CPTPP - cơ hội & thách thức

30/03/2018    113

Ngày 8-3-2018 vừa qua là một ngày “đặc biệt” của thương mại thế giới, khi tại Thủ đô Santiago (Chile), 11 nước thành viên đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bất cứ thành viên nào khi tham gia CPTPP cũng đều tính toán đến lợi ích quốc gia tổng thể, tạo thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân, Việt Nam cũng vậy

Kỳ 1: Rộng đường hội nhập kinh tế quốc tế

Từ sự “hồi sinh” mạnh mẽ

Là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, CPTPP có 11 quốc gia thành viên, gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP có “xuất phát điểm” là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố rút khỏi TPP vào đầu năm 2017, TPP đã có lúc tưởng như bế tắc. Bằng nỗ lực của 11 quốc gia thành viên, đặc biệt là Nhật Bản, Mexico… và Việt Nam, TPP đã “hồi sinh” với tên gọi mới là CPTPP.

Tại Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 11-2017, Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng quan trọng tại các cuộc họp, góp phần đi tới hoàn tất việc ký kết. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên nội dung so phiên bản TPP trước đây, chỉ tạm hoãn thực thi 22 điều khoản chủ yếu liên quan sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa 11 nước thành viên. Bất cứ thành viên nào khi tham gia CPTPP cũng đều tính toán đến lợi ích quốc gia tổng thể, tạo thuận lợi cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân, Việt Nam cũng vậy.

CPTPP không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như: Cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Hiệp định còn đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu (xuống mức 0%) theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho DN và lợi ích mới cho người tiêu dùng.

Thời điểm CPTPP được tuyên bố chính thức ký kết, lãnh đạo nhiều quốc gia như: Thái-lan, Hàn Quốc… cũng đã lên tiếng, cân nhắc sẽ tham gia CPTPP hoặc quay trở lại, tái đàm phán gia nhập CPTPP như trường hợp của Mỹ.

“Bình minh” cho tự do thương mại

Theo các chuyên gia, CPTPP là một bản FTA thế hệ mới với chất lượng rất cao về các nội dung và cam kết. Bởi thế, sau khi nhất trí về nội dung tại Tuần lễ Cấp cao APEC Việt Nam 2017, Bộ trưởng Kinh tế nhiều nước thành viên CPTPP vẫn đem theo nhiều nội dung cần thương lượng thêm sang Chile ngay trước giờ ký.

Ngay sau lễ ký, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, 11 nước thành viên CPTPP đã tập trung, nỗ lực cho mục đích rất rõ ràng và quyết tâm đạt được kết quả cuối cùng. Không những vậy, CPTPP còn tạo ra hấp lực lớn, khi chưa ráo mực đã có nhiều nền kinh tế “ngỏ lời” tham gia.

Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz thì khẳng định, CPTPP truyền đi thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hướng tới một thế giới mở cửa thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại. Hiệp định sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới. Dự kiến, Hiệp định sẽ chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) phát đi ngay sau khi Hiệp định được ký nêu rõ, CPTPP được trông đợi sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam. Theo WB, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu (XK) của Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione nhận định, ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm năm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%.

Còn theo Chuyên gia Kinh tế của WB tại Việt Nam Sebastian Eckardt, với Việt Nam, những FTA đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và XK của Việt Nam. Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các DN tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực DN nhỏ và vừa. Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là CPTPP sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nhiều lĩnh vực

Hiệp định có tác động toàn diện

Trước đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP và đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP. Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu cao. Với việc ký kết CPTPP với các thị trường lớn như: Nhật Bản, Canada, Australia, New Zealand, Mexico… trong đó, có nhiều những thị trường Việt Nam chưa ký FTA như: Canada, Mexico, việc giảm thuế XK nhanh và mạnh sẽ giúp nhiều ngành hàng thế mạnh nước ta được hưởng lợi như: dệt - may, da - giày, thủy sản… Thứ hai, CPTPP tạo sức ép giúp các DN nâng cao sức cạnh tranh. Hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu (NK) nên để được hưởng mức thuế ưu đãi, chất lượng của sản phẩm Việt Nam phải tăng lên. Thứ ba, CPTPP sẽ giúp giảm áp lực NK từ một số thị trường truyền thống. Hiệp định này quy định tỷ lệ nguyên liệu nội khối trong hàng NK rất cao, buộc các quốc gia hoặc phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hoặc phải tăng cường NK từ các nước trong khối, từ đó đa dạng hóa thị trường NK, giảm áp lực NK từ một số thị trường.

Theo Chủ tịch quản lý UPS khu vực châu Á - Thái Bình Dương Ross McCullough, CPTPP là thỏa thuận thương mại đáng kể nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nó sẽ thiết lập quy tắc của các “trò chơi” thương mại trong tương lai nhờ các yếu tố được nhân rộng từ CPTPP cho các FTA khác sau này. Hiệp định này tạo ra quy tắc xác nhận trước, cho phép các nhà NK và XK đạt được các quyết định quan trọng về phân loại thuế quan, định giá và nguồn gốc sản phẩm có liên quan ít nhất trong vòng ba năm. CPTPP có thể được coi là một bước tiến quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra cơ hội mới cho các DN nói chung và UPS nói riêng tiếp cận các thị trường và khách hàng mới. CPTPP sẽ phá vỡ các rào cản, giải phóng mặt bằng, tạo ra một khung khổ thương mại điện tử mới, thiết lập các quy tắc tiêu chuẩn cao trong khu vực thương mại.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tác động của Hiệp định này đối với nền kinh tế Việt Nam tương đối toàn diện. Những ngành hàng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bao gồm: Dệt - may, da - giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… các ngành hàng khác không phải không có lợi ích, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị.

Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành thì nhận định, CPTPP dù không có sự tham gia của Mỹ, song cũng tác động đến nhiều lĩnh vực của các quốc gia thành viên. Cùng với tác động đến kinh tế, thương mại của các quốc gia thành viên, nó có ý nghĩa lớn trong thúc đẩy cải cách thể chế và liên kết hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là áp lực, thách thức đối với Việt Nam. Muốn tận dụng được lợi thế từ CPTPP, Việt Nam cần có kế hoạch nghiên cứu tất cả nội dung và thực thi Hiệp định nghiêm túc. Điều này không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ, bộ ngành, địa phương mà còn là nhiệm vụ của các DN trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Thời nay ( ấn phẩm của Báo Nhân dân)