Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam: Một số khuyến nghị để doanh nghiệp thích ứng

04/12/2023    24

Thỏa thuận Xanh EU đặt ra những yêu cầu mới đầy thách thức đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam sang thị trường EU. Và tương tự như với tất cả các ngành sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng khác, nông sản thực phẩm được cho là sẽ phải thay đổi đáng kể để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cao hơn, các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và thông tin phức tạp hơn, và mất nhiều chi phí hơn để tuân thủ các yêu cầu này. 

Mặc dù vậy, trong bối cảnh phần lớn các yêu cầu này mới chỉ đang ở giai đoạn dự thảo, các chính sách xanh EU trong lĩnh vực này cơ bản chưa làm thay đổi hiện trạng các yêu cầu pháp lý tối thiểu mà xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam phải tuân thủ. Do đó, các nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cơ bản vẫn còn thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi mà xa hơn là thích ứng và tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển đổi xanh của EU nói riêng và thị trường xuất khẩu thế giới nói chung.

Ngoài các khuyến nghị chung cho tất cả các ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng, các nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam sang EU (tự mình hoặc trong khuôn khổ nhóm doanh nghiệp, hiệp hội) được khuyến nghị cần tập trung chú ý và hành động kịp thời trước các tiêu chuẩn xanh của EU thông qua việc:

- Tìm hiểu và thường xuyên cập nhật về các thay đổi chính sách của EU liên quan tới nông sản thực phẩm nói chung, đặc biệt là các hành động triển khai Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” từ đó (i) nắm bắt được xu hướng, khả năng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình; và (ii) nhận diện ngay các dự kiến chính sách có thể tác động tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình để có sự chuẩn bị từ sớm;

- Nghiên cứu kỹ các quy định (dạng dự thảo hoặc đã ban hành) trong khuôn khổ các chính sách xanh EU để xác định các yêu cầu cụ thể đối với các sản phẩm xuất khẩu của mình, từ đó có sự chuẩn bị và điều chỉnh để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu này khi chúng có hiệu lực trên thực tế;

- Tính tới chiến lược chuyển đổi xanh trong sản xuất, xuất khẩu trong tương lai xa hơn để có thể đi trước, khai thác thị trường các sản phẩm xanh, bền vững và tệp khách hàng xanh ở EU cũng như nhiều khu vực khác.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập