Doanh nghiệp Việt “bỏ quên” nhiều ưu đãi ở thị trường Hàn Quốc

08/09/2017    193

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ tháng 12/2015, đây được xem là động lực để hai nước đẩy mạnh trao đổi hàng hóa, nâng cao giá trị thương mại song phương.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được các ưu đãi để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo vận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc” do Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/9.

*Nhiều lợi thế

Trước khi ký kết VKFTA, Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác thương mại thông qua Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) từ năm 2007. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng trao đổi thương mại, đầu tư giữa hai quốc gia, Việt Nam – Hàn Quốc tiếp tục ký kết hiệp định thương mại tự do song phương và thực thi từ tháng 12/2015.

Ông Park Hyung Min, Trưởng phòng Xúc tiến Thương mại, Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định, VKFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do song phương mang tính chiến lược của cả Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là cơ sở để hai nước mở rộng quy mô và nâng cao giá trị trao đổi thương mại; đồng thời đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, khoa học công nghệ, tiếp tục củng cố vai trò đối tác toàn diện của nhau.

Cụ thể, so với cam kết chung trước đó giữa ASEAN – Hàn Quốc, trong VKFTA, Hàn Quốc đã mở cửa thêm gần 500 mặt hàng của Việt Nam. Ngược lại Việt Nam cũng thực hiện chính sách ưu đãi mới cho hơn 270 mặt hàng khác của Hàn Quốc. Đây được xem là một trong những nỗ lực quan trọng nhằm dỡ bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy tự do hóa thương mại giữa hai quốc gia.

Về lộ trình mở cửa, phía Hàn Quốc cam kết xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa của Việt Nam trong vòng 3-5 năm sau khi FTA có hiệu lực, ngoại trừ nông sản xóa bỏ thuế quan sau 10 -15 năm. Trong khi đó, Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết thuế quan trong vòng 10 năm, trừ nhóm hàng phụ tùng xe hơi.

Nhiều chuyên gia đánh giá, về lý thuyết, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi hơn so với doanh nghiệp Hàn Quốc trong VKFTA do được mở cửa nhiều mặt hàng hơn và lộ trình cắt giảm thuế quan cũng ngắn hơn. Thêm vào đó, Việt Nam và Hàn Quốc có lợi thế bổ sung cho nhau, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa cùng chủng loại của doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc.

*Doanh nghiệp Việt đang “bỏ quên” ưu đãi

Sau gần 2 năm có hiệu lực, VKFTA đã góp phần nâng cấp quan hệ kinh tế giữa hai nước lên một tầm cao mới. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc năm 2016 đạt hơn 45 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2015. Riêng 7 tháng năm 2017, giá trị trao đổi hàng hóa đạt hơn 35,5 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, cán cân thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đang trong trạng thái mất cân bằng với giá trị xuất khẩu ngày càng nghiêng về phía Hàn Quốc. Số liệu thống kê của Hàn Quốc cho thấy, 7 tháng năm 2017, giá trị hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Việt Nam đạt gần 27 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2016. Ngược lại kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 8,5 tỷ USD, đưa thâm hụt thương mại với Hàn Quốc lên hơn 18 tỷ USD.

Thực tế trao đổi thương mại cho thấy, mặc dù Hàn Quốc đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn đối với các mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ các VKFTA và AKFTA còn rất hạn chế.

Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ AKFTA mới đạt 40%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng C/O để hưởng ưu đãi từ VKFTA chỉ ở mức 15%.

Lý giải thực trạng trên, ông Nguyễn Quang Phúc, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, trong khi các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi VKFTA có hiệu lực thì đến nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm bắt được thông tin, lợi ích mà VKFTA mang lại dẫn đến “bỏ quên” các ưu đãi lẽ ra được hưởng.

Theo ông Nguyễn Quang Phúc, việc sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường thành viên tham gia FTA là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới sử dụng C/O để hưởng ưu đãi thuế quan khi có yêu cầu của đơn vị nhập khẩu mà chưa chủ động xin cấp C/O trước khi xuất hàng.

Ở chiều ngược lại, ông Yoon Joo Young, Giám đốc KOTRA tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc và là điểm đến đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu nguyên liệu thô và các mặt hàng bán thành phẩm vào Việt Nam để gia công, sản xuất và nhập lại các sản phẩm hoàn thiện. Đây là một trong những phương thức tận dụng ưu đãi từ VKFTA mà các doanh nghiệp Hàn Quốc đang áp dụng và đã mang lại kết quả tích cực.

Để giảm thiểu thâm hụt thương mại, từng bước cân bằng cán cân thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ông Moon Byung Chul, Tham tán Thương mại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin, nội dung mà hai bên đã cam kết trong VKFTA để vận dụng quy tắc xuất xứ một cách có hệ thống và hiệu quả.

Song song đó, doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì tất cả các hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan và người tiêu dùng đón nhận đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, kỹ thuật đã cam kết.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do có lợi cho Việt Nam bao nhiêu mà doanh nghiệp không biết cách tận dụng thì cũng không thể mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi tư duy, nhận diện đúng vai trò của mình trong việc thực thi các FTA nói chung, VKFTA nói riêng.

Ngoài ra, các tổ chức xúc tiến thương mại, hiệp hội ngành hàng tại Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc cập nhật, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt các thông tin hội nhập. Có như vậy các FTA mới phát huy được giá trị trong việc thúc đẩy trao đổi hàng hóa và nâng cao giá trị xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt./.

Nguồn: TTXVN