Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (CEAP) trong Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    164

Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular economy action plan – CEAP) là một phần của quan trọng của Thỏa thuận Xanh, được đưa ra vào tháng 3/2020, nhằm mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn, đồng thời biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn tại EU. Kế hoạch mới này thay thế cho CEAP đã có hiệu lực từ 2015 trước đó.

Đây là một trong những gói giải pháp thực hiện Thỏa thuận Xanh có ảnh hưởng trực tiếp và trên diện rộng nhất đối với việc sản xuất, sử dụng, thải bỏ các sản phẩm hàng hóa ở EU, trong đó có các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào EU.

Về phạm vi, CEAP bao gồm 35 hành động (actions) cụ thể liên quan tới các biện pháp thực hành sản phẩm tuần hoàn trong 07 chuỗi giá trị sản phẩm, gồm: Điện tử và các sản phẩm công nghệ thông tin (ICT), Pin và phương tiện vận tải, Bao bì đóng gói, Nhựa, Dệt may, Xây dựng và các tòa nhà, Thực phẩm nước uống và các sản phẩm dinh dưỡng. Đây là các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên đồng thời cũng có tiềm năng tuần hoàn cao.

Tóm lược các hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn trong 07 chuỗi sản phẩm liệt kê trong CEAP

1. Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin (Electronics and ICT)

- Quản lý các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin (CNTT) theo Chỉ thị về thiết kế sinh thái (Ecodesign Directive) để các thiết bị được thiết kế theo hướng tiết kiệm năng lượng, có độ bền cao, có thể sửa chữa, nâng cấp, bảo trì, tái sử dụng và tái chế;

- Tập trung thực hiện “quyền được sửa chữa” (bao gồm quyền cập nhật phần mềm cũ) đối với các sản phẩm điện tử, CNTT;

- Quản lý bộ sạc dành cho điện thoại di động và các thiết bị tương tự;

- Thu gom, xử lý chất thải từ các thiết bị điện và điện tử theo các phương án thu hồi trên toàn lãnh thổ EU;

- Rà soát các quy định của EU về việc hạn chế các chất độc hại trong các thiết bị điện và điện tử.

2. Pin và phương tiện vận tải (Batteries and vehicles)

Pin: Xây dựng khung pháp lý mới đối với pin, với các nội dung:

- Quy định về hàm lượng tái chế; các biện pháp cải thiện tỷ lệ thu gom và tái chế tất cả các loại pin;

- Xử lý vấn đề về pin không sạc lại được (non-rechargeable batteries), tiến tới loại bỏ các loại pin này, thay thế bằng các loại khác thích hợp;

- Minh bạch thông tin về tính bền vững của pin (lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất pin, nguồn cung ứng nguyên liệu, tạo điều kiện tái sử dụng và tái chế pin).

Phương tiện vận tải

- Sửa đổi các quy định về phương tiện hết hạn sử dụng (end-of-life vehicles);

- Xem xét các quy định về hàm lượng tái chế bắt buộc đối với một số vật liệu nhất định, và nâng cao hiệu quả tái chế.

3. Bao bì đóng gói (Packaging)

Rà soát sửa đổi Chỉ thị 94/62/EC theo hướng:

- Giảm bao bì đóng gói và chất thải bao bì;

- Thúc đẩy thiết kế hướng tới tái sử dụng và tái chế bao bì, hạn chế bao bì đối với các sản phẩm không cần đóng gói;

- Giảm thiểu mức độ phức hợp (complexity) của vật liệu đóng gói (giảm số lượng các vật liệu và polyme sử dụng trong một bao bì để tạo điều kiện cho tái chế).

Một số hành động khác

- Đánh giá tính khả thi của việc dán nhãn trên toàn EU để thuận tiện khi phân loại rác thải bao bì chính xác tại nguồn

- Thiết lập các quy tắc để tái chế an toàn các vật liệu nhựa tiếp xúc với thực phẩm (ngoại trừ nhựa PET).

4. Nhựa (Plastics)

Các yêu cầu bắt buộc về hàm lượng tái chế và các biện pháp giảm thiểu chất thải bao bì, vật liệu xây dựng và phương tiện giao thông;

Xử lý các hạt vi nhựa trong môi trường:

- Hạn chế các hạt vi nhựa được cố ý thêm vào;

- Xây dựng các biện pháp ghi nhãn, tiêu chuẩn hóa, chứng nhận và quản lý đối với việc vô tình phát tán hạt vi nhựa;

- Phát triển, thống nhất các phương pháp đo lường hạt vi nhựa vô tình bị phát tán (đặc biệt là từ lốp xe và từ hàng dệt may).

Phát triển các khung chính sách về tính bền vững:

- Dán nhãn và sử dụng nhựa sinh học;

- Sử dụng nhựa phân hủy sinh học hoặc nhựa có thể phân hủy.

Thúc đẩy thực thi Chỉ thị mới về Sản phẩm nhựa sử dụng một lần, đặc biệt:

- Diễn giải các sản phẩm thuộc phạm vi của Chỉ thị;

- Dán nhãn các sản phẩm như thuốc lá, cốc đựng đồ uống, khăn ướt và đảm bảo nắp dính liền thân chai để tránh xả rác;

- Xây dựng các quy tắc mới về đo lường hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

5. Dệt may (Textiles)

Thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững qua các biện pháp:

- Áp dụng khung sản phẩm bền vững mới cho hàng dệt may (thiết kế sinh thái, xử lý các hóa chất độc hại, quyền lựa chọn của chủ thể tiêu dùng);

- Ưu đãi và hỗ trợ cho các vật liệu và quy trình sản xuất tuần hoàn;

- Hướng dẫn các nước thành viên EU thực hiện mục tiêu thu gom rác thải dệt may vào năm 2025;

- Tăng cường phân loại, tái sử dụng và tái chế hàng dệt may.

6. Xây dựng và các tòa nhà (Construction and buildings)

Thúc đẩy các nguyên tắc tuần hoàn trong suốt vòng đời của các tòa nhà bằng cách:

- Các yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với một số sản phẩm xây dựng;

- Thúc đẩy cải thiện độ bền và khả năng thích ứng của các công trình xây dựng;

- Xem xét tiêu chí đánh giá vòng đời trong mua sắm công và khuôn khổ tài chính bền vững của EU;

- Sửa đổi các mục tiêu thu hồi vật liệu đối với chất thải xây dựng.

7. Thực phẩm, nước uống và các sản phẩm dinh dưỡng (Food, water and nutrients)

- Sáng kiến về việc tái sử dụng nhằm thay thế bao bì, bộ đồ ăn và dao kéo sử dụng một lần bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng trong dịch vụ thực phẩm (food service);

- Kế hoạch quản lý dinh dưỡng tổng hợp;

- Quy định mới khuyến khích tái sử dụng nước trong nông nghiệp và công nghiệp.

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI từ Văn kiện CEAP

Về thực thi, phần lớn trong 35 hành động dự kiến nói trên được triển khai thông qua việc sửa đổi các quy định pháp luật tương ứng của EU theo hướng nâng cao, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TBT) liên quan đối với các sản phẩm được liệt kê (tiêu chuẩn về đặc tính sản phẩm, về quy trình đóng gói, về cách thức ghi nhãn …) hoặc các yêu cầu đối với việc xử lý rác thải sau tiêu dùng.

Sau đây là một số nhóm biện pháp thực thi đã được EU triển khai trong khuôn khổ CEAP có tác động đáng kể tới hàng hóa nhập khẩu vào EU:

* Chiến lược EU về Dệt may

* Dự thảo quy định về Trao quyền cho người tiêu dùng trong thực hiện chuyển đổi xanh (Proposal for empowering the consumer for the green transition)

- Tiến trình: Dự thảo được công bố bởi Ủy ban châu Âu vào đầu năm 2022, hiện đang trong quá trình tham vấn xem xét bởi Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để thông qua.

- Nội dung: Nội dung Dự thảo bao gồm các dự kiến sửa đổi pháp luật hiện hành nhằm giúp người tiêu dùng EU được thông tin đầy đủ hơn về sản phẩm, từ đó có thể thực hiện các lựa chọn tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Cụ thể, nhà sản xuất và thương nhân sẽ phải (i) cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn về độ bền, khả năng sửa chữa và tính bền vững của sản phẩm; (ii) từ bỏ các hành vi buộc sản phẩm trở thành lỗi thời sớm[1] và (iii) bảo đảm chỉ sử dụng các nhãn bền vững đã được kiểm chứng.

* Dự thảo Quy định mới về Thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững (Proposal for a new Ecodesign for Sustainable Products Regulation)

- Tiến trình: Dự thảo Quy định mới đã được công bố vào 3/2022, hiện đang trong quá trình tham vấn xem xét bởi Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu để thông qua. Khi được thông qua, Quy định sẽ có hiệu lực ngay, tuy nhiên các yêu cầu cụ thể về thiết kế sinh thái cho từng nhóm mặt hàng thì sẽ được quy định trong các văn bản hướng dẫn (delegated acts) – EU dự kiến sẽ có khoảng 30 văn bản hướng dẫn mới cho Quy định này được soạn thảo từ nay tới 2030.

- Nội dung:

+ Về phạm vi: Dự thảo này nhằm thay thế Chỉ thị về Nhãn sinh thái (Ecodesign Directive) hiện đang áp dụng ở EU, dự kiến sẽ (i) điều chỉnh tất cả các sản phẩm chế biến chế tạo trừ thực phẩm, dược phẩm, các loại thức ăn gia súc, động thực vật (thay vì chỉ các sản phẩm có liên quan tới năng lượng trong Chỉ thị hiện hành); và (ii) thực hiện theo các quy định thống nhất trên toàn EU (thay vì theo quy định riêng của từng nước thành viên trong Chỉ thị hiện hành);

+ Về các quy định: Dự thảo dự kiến sẽ (i) đặt ra các yêu cầu cụ thể về thiết kế sinh thái theo từng nhóm sản phẩm để thích hợp với đặc điểm vòng đời của mỗi nhóm thông qua các tiêu chí tối thiểu để đảm bảo sản phẩm bền, tin cậy, có thể tái sử dụng, có thể sửa chữa, tiết kiệm năng lượng và có một số bộ phận có thể tái chế; (ii) hướng dẫn các khả năng tân trang, tái chế, khôi phục sản phẩm; (iii) quy định về “hộ chiếu sản phẩm” dạng số (theo đó mỗi sản phẩm đều phải có một “hộ chiếu” số hóa cho phép tra cứu các thông tin liên quan tới sản phẩm.

* Các quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer responsibility - EPR)

* Chương trình EPR vốn là một công cụ chính sách để thực hiện Chỉ thị của EU về rác thải (Waste Framework Directive) và Chỉ thị về đóng gói và rác thải bao bì (Packaging and Packaging Waste Directive), theo đó các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm tài chính một phần hoặc toàn bộ cho việc xử lý rác thải từ quá trình sử dụng sản phẩm của mình thông qua việc nộp một khoản phí tương ứng cho quốc gia nơi phải xử lý các rác thải này. Mục tiêu của EPR là buộc nhà sản xuất phải suy nghĩ và tìm biện pháp (trong thiết kế và sản xuất) để hạn chế tối thiểu lượng rác thải sinh ra từ việc sử dụng sản phẩm.

EPR hiện đã và đang áp dụng ở EU, tuy nhiên, chỉ giới hạn ở một số nhóm sản phẩm (ví dụ pin, ác quy, phương tiện vận tải…).

- Trong khuôn khổ thực thi Thỏa thuận Xanh, Chương trình EPR có thể được điều chỉnh để mở rộng về phạm vi (ví dụ áp dụng cho rác thải từ bao bì của tất cả các sản phẩm) và về tiến độ (tới hết năm 2024, dự kiến tất cả các nước thành viên EU sẽ có kế hoạch riêng về EPR đối với rác thải bao bì, áp dụng cho các sản phẩm nội địa hoặc nước ngoài nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường nước mình).

Đáng chú ý là quy định trong các Chương trình này phần lớn áp dụng cho tất cả các sản phẩm liên quan (không phân biệt nội khối EU hay nhập khẩu từ bên ngoài), một số trường hợp chỉ áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu (ví dụ EUDR hoặc CBAM). Do đó, CEAP và các văn bản cụ thể hóa CEAP đang và sẽ ảnh hưởng đáng kể tới hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào EU, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập


[1] Ví dụ đối với các sản phẩm điện tử, nhà sản xuất có thể thiết kế các ứng dụng, cập nhật mới mà chỉ thích hợp với các mẫu sản phẩm mới, từ đó thúc đẩy người dùng phải bỏ sản phẩm mẫu cũ để mua sản phẩm mẫu mới.