức trọng tài độc lập phán quyết Chính phủ Việt Nam thua mà Chính phủ Việt Nam không thực thi phán quyết thì hiện vẫn không có chế tài xử lý, không làm gì được.

Với CPTPP, các nước đối tác hiểu vấn đề đó nên họ đưa vào thêm cơ chế thực thi. Theo đó, nhà đầu tư có quyền yêu cầu thành lập một hội đồng trọng tài để xem xét việc chính phủ nào đó có thực thi đầy đủ phán quyết của tổ chức trọng tài hay không. Nếu kết quả là “không” thì đưa ra một khuyến nghị và căn cứ trên khuyến nghị này nhà đầu tư có thể yêu cầu đảm bảo thi hành quyết định trọng tài theo công ước ICSID; Công ước New York; Công ước liên châu Mỹ. Đây là yêu cầu thực thi bắt buộc và nếu vi phạm sẽ có chế tài xử phạt.

                                                                                       Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Sòn