Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Các thách thức đặt ra

04/12/2023    27

Từ bức tranh tổng thể các chính sách trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh EU, có thể thấy sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam đang đứng trước những thách thức đáng kể với xu hướng xanh ở thị trường này. 

Cụ thể, các chính sách xanh có liên quan đến sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam sang EU có một số điểm đáng chú ý sau:

Về số lượng, trong so sánh với nhiều lĩnh vực khác, các biện pháp, chính sách xanh liên quan tới nông sản, thực phẩm (bao gồm cả sản xuất nội khối EU và nhập khẩu từ bên ngoài) nhiều hơn đáng kể (có thể chỉ xếp sau lĩnh vực khí hậu). Hơn thế nữa, trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu “vì một hệ thống thực phẩm bền vững cho con người và trái đất”, EU vẫn đang tiếp tục các hành động mới ở khía cạnh này, do đó số lượng các tiêu chuẩn xanh, bền vững đối với nông sản thực phẩm có thể sẽ còn tăng thêm nữa, đặc biệt là từ nay cho tới 2030;

- Về tính chất, ngoại trừ các chính sách mang tính hỗ trợ, khuyến nghị trong khuôn khổ Chính sách chung về nông nghiệp của EU (CAP) chỉ áp dụng cho hoạt động sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm diễn ra trên lãnh thổ EU, phần lớn các biện pháp khác (nhất là trong khuôn khổ Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn – F2F) đều là các quy định mang tính quy phạm bắt buộc, do đó một khi có hiệu lực sẽ trở thành tiêu chuẩn tối thiểu mà các sản phẩm nông sản, thực phẩm liên quan phải tuân thủ nếu muốn được đưa vào tiêu thụ trên thị trường EU;

- Về phạm vi, ngoài CAP, phần lớn các biện pháp trong lĩnh vực này được thiết kế để áp dụng cho cả các sản phẩm của EU và sản phẩm nhập khẩu từ bên ngoài vào EU. Cá biệt, có những trường hợp biện pháp được thiết kế hướng trực tiếp vào đối tượng là các sản phẩm nhập khẩu vào EU (ví dụ Quy định về chống phá rừng - EUDR). Vì thế, sản xuất và xuất khẩu nông sản thực phẩm vào EU phải quan tâm tới hầu như tất cả các chính sách xanh của EU, đặc biệt trong khuôn khổ Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn – F2F;

- Về đối tượng: Một số biện pháp trong nhóm này áp dụng chung cho tất cả các loại nông sản thực phẩm (ví dụ các quy định liên quan tới thuốc bảo vệ thực vật, bao bì đóng gói nông sản thực phẩm…). Tuy nhiên một số khác chỉ liên quan tới một số loại sản phẩm nhất định (ví dụ quy định về thực phẩm hữu cơ chỉ liên quan tới các loại nông sản thực phẩm ghi nhãn hữu cơ; EUDR chỉ áp dụng với nhóm các sản phẩm có nguy cơ cao trồng trên đất do phá rừng như cà phê, cacao…). Do đó, để xác định một loại nông sản thực phẩm có thuộc phạm vi áp dụng của một chính sách xanh cụ thể hay không cần phải tìm hiểu chi tiết, cụ thể, mà không chỉ nhìn tên chung chung;

- Về các khía cạnh bị tác động: Các chính sách xanh về nông sản thực phẩm của EU được nhận diện cho tới thời điểm hiện tại tác động đến nhiều công đoạn khác nhau trong cả chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi trồng (ví dụ các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nuôi nhốt động vật…), chế biến (ví dụ quy định về vận chuyển, giết mổ động vật…) đến khâu đóng gói thành phẩm (ví dụ các quy định về bao bì, về ghi nhãn…). Do vậy, nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm sang EU sẽ phải quan tâm để biết và tuân thủ các quy định này trong suốt chu trình/chuỗi sản xuất mà không phải chỉ tập trung vào sản phẩm cuối cùng.

Tất cả những đặc điểm trên cho thấy việc theo dõi và tuân thủ các chính sách xanh của EU trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm là rất thách thức và phức tạp cho bất kỳ nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài nào. Với các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, thách thức có thể lớn hơn nữa trong bối cảnh (i) sản xuất nông thủy sản ở Việt Nam thường được tổ chức phân tán theo hộ kinh doanh, trang trại quy mô nhỏ, đơn lẻ, tính liên kết giữa vùng nguyên liệu và nhà máy còn lỏng lẻo… khiến việc kiểm soát toàn chuỗi là rất phức tạp; và (ii) các nhà máy chế biến, đặc biệt là chế biến nông sản thường có quy mô vốn hạn chế, sử dụng công nghệ đơn giản, không dễ điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu mới, trong khi lại không đủ nguồn lực để đầu tư chuyển đổi toàn diện.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập