Kinh tế Việt Nam với CPTPP: Cải cách thể chế - Áp lực hay động lực?

30/03/2018    81

CPTPP không chỉ là sức ép, mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục những cải cách thể chế cần thiết, sự cải cách này không đơn thuần để đáp ứng những tiêu chuẩn của CPTPP mà vì chính nhu cầu nội tại của chúng ta. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI khi trao đổi với DĐDN.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, các cam kết của CPTPP không chỉ hướng tới việc mở cửa mạnh về thị trường hàng hóa, dịch vụ, mà còn bao gồm một hệ thống đồ sộ các cam kết về thể chế kinh tế, những chuyện ở “sau đường biên giới”.

- CPTPP sẽ tạo ra áp lực như thế nào cho Việt Nam trong quá trình cải cách thể chế, thưa bà?

Về mặt phạm vi, các cam kết của CPTPP bao trùm rất nhiều mảng, cả quen thuộc (như đầu tư, sở hữu trí tuệ...) lẫn mới mẻ (quy tắc về cạnh tranh, các ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…), cả các vấn đề thương mại (doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công…) đến các vấn đề không trực tiếp gắn với thương mại (như lao động, môi trường, chống tham nhũng…).

Về mặt nội dung, đây đều là các cam kết tiêu chuẩn cao, theo các xu hướng, thông lệ mới của thế giới, thậm chí vượt lên trên các tiêu chuẩn của WTO mà chúng ta hiện nay đang áp dụng.

Do đó, sức ép của CPTPP trong cải cách thể chế ở Việt Nam sẽ rất lớn. Tuy nhiên, CPTPP không chỉ là sức ép, mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục những cải cách thể chế cần thiết.

- Xin bà hãy cho biết cụ thể chúng ta phải cải cách thể chế như thế nào?

Theo tôi, cải cách thể chế từ CPTPP có nhiều việc phải làm, nhưng chỉ xin đề cập ba nhóm việc lớn. Thứ nhất là việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật cho tương thích với CPTPP. Trong đó, sửa đổi pháp luật nội địa thực thi CPTPP có lẽ sẽ là đợt điều chỉnh lớn nhất về pháp luật kinh doanh kể từ sau đợt điều chỉnh khi Việt Nam gia nhập WTO.

Việc sửa đổi luật pháp không chỉ nằm ở chuyện gọt giũa một quy định trong một Luật nào đó, mà phải làm sao cho việc sửa đổi đó đồng bộ, toàn diện và khả thi. Chẳng hạn để thực hiện cam kết về đầu tư, chúng ta sẽ không chỉ phải sửa mỗi Luật đầu tư, mà còn phải sửa pháp luật về trưng mua trưng dụng, bồi thường Nhà nước, chuyển tiền ra nước ngoài, giải quyết tranh chấp…, và tất nhiên bao gồm cả việc sửa đổi tất cả các văn bản liên quan trong hệ thống.

"Thời gian để chúng ta chuẩn bị cho CPTPP không quá dài, lại có rất nhiều việc phải làm để cải cách thể chế. Vì vậy rất cần những hành động cải cách quyết liệt, thực chất và sự chung tay của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp."

Thứ hai là cải cách bộ máy thực thi để triển khai các cam kết trên thực tế. Trong CPTPP, có không ít các cam kết hướng tới kết quả cần đạt được, chứ không phải biện pháp thực hiện. Trong các trường hợp này, CPTPP chỉ nhìn vào hiệu quả thực tế cuối cùng mà không nhìn vào cách thức sửa đổi quy định pháp luật.

Chẳng hạn, CPTPP đòi hỏi thủ tục hải quan phải được quản lý bằng phương pháp hiện đại và hiệu quả, quy trình giải phóng hàng nhanh chóng, đơn giản. Chúng ta có thể không cần sửa đổi hay bổ sung gì về pháp luật, bởi chúng ta có pháp luật hải quan, thuế, logistics… đủ cả. Nhưng để đạt được yêu cầu như trong cam kết thì lại phải xem xét thực tế.

Để thực hiện những cam kế này, chúng ta sẽ phải có những chuyển biến tích cực về bộ máy thực thi, về con người, mà những điều này lại không dễ thay đổi. Do đó, đây là thách thức rất lớn.

Thứ ba là cải cách thể chế vượt lên trên các cam kết CPTPP, cải cách vì chính yêu cầu tự thân của chúng ta. Tôi muốn nói tới những cải cách để môi trường kinh doanh thuận lợi, tự do và cạnh tranh nhất có thể, để nền kinh tế phát triển bền vững nhất có thể.

Thưa bà, đâu sẽ là trọng tâm trong quá trình cải cách thể chế khi Việt Nam gia nhập CPTPP?

Về pháp lý thì việc phải làm ngay là rà soát và sửa đổi pháp luật. Bởi rất nhiều các cam kết thể chế của CPTPP đòi hỏi các nước thành viên phải tuân thủ ngay khi CPTPP có hiệu lực, dự kiến cuối năm 2019. Thời gian không còn nhiều, mà công việc này lại rất phức tạp, nhất là khi chúng ta muốn việc sửa đổi không chỉ đơn thuần là thay đổi câu chữ.

Còn về thực tế, trọng tâm cần nhấn mạnh có lẽ là việc tiếp tục một cách hiệu quả và mở rộng quy mô các hoạt động cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đã khởi động thời gian qua. Nói cho cùng, đây là cách thức ngắn nhất để giảm chi phí kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Chỉ có như vậy doanh nghiệp mới có thể tận dụng hiệu quả các cơ hội từ CPTPP, hay từ bất kỳ FTA nào khác.

Với tốc độ cải cách như hiện tại, Việt Nam có kịp thích ứng khi tham gia vào CPTPP không, thưa bà?

Từ góc độ doanh nghiệp thì cải cách càng nhanh càng tốt, càng thực chất càng tốt. Các động thái cải cách thời gian qua của Chính phủ là rất quyết liệt, và bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quyết tâm của Chính phủ dường như chưa chuyển thành hành động cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương.

Ví dụ như việc rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết gây cản trở quyền tự do kinh doanh, Chính phủ đã có yêu cầu cụ thể đối với các Bộ, ngành. Tuy nhiên, chuyển động từ nhiều Bộ ngành vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tế.

Trong thời gian tới, chúng ta kỳ vọng tốc độ này sẽ được cải thiện, một mặt từ các biện pháp giám sát mạnh mẽ của Chính phủ gần đây, mặt khác từ sức ép thực thi CPTPP, đặc biệt là những cam kết về minh bạch, đơn giản hóa thủ tục…

Cần lưu ý rằng, quá trình này không phải việc riêng của Nhà nước, mà doanh nghiệp phải cùng Chính phủ hành động bằng cách lên tiếng để nhận diện các bất cập, qua đó các biện pháp xử lý mới hướng trúng và đúng mục tiêu; bằng cách hiến kế cùng Chính phủ để có giải pháp lựa chọn khả thi và phù hợp nhất.

- Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp