Các kênh tác động của Thỏa thuận Xanh EU tới xuất khẩu Việt Nam

04/12/2023    279

Liên minh châu Âu (EU27) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch tăng trưởng liên tục qua nhiều năm và là đối tác mà Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao. Với việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, triển vọng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU càng tươi sáng hơn.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%; thặng dư khoảng 31,4 tỷ USD, tăng 35% so với 2021. Các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang EU bao gồm điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, giày dép túi xách, máy móc thiết bị, dệt may, cà phê, sắt thép, thủy sản, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, chất dẻo, rau quả…

Với tính chất và quy mô của thị trường EU, duy trì sự ổn định và bền vững của hoạt động xuất khẩu sang EU là rất quan trọng đối với tương lai phát triển của nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, kéo theo đó là triển vọng thu nhập của hàng triệu người lao động tham gia vào các chuỗi sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan.

Thỏa thuận Xanh EU cùng với các chính sách, hành động, kế hoạch cụ thể trong nhiều lĩnh vực đang và sẽ dẫn tới những thay đổi đáng kể trong các yêu cầu, quy định, điều kiện, thủ tục mà EU áp dụng đối với nhiều loại hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU vì vậy cũng đứng trước các thách thức và cả cơ hội từ xu hướng tăng cường các tiêu chuẩn xanh này của EU.

Rà soát các chính sách, kế hoạch đã và đang thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh của EU cho thấy Thỏa thuận này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam theo các cách thức chủ yếu sau:

* Gia tăng các tiêu chuẩn “xanh, bền vững” đối với hàng hóa xuất khẩu

Rà soát cho thấy phần lớn các chính sách, kế hoạch, hành động thực thi Thỏa thuận Xanh ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này thông qua việc tăng cường các tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa theo các cách thức khác nhau, ví dụ:

- Bổ sung mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TBT) và/hoặc vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) gắn với mục tiêu “xanh, bền vững” (ví dụ các quy định mới về thiết kế sinh thái, cách thức ghi/dán nhãn hàng hóa hữu cơ, hộ chiếu sản phẩm…)

- Sửa đổi, điều chỉnh các TBT, SPS đang có hiệu lực theo hướng tăng mức độ, yêu cầu “xanh, bền vững” (ví dụ các điều chỉnh liên quan tới các định mức tối đa/tối thiểu với một số loại hóa chất, dư lượng kháng sinh trong hàng hóa, mở rộng danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm/hạn chế sử dụng…)

- Mở rộng diện áp dụng các TBT, SPS “xanh, bền vững” sang nhiều sản phẩm hàng hóa (ví dụ nhãn sinh thái không chỉ áp dụng cho nhóm sản phẩm năng lượng mà mở rộng ra tất cả các sản phẩm)

- Chuyển các tiêu chuẩn, trách nhiệm tự nguyện (khuyến khích) thành các tiêu chuẩn, nghĩa vụ bắt buộc (ví dụ một số hành động khuyến nghị về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh thực phẩm có trách nhiệm, phúc lợi động vật…)

* Gia tăng trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất để đóng góp vào các mục tiêu “xanh, bền vững”

Mặc dù không phổ biến nhưng một số các chính sách, hành động trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh đòi hỏi nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải chịu thêm các khoản tiền (trực tiếp hoặc gián tiếp dưới các hình thức khác nhau) để có thể xuất khẩu hàng hóa vào EU, ví dụ:

- Các khoản tiền phải nộp theo Quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR): Các nhà sản xuất các sản phẩm chế biến chế tạo (trừ một số loại sản phẩm) có thể sẽ phải nộp cho nước nhập khẩu một khoản phí nhất định để xử lý rác thải phát sinh từ việc sử dụng sản phẩm mình xuất khẩu;

- Các khoản tiền phải trả để mua chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 phát thải theo Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới.

* Gia tăng thủ tục khai báo, thông tin về yếu tố “xanh, bền vững” của sản phẩm

Một số các yêu cầu mới theo các chính sách, kế hoạch trong Thỏa thuận Xanh EU sẽ buộc nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam phải thực hiện các thủ tục khai báo, cung cấp thông tin, hồ sơ nhằm chứng minh trách nhiệm xanh, ví dụ:

- Thủ tục báo cáo mức độ phát thải CO2 của hàng hóa nhập khẩu theo Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới - CBAM

- Yêu cầu cung cấp các giấy tờ, bằng chứng chứng minh hàng hóa không được nuôi, trồng hay có xuất xứ trên đất có được do phá rừng hoặc từ việc làm suy thoái rừng theo Quy định về chống phá rừng - EUDR

- Thủ tục chứng minh, xác nhận/công nhận tương đương đối với sản phẩm hữu cơ theo Quy định về Sản xuất hữu cơ và Ghi nhãn sản phẩm hữu cơ…

Ngoài các cách thức tác động tới hàng hóa xuất khẩu Việt Nam được thống kê từ các biện pháp mà EU đã hoặc dự kiến áp dụng rõ ràng như nêu ở trên, không loại trừ khả năng trong tương lai, với các chính sách, biện pháp pháp lý sẽ được xây dựng, soạn thảo và thông qua bởi các cơ quan EU và các nước thành viên EU nhằm thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh, xuất khẩu Việt Nam sẽ còn bị ảnh hưởng bởi Thỏa thuận Xanh theo các kênh, cách thức khác.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập