Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu Việt Nam: Thách thức về thay đổi, nâng cao nhận thức

04/12/2023    127

Với tính chất là gói chính sách toàn diện và có lộ trình rất dài, các nội dung của Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi Thỏa thuận này không chỉ nhiều về số lượng, phức tạp về tính chất (nhiều tầng quy định, nhiều mức độ ràng buộc, nhiều lĩnh vực, khía cạnh đan xen) mà còn liên tục phát triển qua thời gian (bao gồm cả lộ trình mới và các điều chỉnh hiện trạng). Do đó, ứng phó với Thỏa thuận Xanh đòi hỏi doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam phải có nhận thức đúng, chuẩn xác và thường xuyên cập nhật về các chính sách xanh liên quan.

Trong khi đó, Khảo sát nhanh do Nhóm Nghiên cứu thực hiện trước khi triển khai Báo cáo cho thấy mức độ hiểu biết của các chủ thể ở Việt Nam về Thỏa thuận Xanh còn rất hạn chế, phần lớn là không biết hoặc biết sơ qua, đặc biệt là ở nhóm các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức kinh doanh, những chủ thể là đối tượng áp dụng trực tiếp của nhiều chính sách xanh liên quan

Hình – Hiểu biết của các chủ thể Việt Nam về Thỏa thuận Xanh

Nguồn: Khảo sát của VCCI về Thỏa thuận Xanh EU 8/2023

Đối với một số chính sách cụ thể của Thỏa thuận Xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam EU, mức độ hiểu biết của các nhóm chủ thể liên quan ở Việt Nam có cải thiện hơn chút ít (với tỷ lệ “đã tìm hiểu kỹ, biết rõ” cao hơn) so với hiểu biết chung về Thỏa thuận Xanh. Tuy vậy, phần lớn (87-93%) vẫn chưa biết hoặc chỉ nghe nói tới các chính sách này.

Bảng – Hiểu biết của các chủ thể ở Việt Nam về một số chính sách xanh của EU

Mức độ hiểu biết

Thỏa thuận Xanh EU

 Chiến lược “Từ Nông trại tới Bàn ăn

Cơ chế carbon tại biên giới (CBAM)

Luật Chống phá rừng

Chiến lược “Dệt may bền vững và tuần hoàn”

Chưa từng nghe

27,09%

29,43%

42,81%

16,39%

35,45%

Đã từng nghe, chưa tìm hiểu kỹ

65,22%

60,20%

50,17%

71,24%

55,85%

Đã tìm hiểu, biết rõ

7,69%

10,37%

7,02%

12,37%

8,70%

Nguồn: Khảo sát của VCCI về Thỏa thuận Xanh EU 8/2023

Hiểu biết hạn chế của các đối tượng, đặc biệt là nhóm chủ thể kinh doanh dẫn tới những hiểu nhầm, ngộ nhận về Thỏa thuận Xanh EU, từ đó kéo theo những cách thức phản ứng trái chiều. Hoặc là thờ ơ, không quan tâm tới các hành động của EU trong Thỏa thuận Xanh, cho rằng các vấn đề này không liên quan tới mình hoặc không tạo ra ảnh hưởng gì tới các sản phẩm, chủ thể ngoài EU. Hoặc là lo lắng quá mức, cho rằng tất cả các tiêu chuẩn của EU đều sẽ bị tăng lên, khó khăn hơn, hoặc đều hướng tới sản phẩm xuất khẩu của mình. Cả hai hướng này đều không có căn cứ và đều dẫn tới cách thức ứng xử không phù hợp, gây thiệt hại ở mức độ khác nhau tới triển vọng sản xuất, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU.

Do đó, thách thức đầu tiên mà các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sang EU và các cơ quan, tổ chức liên quan cần phải xử lý là thay đổi, nâng cao nhận thức về Thỏa thuận Xanh và các chính sách, biện pháp thực thi một cách thực chất, bao trùm và chính xác.

Sự thay đổi đó trước hết và quan trọng nhất phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức về các chính sách xanh của EU. Cụ thể, các chính sách, tiêu chuẩn xanh, bền vững của EU cần được nhìn nhận đầy đủ với tính chất là một dòng chảy lâu dài, một xu hướng tất yếu của thị trường EU nói riêng và thị trường xuất khẩu thế giới nói chung. Chỉ khi tiếp cận như vậy, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam mới có thể xây dựng chiến lược ứng xử phù hợp: chuyển đổi từ đối phó sang thích nghi; từ cố gắng đáp ứng theo các tiêu chuẩn, yêu cầu cụ thể khi phát sinh sang nỗ lực đầu tư để chuyển dịch xanh, bền vững lâu dài.

Khi đã có căn bản này, ở các bước kỹ thuật cụ thể để nâng cao nhận thức, nắm bắt chính xác các diễn tiến để có các kế hoạch thích nghi chi tiết, nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam được khuyến nghị:

- Cần hiểu chính xác về xu hướng, nội dung chung của Thỏa thuận Xanh và các mục tiêu chính sách thành phần;

- Cập nhật thường xuyên, liên tục về các chính sách, biện pháp cụ thể có liên quan tới sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là về diện điều chỉnh, cách thức áp dụng và thời điểm/lộ trình thực hiện trên thực tế;

- Cần cập nhật thông tin thường xuyên về các diễn tiến liên quan đến Thỏa thuận xanh trong nhóm doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức, cá nhân có cùng mối quan tâm về một/nhóm sản phẩm cụ thể.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập