Giải quyết tranh chấp số DS026

01/09/2010    2651

Cộng đồng châu Âu — Các biện pháp liên quan tới thịt và các sản phẩm từ thịt (Hoóc môn)

Tranh chấp kết thúc với kết luận không tuân thủ quy định WTO ngày 30/09/2009

Tiêu đề:

EC — Hoóc môn

Nguyên đơn:

Mỹ

Bị đơn:

Cộng đồng châu Âu

Bên thứ 3:

Australia; Canada; New Zealand; Na Uy

Yêu cầu tham vấn ngày:

26 tháng 1 năm 1996

Báo cáo của Ban Hội thẩm ban hành ngày:

18 tháng 8 năm 1997

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm ban hành ngày:

16 tháng 1 năm 1998

Báo cáo của Cơ quan Trọng tài theo Điều 21.3(c) được ban hành ngày:

29 tháng 5 năm 1998

Báo cáo của Cơ quan Trọng tài áp dụng theo Điều 22.6 được ban hành ngày:

12 tháng 7 năm 1999

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện:

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật tới ngày 24 tháng 2 năm 2010 

Thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm

Do Mỹ khởi kiện.

Ngày 26 tháng 1 năm 1996, Mỹ yêu cầu tham vấn với Cộng đồng châu Âu (EC) về các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt có xuất xứ từ Mỹ của EC theo Chị thị về Cấm sử dụng một số chất có tác dụng hoócmôn trong chăn nuôi, Mỹ cho rằng  các biện pháp này không phù hợp với điều III và XI của Hiệp định chung về Thuế quan và Mậu dịch GATT; điều 2, 3 và 5 của Hiệp định về các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS); điều 2 của Hiệp định về Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) và điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp.

Ngày 25 tháng 4 năm 1996, Mỹ yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Trong cuộc họp ngày 8 tháng 5 năm 1996, cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trì hoãn thành lập Ban Hội thẩm. Đến cuộc họp ngày 20 tháng 5 năm 1996, Ban Hội thẩm đã được thành lập thể theo yêu cầu lần thứ 2 của Mỹ. Ngày 2 tháng 7 năm 1996, cơ cấu của Ban được xác định. Ngày 18 tháng 8 năm 1997, báo cáo của Ban Hội thẩm được ban hành tới các thành viên. Ban Hội thẩm kết luận rằng lệnh cấm nhập khẩu của EC đối với thịt và các sản phẩm từ thịt gia súc được nuôi bằng một trong sáu loại hoóc môn kích thích tăng trưởng là không phù hợp với điều 3.1, 5.1 và 5.5 của Hiệp định SPS.

Ngày 24 tháng 9 năm 1997, EC thông báo ý định kháng nghị lại một số vấn đề pháp luật và diễn giải pháp lý trong báo cáo của Ban Hội thẩm. Cơ quan Phúc thẩm đã thẩm tra yêu cầu kháng nghị này cùng với kháng nghị trong tranh chấp số DS48. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm được ban hành tới các thành viên vào ngày 16 tháng 1 năm 1998. Theo đó, Cơ quan Phúc thẩm đã giữ nguyên phán quyết của Ban Hội thẩm rằng biện pháp cấm nhập khẩu của EC đã vi phạm điều 3.3 và 5.1 của Hiệp định SPS, nhưng hủy bỏ phán quyết rằng biện pháp này vi phạm điều 3.1 và 5.5 Hiệp định SPS. Với các vấn đề tổng quát và thủ tục, Cơ quan Phúc thẩm tán thành phần lớn các phán quyết và kết luận của Ban Hội thẩm, ngoại trừ về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng theo Hiệp định SPS.

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và của Ban Hội thẩm (đã được Cơ quan Phúc thẩm điều chỉnh) được DSB thông qua ngày 13 tháng 2 năm 1998.

Tình hình thực thi các báo cáo đã được thông qua

Do Mỹ và Canada khởi kiện.

Ngày 8 tháng 4 năm 1998, phía bị đơn yêu cầu xác định một khoảng thời gian hợp lý để thực thi các khuyến nghị và nguyên tắc của DSB, theo Điều khoản 21.3(c) của Thỏa thuận về Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc Giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU). Cơ quan Trọng tài đã xác định khoảng thời gian thực thi đó sẽ là 15 tháng kể từ ngày thông qua (tức 15 tháng kể từ ngày 13 tháng 2 năm 1998). Báo cáo của cơ quan Trọng tài được ban hành tới các thành viên ngày 29 tháng 5 năm 1998.

Thời gian thực thi đó được cơ quan Trọng tài xác định là trong vòng 15 tháng kể từ ngày thông qua báo cáo, tức hết hiệu lực vào ngày 13 tháng 5 năm 1999. Cộng đồng châu Âu cam kết sẽ tuân thủ các khuyến nghị của DSB trong thời gian thực thi. Tuy nhiên, trong cuộc hop của DSB ngày 28 tháng 4 năm 1999, EC thông báo lên DSB rằng họ sẽ xem xét nộp phạt do có khả năng rằng EC sẽ không thể hoàn thành việc tuân thủ các khuyến nghị và phán quyết của DSB trước thời hạn cuối 13 tháng 5 năm 1999.

Ngày 3 tháng 6 năm 1999, căn cứ theo Điều khoản 22.2 của DSU, Mỹ và Canada đề nghị DSB phê chuẩn việc đình chỉ nhượng bộ thuế quan (suspension of concessions) đối với EC trị giá tương ứng là 202 triệu đôla Mỹ và 75 triệu đôla Canada. Căn cứ điều 22.6 của DSU, EC đề nghị cơ quan trọng tài xét định mức đình chỉ nhượng bộ mà Mỹ và Canada yêu cầu. DSB đã giao vấn đề này cho Ban Hội thẩm ban đầu làm trọng tài.

Cơ  quan Trọng tài xác định mức độ thiệt hại của Mỹ là 116,8 triệu đôla Mỹ và của Canada là 11,3 triệu đôla Canada. Ngày 12 tháng 7 năm 1999, báo cáo của cơ quan Trọng tài được ban. Trong cuộc họp ngày 26 tháng 7 năm 1999, DSB đã phê chuẩn việc đình chỉ nhượng bộ thuế quan đối với EC của Mỹ và Canada với các giá trị tương đương với mức độ thiệt hại của 2 nước này được xác định bởi cơ quan Trọng tài. 

Trong cuộc họp của DSB ngày 7 tháng 11 năm 2003, cộng động châu Âu (EC) tuyên bố rằng sau khi Chỉ thị mới của EC (2003/74/EC) về cấm sử dụng một số loại hoóc môn trong chăn nuôi có hiệu lực, sẽ không còn cơ sở pháp lý nào cho việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trả đũa của Canada và Mỹ; một trong những lý do được viện dẫn trong phán quyết của Cơ quan Phúc thẩm về việc EC đã không tiến hành đánh giá rủi ro theo điều 5.1 và 5.2 của Hiệp định SPS; và, bằng việc ủy quyền cho một hội đồng khoa học độc lập đại diện cho EC tiến hành công tác đánh giá, mà kết quả chỉ ra rằng các hoóc môn này có gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, EC đã hoàn thành các nghĩa vụ WTO của mình và có quyền yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp trừng phạt của Canada và Mỹ theo Điều 22.8 của DSU. Mỹ tuyên bố rằng nước này đã xem xét kỹ Chỉ thị mới của EC và không đồng quan điểm rằng EC đã thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Biện pháp mới này thiếu một cơ sở khoa học, cũng như không tuân thủ với Hiệp định SPS. Trái ngược với tuyên bố của EC, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thịt động vật được nuôi bằng hoóc-môn kích thích tăng trưởng không gây ra rủi ro sức khỏe cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, Mỹ không chấp nhận yêu cầu của EC. Canada tuyên bố rằng trong khi nước này chuẩn bị thảo luận kỹ hơn vấn đề này với EC, họ nghi ngờ rằng liệu các nghiên cứu mới này có đưa ra được một cơ sở khoa học nào mới cho việc cấm thịt bò nuôi bằng hoóc-môn, đồng thời cũng không chấp thuận yêu cầu của EC. EC phản hồi rằng trên cơ sở các quan điểm phản đối của Mỹ và Canada, có thể dẫn tới những động thái thích hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của EC theo các hiệp định WTO. 

Trong cuộc họp của DSB ngày 1 tháng 12 năm 2003, EC tuyên bố rằng: do sự bất đồng giữa các bên tranh chấp liên quan tới sự tuân thủ các khuyến nghị của DSB của bên bị đơn EC, vấn đề này cần có một quyết định đa phương của WTO; trường hợp này tương tự như các vụ việc khác đã diễn ra và được giải quyết thông qua viện dẫn tới  điều 21.5 của DSU; Canada và Mỹ nên bắt đầu các thủ tục đa phương nhằm xác định xem liệu EC đã tuân thủ đúng hay chưa; EC đã sẵn sàng thảo luận vấn đề này với Canada và Mỹ. Canada tuyên bố rằng, mặc dù tại cuộc họp của DSB ngày 7 tháng 11, Canada đã đề xuất các cuộc thảo luận song phương về việc chứng minh quan điểm của EC về tính tuân thủ các quy định WTO, song EC đã không phản hồi lại đề xuất này; Canada vẫn tiếp tục mở các cuộc thảo luận với EC liên quan tới việc chứng minh quan điểm của họ; trong giai đoạn này, Canada không nhận thấy bất cứ cơ sở nào cho việc dỡ bỏ các biện pháp trả đũa của mình cũng như tiến hành thêm các hành động khác. Mỹ thì tuyên bố rằng: Mỹ không nhìn nhận các biện pháp sửa đổi của EC có thể được coi là thực thi khuyến nghị của DSB; về đề xuất của EC thiết lập các tiến trình đa phương nhằm xác định liệu EC đã tuân thủ các quy định WTO hay chưa, Mỹ sẵn sàng thảo luận vấn đề này cùng với các vấn đề đáng chú ý khác liên quan tới lệnh cấm thịt bò Mỹ của EC.

Ngày 22 tháng 12 năm 2008, Cộng đồng châu Âu yêu cầu tham vấn với Mỹ và Canada theo Điều 21.5 của DSU. Ngày 16 tháng 1 năm 2009, Mỹ đề nghị được tham gia cuộc tham vấn do Canada khởi xướng. Ngày 19 tháng 1 năm 2009, Canada đề nghị được tham gia cuộc tham vấn do Mỹ yêu cầu.