Giới thiệu về Thỏa thuận Xanh EU: Một số chính sách, quy định khác cần lưu ý

04/12/2023    18

Bên cạnh các nhóm quy định pháp luật thực thi Thỏa thuận Xanh có ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến một hoặc một số nhóm sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, rải rác trong nhiều Chương trình, Chiến lược, Kế hoạch hành động khác trong khuôn khổ Thỏa thuận này cũng có tác động đến một số ngành, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam ở mức độ hạn chế hơn nhưng cũng không thể bỏ qua, ví dụ:

* Chiến lược hóa chất vì sự bền vững (Chemicals strategy for sustainability)

Chiến lược này được EU công bố ngày 14/10/2020, và để thực thi, một số văn bản chứa quy định pháp luật, tiêu chuẩn mới/nâng cấp liên quan tới hóa chất của EU đã/sẽ được sửa đổi, bổ sung mới, trong đó đáng chú ý có:

- Sửa đổi Quy định của EU về Đăng ký, Đánh giá, Cấp phép và Hạn chế đối với hóa chất (REACH)

- Sửa đổi quy định của EU về phân loại rủi ro, ghi nhãn và đóng gói hóa chất (CLP)

- Sửa đổi quy định của EU về các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm (ví dụ bao bì thực phẩm; các thiết bị nhà bếp, chế biến thực phẩm và bàn ăn)

- Công bố sáng kiến sản phẩm bền vững (Sustainable Product Initiative), theo đó (i) sửa Chỉ thị Thiết kế bền vững của EU; (ii) bổ sung các biện pháp pháp lý mới liên quan tới các loại hóa chất độc hại hiện diện trong các sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, đồ nội thất, sắt thép và hóa chất.

Do phần lớn các quy định nói trên đều là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hóa chất áp dụng cho các hàng hóa liên quan, việc sửa đổi, bổ sung các quy định này theo các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh đang/sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa liên quan nhập khẩu vào EU.

* Các biện pháp sửa đổi liên quan tới xử lý rác thải từ các sản phẩm tiêu dùng

Các chính sách về rác thải của EU được thiết kế nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đóng góp vào kinh tế tuần hoàn. Trong khuôn khổ thực thi Thỏa thuận Xanh liên quan tới lĩnh vực này, đã có thêm một số quy định pháp lý mới/điều chỉnh về quản lý rác thải, trong đó đáng chú ý có:

- Quy định của EU về pin và ắc quy (EU rules on batteries and accumulators)

- Các quy định của EU liên quan tới các loại rác thải chứa chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (EU rules on waste containing persistent organic pollutants - POPs)

- Các quy định của EU về hạn chế sử dụng chất nguy hiểm trong thiết bị điện, điện tử (EU rules restricting the use of hazardous substances in electrical and electronic equipment)

- Các quy định của EU về xử lý rác thải thiết bị điện, điện tử (EU rules on treating waste electrical and electronic equipment - WEEE)

Việc sửa đổi, bổ sung các văn bản như đề cập ở trên sẽ tác động tới các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng liên quan của các sản phẩm được đề cập tại thị trường EU, do đó cũng ảnh hưởng tới việc nhập khẩu các sản phẩm này từ bên ngoài vào EU.

Bên cạnh đó, như đã nhấn mạnh, Thỏa thuận Xanh EU sẽ còn tiếp tục được triển khai với nhiều bước đi khác từ nay cho tới 2050. Do đó, các trường hợp liệt kê ở phía trên mới chỉ là các biện pháp nhận diện được cho tới thời điểm này. Trong tương lai, đặc biệt là từ nay tới 2030 (giai đoạn mà EU phải cấp tập hành động nhằm thực hiện các mục tiêu trung gian mà EU đặt ra cho tới năm 2030), danh sách các chính sách, quy định, biện pháp xanh có thể ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu Việt Nam của EU chắc chắn sẽ còn dài thêm, với các nội dung phức tạp hơn, trong nhiều lĩnh vực, khía cạnh hơn. Do đó, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần theo dõi toàn bộ tiến trình để có thể cập nhật ngay các xu hướng chung cũng như các quy định cụ thể liên quan.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập