Hiệp định EVFTA và tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam

08/11/2017    108

Tiếp tục thực hiện chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại tự do quan trọng. Có thể coi EVFTA là điểm sáng nổi bật trong tiến trình chung này.

Hiệp định EVFTA được Việt Nam và EU khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh mối quan hệ hai bên đang phát triển tốt đẹp về mọi mặt. Về thương mại-đầu tư, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng gần 11 lần, từ khoảng 4,1 tỷ đô la Mỹ năm 2000 lên hơn 45 tỷ đô la Mỹ năm 2016. EU luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu thương mại giữa hai bên là tính bổ sung lớn về lợi thế và nhu cầu xuất nhập khẩu, ít mặt hàng mang tính đối đầu, cạnh tranh trực tiếp. Đây chính là lý do khiến Hiệp định EVFTA luôn được tin tưởng sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên. Bên cạnh nền tảng quan hệ thương mại-đầu tư tốt đẹp, đàm phán Hiệp định EVFTA diễn ra khá thuận lợi còn vì hai bên đều chia sẻ mục tiêu chung là thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại.

Riêng đối với Việt Nam, EVFTA không chỉ đơn thuần là hoàn tất một FTA thế hệ mới, mà đây có thể coi là bước đi quan trọng nhằm đa dạng hóa đối tác thương mại-đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào một khu vực cụ thể. Nhìn vào giai đoạn năm 2010 trở về trước, có thể thấy, hầu hết các FTA mà Việt Nam tham gia là đều với các đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Có thể kể ra một vài hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam cùng ASEAN ký với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand làm ví dụ điển hình. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do với đối tác ở nhiều khu vực khác nhau như EU, TPP, trong đó có một số nước châu Mỹ; Liên minh Kinh tế Á-Âu trong đó có Nga; khối các nước Bắc Âu (EFTA) trong đó có Nauy, Thụy Sỹ ... Các thỏa thuận này, khi được thực hiện, sẽ tạo thành một hệ thống quan hệ thương mại tự do toàn diện và ổn định giữa Việt Nam với tất cả các đối tác thương mại lớn trên thế giới.

Không những đóng góp vào việc gia tăng số lượng các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam, so với các FTA đã kết thúc đàm phán và/hoặc đi vào thực thi, có thể coi EVFTA là hiệp định có chất lượng cao nhất. EVFTA có nội dung toàn diện, không chỉ bao gồm các lĩnh vực thương mại truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, minh bạch hóa, pháp lý-thể chế... mà còn có các lĩnh vực “phi truyền thống” như mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, thương mại và phát triển bền vững... Cam kết trong nhiều lĩnh vực của Hiệp định EVFTA đều cao hơn cam kết của Việt Nam và EU trong WTO. Có thể kể ra một vài ví dụ: Gần 100% hàng hóa của hai bên sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu, cam kết về dịch vụ trong EVFTA của hai bên đều đi xa hơn WTO, nhất trí cách tiếp cận mới về xử lý tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư, lần đầu tiên cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực mua sắm của Chính phủ, đồng ý bảo hộ chỉ dẫn địa lý của hai bên thông qua hiệp định... Có thể nói, trừ Hiệp định TPP còn chưa rõ ràng tương lai sau khi Hoa Kỳ tuyên bố rút, hiện không hiệp định nào khác của Việt Nam có mức độ cam kết sâu và rộng như EVFTA.

Nhìn rộng hơn sang khu vực Đông Nam Á, Hiệp định EVFTA dường như mở rộng thêm cơ hội cho Việt Nam trong hội nhập kinh tế khu vực. Thời gian qua, Việt Nam đang tiếp tục cùng ASEAN hoàn thiện Cộng đồng ASEAN, trong đó có cộng đồng kinh tế, nhằm duy trì động lực phát triển và vai trò đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu của khu vực Đông Nam Á nói riêng và Đông Á nói chung. Việt Nam có nhiều tiềm năng và sẵn sàng tạo điều kiện để giúp các nhà đầu tư EU kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN cũng như châu Á-Thái Bình Dương.

Hiệp định EVFTA cũng tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trong thời gian ngắn hạn và trung hạn cho Việt Nam so với các nước ASEAN tại thị trường EU. EU cũng là đối tác thương mại lớn với nhiều nước ASEAN. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có Việt Nam và Singapore đã kết thúc đàm phán FTA với EU. Thực tế, lĩnh vực thương mại hàng hóa, diện mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và Singapore sang EU khác nhau. Đối với các nước ASEAN khác, tiến trình đàm phán FTA với EU hiện đang tạm dừng hoặc bắt đầu chậm hơn Việt Nam. Như vậy, trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. Do đó, các doanh nghiệp cần tận dụng lợi thế này để thâm nhập thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa của mình trước khi phải cạnh tranh với hàng hóa tương tự từ ASEAN.

Trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế hiện nay, có thể coi Hiệp định EVFTA vừa là mục tiêu, vừa là động lực và công cụ để Việt Nam tiếp tục tham gia sâu rộng hơn vào mạng lưới thương mại tự do toàn cầu. Việt Nam cũng đang tích cực tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo thuận lợi hơn nữa cho các đối tác.

Nguồn: Báo Công thương