Thỏa thuận Xanh EU và xuất khẩu Việt Nam: Các lĩnh vực chịu tác động

04/12/2023    279

Về mặt lý thuyết, Thỏa thuận Xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế ở EU, vì vậy, trong lâu dài, tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này có thể sẽ phải chịu tác động từ các chính sách xanh của EU ở các mức độ khác nhau, theo lộ trình và dưới các hình thức khác nhau.

Trong giai đoạn đầu của quá trình thực thi, các chính sách, biện pháp của Thỏa thuận Xanh tập trung ưu tiên vào các lĩnh vực mà EU coi là tác nhân chính gây ra suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu và/hoặc lạm dụng các nguồn lực tự nhiên. Cụ thể:

- Trong sản xuất: Sắt thép, Nhôm, Xi măng, Phân bón, Điện và Hydro được liệt kê là nhóm tạo ra phần lớn phát thải công nghiệp ở EU (94%); ngoài ra còn có các sản phẩm nguy cơ cao, liên quan tới nhiều ngành (như hóa chất, pin, ắc quy…)

- Trong tiêu dùng: Thực phẩm, Nhà cửa, Dệt may và Giao thông lần lượt là các nhóm có ảnh hưởng bất lợi tới môi trường EU (và tương ứng là các ngành nông lâm thủy sản, chế biến thực phẩm, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông…)

Với các khía cạnh ưu tiên như ở trên và thực tế các chương trình, chiến lược xanh được nhận diện tới thời điểm hiện tại của Thỏa thuận Xanh EU, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong các lĩnh vực sau đây đang là đối tượng của nhiều tiêu chuẩn xanh của EU:

- Điện, điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan;

- Nông sản (đặc biệt là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt,…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ;

- Thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ);

- Dệt may, da giày;

- Các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy;

- Sắt thép, nhôm, xi măng;

- Bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…)

Bảng – Tổng hợp một số chính sách trong Thỏa thuận Xanh EU có ảnh hưởng tới các ngành xuất khẩu của Việt Nam

STT

Chính sách, biện pháp của EU

Lĩnh vực chịu tác động

I

Chiến lược Từ trang trại tới bàn ăn (F2F)

1

Quy định về sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật

Các sản phẩm nông sản như rau quả, chè, cà phê, gia vị…

2

Quy định về sản phẩm thuốc thú y

Các sản phẩm có nguồn gốc động vật

3

Sửa đổi Quy định của EU về vật liệu tiếp xúc với thực phẩm

Tất cả các loại thực phẩm

4

Sửa đổi Quy định về thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng

Tất cả các loại thực phẩm

5

Bộ quy tắc ứng xử của EU về thực hành tiếp thị và kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm

Tất cả các loại thực phẩm

6

Sửa đổi một số Quy định về phúc lợi động vật

Động vật và các sản phẩm động vật

7

Quy định về Sản xuất hữu cơ và Ghi nhãn sản phẩm hữu cơ

Nông sản, thực phẩm

II

Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (CEAP)

1

Chiến lược của EU đối với dệt may tuần hoàn và bền vững

Sản phẩm dệt may

2

Quy định về Trao quyền cho người tiêu dùng trong thực hiện chuyển đổi xanh

Tất cả các sản phẩm

3

Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững

Tất cả các sản phẩm chế biến chế tạo trừ thực phẩm, dược phẩm, các loại thức ăn gia súc, động thực vật

4

Chiến lược hóa chất vì sự bền vững

Mỹ phẩm, đồ chơi, chất tẩy rửa, đồ chăm sóc trẻ em, đồ nội thất, hàng dệt may hoặc các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm…

5

Chỉ thị về Tuyên bố xanh

Dệt may, thực phẩm, sản phẩm điện tử…

6

Sửa đổi Chỉ thị khung của EU về rác thải

Thực phẩm, các sản phẩm dệt may, giày dép

III

Chiến lược đa dạng sinh học EU

1

Quy định về chống phá rừng - EUDR

Gia súc, cacao, cà phê, cao su, dầu cọ, đỗ tương, gỗ và các sản phẩm được tạo ra từ những mặt hàng này (da, socola, đồ nội thất…)

IV

Gói Fit for 55

1

Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới - CBAM

Giai đoạn đầu: Sắt thép, Xi măng, Phân bón, Nhôm, Điện và Hydro

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

Trong tương lai, cùng với lộ trình thực thi Thỏa thuận Xanh EU, nhiều sản phẩm xuất khẩu khác của Việt Nam có thể cũng sẽ phải đối mặt với các chính sách, biện pháp xanh mới của EU khi xuất khẩu sang thị trường này.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập