Giới thiệu về Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    782

Thỏa thuận Xanh châu Âu (The European Green Deal-EGD, sau đây gọi là “Thỏa thuận Xanh (EU)”) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Văn kiện này được Ủy ban châu Âu công bố ngày 13/12/2019 và được Hội đồng châu Âu biểu quyết thông qua ngày 15/01/2020.

* Về tính chất

Về bản chất, Thỏa thuận Xanh là một gói chính sách định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050.

Các nội dung trong Thỏa thuận Xanh chỉ gồm các mục tiêu lớn cần đạt được và một số các định hướng chiến lược của EU về vấn đề khí hậu trong các khía cạnh liên quan. Văn kiện này không trực tiếp đặt ra các tiêu chuẩn hay điều kiện xanh cụ thể.

Trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Xanh, nhiều Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật (sau đây gọi chung là các “chính sách xanh”)… đã và sẽ được EU xây dựng và triển khai trên thực tế. Các chính sách xanh này bổ sung, nâng cấp hoặc đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh cụ thể, từ đó tác động trực tiếp và/hoặc gián tiếp tới nhiều nhóm chủ thể trong các hoạt động liên quan.

* Về mục tiêu

Thỏa thuận Xanh EU hướng tới 04 mục tiêu chung sau đây:

- Trở thành khu vực trung hòa về phát thải khí nhà kính vào năm 2050

- Bảo vệ sự sống con người, động vật và thực vật thông qua cắt giảm ô nhiễm

- Hỗ trợ các doanh nghiệp châu Âu trở thành các chủ thể đi đầu thế giới trong sử dụng công nghệ và sản xuất sản phẩm sạch

- Bảo đảm quá trình chuyển tiếp công bằng và có tính bao trùm (không bỏ lại ai phía sau)

Các lợi ích của Thỏa thuận Xanh cho người dân EU

Theo Ủy ban châu Âu, Thỏa thuận Xanh EU sẽ giúp cải thiện phúc lợi và sức khỏe của người dân và thế hệ tương lai ở EU, cụ thể là bảo đảm cho họ:

- Bầu không khí trong lành, nước sạch, đất trong lành và đa dạng sinh học

- Các tòa nhà được cải tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả

- Thực phẩm lành mạnh và giá cả phải chăng

- Thêm phương tiện giao thông công cộng

- Năng lượng sạch hơn và đổi mới công nghệ sạch tiên tiến

- Sản phẩm bền lâu hơn có thể được sửa chữa, tái chế và tái sử dụng

- Việc làm và đào tạo kỹ năng phù hợp với tương lai cho quá trình chuyển đổi

- Các ngành kinh tế có khả năng chống chịu và cạnh tranh toàn cầu

Nguồn: Chuyên mục trực tuyến Thỏa thuận Xanh EU của Ủy ban châu Âu (EC) tại địa chỉ https://commission.europa.eu/strategy-and-policy/priorities-2019-2024/european-green-deal_en

* Về phạm vi

Do mọi hoạt động kinh tế đều góp phần và/hoặc có ảnh hưởng tới tình trạng biến đổi khí hậu hay suy thoái môi trường, Thỏa thuận Xanh EU được thiết kế để bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU, với các khía cạnh chính sách liên lĩnh vực nhằm tạo ra kết quả cộng hưởng trong thực hiện mục tiêu cuối cùng là trung hòa phát thải khí nhà kính vào năm 2050.

Nói cách khác, tất cả các ngành nghề, khía cạnh kinh tế EU đều chịu tác động bởi các chính sách trong Thỏa thuận Xanh ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, do mức độ ảnh hưởng tới môi trường và biến đổi khí hậu lớn, một số lĩnh vực kinh tế được Thỏa thuận Xanh tập trung đẩy nhanh tiến trình trung hòa phát thải hơn, trong đó đáng kể có các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, năng lượng, tài chính, giao thông và xây dựng.

* Về đối tượng áp dụng

Với tính chất là gói chính sách nội bộ của Liên minh châu Âu, Thỏa thuận Xanh EU về lý thuyết chỉ áp dụng cho các chủ thể EU, các đối tượng (hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế) trên thị trường/lãnh thổ EU.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, các chính sách của Thỏa thuận Xanh EU cũng sẽ áp dụng cho các chủ thể kinh tế ngoài EU nhưng có liên quan tới các hoạt động kinh tế EU, cụ thể:

- Các chính sách, quy định áp dụng bắt buộc cho hàng hóa, dịch vụ lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ và/hoặc tạo phát thải tại EU: Do nhóm đối tượng của các biện pháp này bao gồm cả một số loại hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài (nước thứ ba) vào thị trường EU và được sử dụng, tiêu thụ tại đây, các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cung ứng hàng hóa, dịch vụ này vào EU cũng sẽ phải tuân thủ các chính sách liên quan;

- Các chính sách, quy định áp dụng trực tiếp cho hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ bên ngoài vào EU: So với trường hợp trên, nhóm này ít hơn, được EU sử dụng trong một số tình huống nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu khí hậu và môi trường của EU một cách triệt để, toàn diện, tránh tình trạng EU tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu gián tiếp làm vô hiệu hóa các mục tiêu khí hậu của EU hoặc thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh gây hại tới môi trường ở nước xuất khẩu. Trong các trường hợp này, nhà nhập khẩu EU và tương ứng với đó là các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài của các sản phẩm liên quan sẽ là đối tượng phải tuân thủ các biện pháp này.

Như vậy, mặc dù là một văn bản nội bộ của EU, trong một số chính sách, biện pháp thực thi cụ thể, Thỏa thuận Xanh sẽ áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ bên ngoài vào EU cũng như các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài liên quan.

Từ đây, Thỏa thuận Xanh được cho là sẽ tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới nhiều dòng chảy thương mại hàng hóa, dịch vụ từ tất cả các nơi trên thế giới vào EU, khu vực có kim ngạch nhập khẩu lớn thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Hoa Kỳ). Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, EU thực hiện Thỏa thuận Xanh cũng sẽ ảnh hưởng tới một bộ phận đáng kể xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập