TPP vẫn tồn tại mà không cần Mỹ

31/01/2018    76

Lãnh đạo các nước tham gia thỏa thuận thương mại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chào đón một bước tiến triển mới để đi đến ký kết một thỏa thuận cuối cùng. Tiến triển này đạt được mà không có sự tham gia của Mỹ, qua đó khẳng định rằng đây là một sự phản kháng đối với chủ nghĩa bảo hộ.

Nỗ lực đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ

11 nước thành viên CPTPP nhóm họp tại Tokyo mới đây đã được một thỏa thuận sửa đổi mới thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, mở đường cho việc ký kết CPTPP vào đầu tháng 3 tới. Thỏa thuận Tokyo này bám sát nội dung cơ bản của bản thỏa thuận mà 11 nước đạt được tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, hồi tháng 11-2017, sau những phiên thương lượng căng thẳng.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump đang gia tăng sức ép lên các đối tác thương mại về điều mà Trump coi là những vi phạm các quy định thương mại tự do. Từ Thụy Sĩ, khi đang tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos 2018, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định CPTPP là minh chứng cho thấy 11 nước thành viên của TPP trước đây đang nỗ lực đẩy lùi chủ nghĩa bảo hộ. Trong buổi thảo luận nhóm được truyền hình trực tiếp, ông Trudeau lên tiếng phản đối xu hướng chống lại thương mại tự do trong quá trình toàn cầu hóa, khẳng định sự thịnh vượng và lợi ích của người dân là trọng tâm của các cuộc đàm phán thương mại. Thủ tướng Canada kêu gọi: “Chúng ta chào đón nhiều thỏa thuận thương mại hơn với sự tham gia của nhiều người hơn miễn là đem lại lợi ích cho tất cả người dân”.

Theo truyền thông Nhật Bản, khoảng hơn 20 điều khoản mà Mỹ đưa ra trong bản TPP ban đầu đã bị xóa bỏ sau khi Washington rút lui. Một số quốc gia thành viên muốn đưa vào những điều khoản dễ dàng hơn đối với quyền lao động và các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, không rõ liệu những thay đổi sẽ diễn ra ở mức độ nào để làm giảm nhẹ những quy định trong một thỏa thuận mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama tuyên bố là “tiêu chuẩn vàng” cho thương mại thế kỷ 21.

Từ Brisbane, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ca ngợi thỏa thuận sửa đổi này sẽ đem lại hàng tỷ USD trong các hoạt động xuất khẩu và hàng nghìn công ăn việc làm mới. Trả lời báo giới địa phương, ông Turnbull nói: “Mặc dù đã có những lúc bế tắc do những khó khăn khi Mỹ rút khỏi TPP, nhưng với sự hỗ trợ lớn lao và năng lực của các nhà lãnh đạo 11 nước thành viên, đặc biệt dưới sự chèo lái của Nhật Bản, chúng tôi đã chờ đón thời khắc tài liệu này được ký kết ở Chile”. Cùng quan điểm này, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định đây là một bước tiến tới hoàn tất CPTPP.

Trong khi đó, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi bày tỏ hy vọng sẽ có thêm nhiều nước khác tham gia CPTPP đồng thời thúc đẩy Mỹ quay trở lại thỏa thuận thương mại này. Với sự rút lui của Mỹ, CPTPP sẽ mất đi một thị trường tiêu dùng trị giá 12 nghìn tỷ USD. CPTPP hiện chiếm khoảng 14% GDP toàn cầu so với mức 40% nếu Mỹ tham gia. Mục tiêu cuối cùng của CPTPP là tạo ra một khu vực thương mại tự do ở châu Á-Thái Bình Dương có thể sánh ngang với khu vực thương mại tự do châu Âu về quy mô.

Động lực đằng sau

Theo ông Jong Woo Kang, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), kể từ khi Mỹ rút khỏi TPP hồi đầu năm nay, thỏa thuận từng rất hứa hẹn này đã mất đi động lực. Tuy nhiên, nó đang lấy lại sự chú ý khi 11 quốc gia thành viên còn lại đẩy mạnh kết thúc đàm phán TPP dưới cái tên mới là CPTPP. Vậy động lực sau động thái này là gì và cái giá phải trả cũng như lợi nhuận thu được là gì?

Trước tiên, sự rút lui của Mỹ là một thất bại không thể phủ nhận đối với tiềm năng lợi nhuận kinh tế. Nếu có Mỹ, tổng xuất khẩu của cả 12 nước thành viên sẽ là 26,6% thương mại toàn cầu, trong đó có khoảng 11,4% đến từ thương mại nội khối giữa các nước thành viên với nhau. Không có Mỹ, tổng xuất khẩu của 11 nước còn lại giảm còn 15,2% thương mại toàn cầu và 2,3% đến từ nội khối. Nguyên nhân ở đây là bởi Mỹ là nền thương mại lớn nhất trong số 12 nước thành viên TPP, chiếm 11,4% thương mại thế giới và 41% thương mại trong khối.

Tuy nhiên, thỏa thuận mới cũng giữ lại được những tiềm năng quan trọng cho 11 thành viên còn lại, mặc dù lợi nhuận sẽ khác biệt giữa các quốc gia.

Sau Mỹ, Canada là thành viên lớn thứ hai về thương mại nội khối, chiếm 16,2%. Với TPP-11 thì con số này giảm còn 9%, điều khiến lợi ích kinh tế của Canada giảm đáng kể do việc áp mức thuế quan và các hàng rào thương mại khác thấp hơn so với thỏa thuận ban đầu. Trong khi đó, thương mại nội khối của Nhật Bản tăng từ 10,4% lên 24%. Điều này lý giải một phần tại sao Nhật Bản lại hăng hái duy trì TPP-11. Australia, Malaysia và Singapore là những nước cũng có thương mại nội khối gia tăng khi không có sự tham gia của Mỹ.

Tuy vậy, tác nhân khó khăn lại nằm ở những vấn đề rất chi tiết. Khối ASEAN có thỏa thuận tự do thương mại trong nội bộ với nhau và với Nhật Bản, trong khi Canada không có thỏa thuận với bất cứ nước châu Á nào trong TPP-11. Nhật Bản, Malaysia, Singapore là những đối tác thương mại quan trọng của Canada. Về điều này, Canada vẫn có thể hy vọng giành được lợi ích lớn từ TPP-11 thông qua những cơ hội được đối xử ưu đãi mà các đối tác châu Á mang lại.

Một cách tính tác động tiềm năng của một thỏa thuận thương mại khu vực là xem xét tỷ lệ giữa phần trăm thương mại nội khối với phần trăm thương mại toàn cầu của mỗi nước. Nếu thương mại nội khối lớn hơn nhiều so với thương mại toàn cầu, nước đó có xu hướng tập trung cho thương mại trong khu vực hơn. Điều đó mang lại những thành quả kinh tế lớn hơn do được hưởng lợi từ mức hàng rào thuế quan thấp hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể tác động làm chuyển hướng thương mại trong khu vực. Đây là một tình trạng thương mại méo mó do các nước thành viên trong thỏa thuận thương mại sẽ chú trọng trao đổi hàng hóa và dịch vụ với nhau hơn để hưởng các ưu đãi, kể cả khi việc hợp tác này không có hiệu quả, đồng thời họ phải cắt giảm các hoạt động thương mại đang hiệu quả đối với các nước trong khu vực nhưng không phải là thành viên của thỏa thuận.

Theo tính toán, tỷ lệ giữa thương mại nội khối với thương mại toàn cầu giảm trung bình từ 0,42 với TPP-12 xuống còn 0,21 với TPP-11. Con số này có nghĩa là những lợi ích thu được từ hàng rào thuế quan thấp trong TPP-11 sẽ ít hơn so với thỏa thuận ban đầu, song nó cũng đem đến nguy cơ cao hơn làm thiệt hại đến lợi ích của các nước không phải là thành viên của thỏa thuận. Ở cấp độ quốc gia, nếu như Canada và Mexico có tỷ lệ cao nhất là 0,72 và 0,71 với TPP-12 thì đến TPP-11, Brunei, New Zealand và Malaysia lại là những nước có tỷ lệ này cao nhất.

Bên cạnh những con số, TPP-11 được cho là đảm bảo những thành quả kinh tế lớn hơn cho các nước thành viên vì nó thúc đẩy tự do hóa lớn hơn về dòng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại điện tử xuyên quốc gia và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ cho các thành viên. Đáng nhấn mạnh ở đây là việc sử dụng các quy định về nguồn gốc xuất xứ, theo đó các nước thành viên có thể sử dụng linh hoạt các thiết bị đầu vào từ những nước thành viên khác nhau để giành ưu đãi về thuế từ các nước thành viên khác. Điều này sẽ đẩy mạnh chuỗi sản xuất trong khu vực giữa các nước thành viên - một vấn đề khó có thể kỳ vọng ở những thỏa thuận song phương.

Mặt trái của những lợi ích này là Mỹ mất cơ hội khi rút khỏi thỏa thuận. Thêm vào đó, các nước thành viên TPP ở châu Á mà không có thỏa thuận song phương với Mỹ hay Canada sẽ có nhiều động lực để đầu tư vào Canada nhằm sản xuất hàng hóa ở đây và xuất khẩu sang Mỹ, qua đó thu lợi từ việc đối xử ưu đãi cho hàng hóa Canada xuất khẩu vào Mỹ theo Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Vì vậy, dù những thành quả thu được đối với Canada và Mexico có thể giảm đi nhiều với TPP-11, nhưng hai nước này có thể trở thành nước nhận đầu tư nhiều từ các quốc gia TPP ở châu Á.

Nguồn: xaluan.com