Vòng đàm phán lần thứ 13 của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)

24/07/2016    274

Từ ngày 10 đến ngày 18 tháng 06 năm 2016, tại Auckland- New Zealand đã diên ra vòng đàm phán lần thứ 13 của RCEP. Tham dự vòng đàm phán này có các đại biểu đến từ 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Tổng thư ký ASEAN- Ông Lê Lương Minh. Các cuộc đàm phán tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến Hiệp định bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, hợp tác kinh tế và công nghệ, cạnh tranh, thương mại điện tử, các điều khoản pháp lý. Tại đây, các thành viên cũng thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 4 RCEP dự kiến ​​ngày 05 tháng 08 năm 2016 tại Viêng Chăn, Lào. Các vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ​ngày 15-19 tháng 8 năm 2016 thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), tháng 10 ở Trung Quốc và tháng 12 ở Indonesia.

RCEP là gì?

RCEP là thỏa thuận thương mại lớn, bao gồm các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật, cạnh tranh và quyền sở hữu trí tuệ. Nếu thành công, RCEP với 16 thành viên sẽ là thỏa thuận tự do thương mại có tổng dân số lớn nhất (3,35 tỷ người), chiếm hơn 50% dân số thế giới, 27% GDP toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc được nhìn nhận là một trong nhân tố quan trọng thúc đẩy thương mại trong khu vực.

Trong giai đoạn đầu tiên, RCEP sẽ loại bỏ thuế quan ngay lập tức cho 65% hàng hoá – chiếm khoảng từ 8.000 đến 9.000 mặt hàng, 20% hàng hoá thương mại tiếp theo sẽ được loại bỏ trong vòng 10 năm kể khi RCEP có hiệu lực. Thuế quan cụ thể đối với 15% hàng hóa thương mại còn lại sẽ tiếp tục đàm phán trong tương lai và đây chính là sản phẩm nhạy cảm đối với mỗi quốc gia. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế quốc tế cũng cho rằng, RCEP nên tự do hóa hơn thỏa thuận thương mại tự do ASEAN, bởi vì nếu ít tự do hóa hơn các FTA khác, RCEP sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với TPP.

“Nút thắt” Ấn Độ

Tại vòng đàm phán lần thứ 12, một số thành viên RCEP cho rằng Ấn Độ chính là nguyên nhân dẫn đến bế tắc trong đàm phán bởi cách tiếp cận quá phòng thủ. Ấn Độ đã đồng ý 80% mặt hàng sẽ được loại bỏ thuế quan cho khu vực ASEAN được phép tiếp cận thị trường nhưng chỉ đồng ý cắt giảm 65% thuế quan cho các nước Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì không có FTA với Australia, Trung Quốc và New Zealand nên Ấn Độ chỉ đề xuất loại bỏ 42,5% thuế quan nếu các nước này muốn tiếp cận thị trường Ấn Độ. Ấn Độ đã không đưa ra bất kỳ tỷ lệ cắt giảm thuế nào đối với thép của Trung Quốc, Australia và New Zealand.

Dù vậy, cả Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn yêu cầu Ấn Độ mở cửa hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông sản, sữa và dịch vụ bởi họ cho rằng mức thuế suất của Ấn Độ đưa ra vẫn là quá cao, khó tiếp cận thị trường, trong khi đây là những ngành công nghiệp trọng yếu của Ấn Độ. Hiện 3 quốc gia này vẫn đang tiếp tục yêu cầu quyền tiếp cận vào thị trường nông sản, nông nghiệp Ấn Độ.


Nguồn: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam