Bản tóm tắt nội dung Hiệp định Thuận lợi hóa Thương mại (TFA)

01/11/2018    6582

TÓM TẮT NỘI DUNG HIỆP ĐỊNH TẠO THUẬN LỢI THƯƠNG MẠI WTO (HIỆP ĐỊNH TF)

Mục đích của đàm phán trong lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại là xoá bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phí thuế quan đối với thương mại, cụ thể là giúp giải quyết các yêu cầu về giấy tờ, chứng từ quá mức, thủ tục qua biên giới không hiệu quả, ít áp dụng tự động hoá và sử dụng công nghệ thông tin, những cản trở trong vận tải và quá cảnh, thiếu sự minh bạch và khả năng dự đoán, thiếu sự hợp tác và phối hợp, v.v…Đồng thời quá trình này cũng góp phần giải quyết những tác động tiêu cực đối với: chi phí giao dịch thương mại, giá cả tiêu dùng, khả năng cạnh tranh, cơ hội kinh doanh, các luồng thương mại, đầu tư, thu ngân sách, tham gia vào dây chuyền cung ứng quốc tế, v.v…

Hiệp định Tạo thuận lợi  thương mại được bắt đầu từ 10/2004, trải qua hơn 50 phiên đàm phán chính thức cùng với hàng trăm phiên trao đổi, thảo luận nhóm, khu vực,… với một giai đoạn dừng lại do sự đình trệ của Vòng Đô ha, cho đến nay Hiệp định đã được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 (7/12/2013) tại Bali (Indonesia) và Nghị định thư đưa Hiệp định vào Phụ lục 1A của Hiệp định GATT 94 cũng đã được thông qua tại Geneva tháng 11/2014.

Hiệp định bao gồm 3 phần chính: Phần I gồm những nội dung kỹ thuật có liên quan đến Điều V, Điều XIII và Điều X của Hiệp định GATT 1994 gồm 12 điều; Phần II gồm các điều khoản liên quan đến đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên đang phát triển và chậm phát triển gồm 10 điều; Phần III gồm các thỏa thuận về thể chế. Cụ thể như sau:

 

PHẦN I:  NỘI DUNG CÁC CAM KẾT

Điều 1: quy định các Thành viên phải ban hành và cung cấp thông tin cho Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác các thông tin liên quan đến thương mại, hải quan (quy định, chính sách, thủ tục, thuế suất, phí....) tại một địa điểm nào đó, qua Internet, thành lập điểm giải đáp và thông báo cho Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại của WTO về địa chỉ cung cấp thông tin này.

Điều 2: quy định các Thành viên phải đảm bảo một khoảng thời gian hợp lý giữa khi công bố văn bản quy phạm pháp luật và thời điểm mà văn bản này có hiệu lực cũng như phải tạo cơ hội cho các bên có liên quan khác tham gia đóng góp ý kiến và có các buổi tham vấn thường xuyên.

Điều 3: quy định về việc Thành viên phải cung cấp văn bản xác định trước (Advance Rulings) trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi người nộp đơn hoàn tất các thủ tục theo yêu cầu, các trường hợp từ chối cung cấp xác định trước cho người nộp đơn về một số các nội dung có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và nghĩa vụ của nước thành viên khi từ chối ban hành xác định trước. Quy định về giá trị pháp lý, thời gian hiệu lực của xác định trước và thủ tục sửa đổi, hiệu lực hồi tố và hủy bỏ văn bản này. Các Thành viên cũng có thể xem xét việc công bố các thông tin liên quan đến xác định trước nhưng phải tính đến việc bảo mật các thông tin liên quan đến thương mại.

Điều 4: quy định về thủ tục khiếu nại hoặc khiếu kiện hành chính và tư pháp, khoảng thời gian để điều chỉnh quyết định, quy trình thủ tục khiếu nại, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên có liên quan và cơ chế khiếu nại trong liên minh hải quan. Thủ tục khiếu nại và khiếu kiện phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Điều 5: quy định một số các biện pháp khác nhằm tăng cường tính công bằng, không phân biệt đối xử và minh bạch bao gồm: Thông báo để tăng cường kiểm soát và kiểm tra (hệ thống thông báo tăng cường kiểm tra, kiểm soát khi phát hiện các lô hàng vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe, cách thức thông báo, thủ tục thu hồi và hủy bỏ thông báo...); Quy định về Tạm giữ hàng hóa; Các thủ tục tái kiểm nghiệm hàng nhập khẩu khi không đồng ý với kết quả kiểm nghiệm lần đầu (công bố danh mục các phòng thí nghiệm được phép tiến hành tái kiểm nghiệm và phải xem xét kết quả tái kiểm nghiệm trong thông quan và giải phóng hàng hóa).

Điều 6: quy định khoản phí và lệ phí được thu hoặc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Nguyên tắc chung các khoản này không được tính trên cơ sở theo giá (ad valorem) và không được vượt quá giá trị dịch vụ đã sử dụng. Thông tin về phí và lệ phí phải được công bố theo quy định tại Điều 1 của Hiệp định này. Cụ thể: đối với các khoản phí và lệ phí liên quan hoạt động xuất nhập khẩu cụ thể phải giới hạn trong khoản chi phí dịch vụ sử dụng. Tuy nhiên Thành viên vẫn có thể thu thêm các khoản phí và lệ phí không liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cụ thể nhưng dịch vụ cần sử dụng lại liên quan đến quy trình hải quan để xử lý hàng hóa đó. Quy định tại điều này cũng không loại trừ quyền của Thành viên khi thu các khoản phí và lệ phí theo Điều VIII của Hiệp định GATT 1994. Quy định loại trừ khả năng gắn việc xác định mức độ xử phạt, thu thuế với tiền lương của công chức. Ngoài ra Điều 6 còn quy định thêm về các Nguyên tắc xử phạt đối với các vi phạm hải quan (trình tự, hình thức, mức độ, trong thời hiệu, ngoài thời hiệu xử phạt, tình tiết tăng giảm)... và chỉ áp dụng cho hình thức xử phạt hành chính.

Điều 7: nội dung của Điều 7 đề cập đến rất nhiều lĩnh vực liên quan đến giải phóng và thông quan hàng hóa như: Xử lý trước khi hàng đến (cho phép nộp trước các chứng từ hoặc thông tin theo hình thức điện tử để xử lý trước); Thanh toán điện tử các khoản thuế hải quan, thuế khác, phí và lệ phí do cơ quan hải quan thu; Tách việc giải phóng với quyết định cuối cùng về nộp thuế hải quan, thuế khác, phí và lệ phí (quy định cụ thể các nước Thành viên phải áp dụng và duy trì các thủ tục quy định về vấn đề này, quy định về các điều kiện mà Thành viên yêu cầu nếu muốn áp dụng thủ tục này như yêu cầu về bảo lãnh và quy định này cũng không ảnh hưởng đến quyền kiểm tra, tạm giữ, bắt tịch thu hoặc xử lý đối với hàng hóa); Quản lý rủi ro (các nước Thành viên phải cố gắng áp dụng và quy trì hệ thống quản lý rủi ro để kiểm soát hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh, hệ thống quản lý rủi ro phải được xây dựng theo các tiêu chí lựa chọn và phải đảm bảo tập trung kiểm soát hải quan đối với các lô hàng có rủi ro cao và đẩy nhanh thông quan các lô hàng có rủi ro thấp. Bên cạnh đó Hệ thống quản lý hải quan phải đảm bảo không tạo ra sự phân biệt đối xử đối với thương mại quốc tế); Kiểm tra sau thông quan (áp dụng kiểm tra sau thông quan để đảm bảo tuân thủ về pháp luật và tạo thuận lợi cho việc thông quan. Nội dung này cũng quy định về nghĩa vụ của các nước Thành viên khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và giá trị của kết quả này); Thiết lập và công bố thời gian giải phóng hàng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới đồng thời khuyến khích các nước Thành viên chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này; Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại dành cho Doanh nghiệp ưu tiên (quy định về các tiêu chí đối với Doanh nghiệp ưu tiên cũng như các biện pháp tạo thuận lợi thương mại dành cho các đối tượng này); Lô hàng ưu tiên xử lý nhanh (quy định các nước Thành viên phải cho phép giải phóng nhanh một số lô hàng ít nhất là hàng chuyển theo đường hàng không nếu như người yêu cầu đáp ứng được một số điều kiện quy định để có thể áp dụng hình thức này như có cơ sở hạ tầng tốt, nộp trước các thông tin, tự xác định được các khoản phí giới hạn trong chi phí dịch vụ sử dụng...Từ những yêu cầu đó, Thành viên cũng có trách nhiệm phải quy định những nội dung liên quan đến thủ tục như cho phép nộp chứng từ trước bằng hình thức điện tử, quy định giá trị tối thiểu để hàng hóa không phải kiểm tra hải quan, quy định về thời gian để giải phóng nhanh hàng hóa...); Hàng dễ hư hỏng (thành viên sẽ ưu tiên thông quan hàng dễ hỏng trong khoảng thời gian ngắn nhất, ưu tiên làm ngoài giờ, ưu tiên trong việc thu xếp lịch kiểm tra và cho phép hàng hóa đó được bảo quản trong kho của người nhập khẩu nếu chưa được thông quan. Trong trường hợp nếu có sự chậm chễ trong giải phóng hàng hoặc điều kiện bảo quản không được thích hợp, Thành viên cũng cần có thông báo cho nhà nhập khẩu). Những nội dung trên được đưa ra để đảm bảo hơn nữa việc tạo thuận lợi thương mại trong quá trình giải phóng và thông quan nhanh hàng hóa.

Điều 8: quy định về cơ chế hợp tác giữa các cơ quan quản lý biên giới tại một nước thành viên cũng như cơ chế hợp tác giữa các cơ quan quản lý biên giới của 2 nước có biên giới liền kề. Theo đó các cơ quan phải tăng cường phối hợp; hài hòa các thủ tục; kiểm tra chung, thiết lập kiểm tra một điểm dừng... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa.

Điều 9: quy định về thủ tục xử lý đối với những lô hàng chuyển tải hoặc quá cảnh nội địa (chuyển khẩu) của một nước thành viên. Những yêu cầu về thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho các lô hàng vận chuyển theo hình thức này qua việc cho phép các loại hàng này được phép di chuyển giữa các địa điểm hải quan dưới sự giám sát của hải quan.

Điều 10: quy định các thủ tục liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu. Nội dung quy định trong điều này tương đối rộng và liên quan hầu hết đến các lĩnh vực hải quan như: các thủ tục và yêu cầu về chứng từ  (Thành viên phải đảm bảo các thủ tục và yêu cầu về chứng từ liên quan đến thương mại không còn là những gánh nặng hành chính hoặc có tính hạn chế thương mại để đạt được các mục tiêu chính sách luật pháp của mình mà phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp), chấp nhận bản sao đối với các chứng từ cần thiết cho việc xuất nhập khẩu hoặc quá cảnh; sử dụng các chuẩn mực quốc tế (Thành viên phải sử dụng các chuẩn mực quốc tế có liên quan làm cơ sở để xây dựng các thủ tục về xuất nhập khẩu và quá cảnh, nội dung này cũng sẽ được hỗ trợ từ Ủy ban tạo thuận lợi thương mại của WTO khi thực hiện Hiệp định), hệ thống Một cửa (Thành viên, theo năng lực của mình, sẽ áp dụng dần dần và duy trì  Hệ thống Một cửa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nộp chứng từ xuất nhập khẩu và dữ liệu bao gồm cả các phiên bản điện tử  cho các cơ quan có liên quan thông qua một điểm chung), kiểm tra trước khi xếp hàng lên tàu (các Thành viên sẽ không yêu cầu kiểm tra trước khi xếp hàng lên tầu về các nội dung phân loại thuế quan và trị giá hải quan và khuyến khích không đưa ra yêu cầu mới về kiểm tra trước khi xếp hàng lên tầu), sử dụng Đại lý khai thuê Hải quan (Thành viên không được bắt buộc áp dụng đại lý khai thuê hải quan.  Thành viên phải thông báo các biện pháp áp dụng đại lý khai thuê hải quan và các bổ sung sửa đổi sau đó.  Nếu việc hành nghề khai thuê hải quan phải  được cấp phép, thì những quy định cấp phép này phải minh bạch, không phân biệt đối xử, hợp lý), các thủ tục quản lý biên giới chung và yêu cầu về chứng từ chung (phải áp dụng thủ tục và yêu cầu về chứng từ chung trên toàn lãnh thổ, tuy nhiên thành viên vẫn có thể có các quy định khác đối với một số trường hợp nhất định để phục vụ mục đích quản lý rủi ro, áp dụng hải quan điện tử hoặc các biện pháp về vệ sinh an toàn), hàng hóa bị từ chối (thành viên sẽ cho phép chuyển đi hoặc trả lại các lô hàng cho nhà xuất khẩu hoặc người do nhà xuất khẩu chỉ định trong trường hợp lô hàng đó không đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh hoặc kỹ thuật ....Trường hợp nhà nhập khẩu không thể  thực hiện được yêu cầu trên trong một thời hạn hợp lý , thành viên có thể xử lý hàng hóa đó), tạm quản hàng hóa / Gia công trong và ngoài nước (quy định các Thành viên phải cho phép các hoạt động này theo qui định về chế độ tạm quản, gia công trong và ngoài nước theo các chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi).

Điều 11: quy định những nội dung liên quan đến quá cảnh phải tuân thủ theo các quy định tại Điều V, Hiệp định GATT 1994, cụ thể như: Thành viên phải thực hiện các qui định về phí, thủ tục liên quan theo nguyên tắc công khai, không phân biệt; Các biện pháp áp dụng với hàng quá cảnh không được phân biệt đối xử; Các quy định và thủ tục đối với vận tải quá cảnh bao gồm chi phí vận tải, quy định về vận tải, an toàn và môi trường phải áp dụng giống như hàng vận tải nội địa; Hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ nước  khác được xử lý thuận lợi như  hàng hóa vận chuyển từ cảng xuất phát đến cảng đích ở nước mình; Không thu thêm bất kỳ phí hải quan hay áp dụng thủ tục hải quan nào đối với hàng  đang trong quá trình làm thủ tục quá cảnh và được phép vận chuyển từ điểm xuất phát đến điểm cuối cùng trong lãnh thổ nước thành viên; Các thủ tục và yêu cầu về chứng từ và kiểm tra hải quan không được là gánh nặng;  Không được áp dụng các quy định kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định về Rào cản thương mại đối với hàng quá cảnh; Thực hiện khai báo, xử lý thông tin trước với hàng quá cảnh; Hàng quá cảnh đến cửa khẩu xuất phải làm ngay thủ tục kết thúc nếu đã chấp hành tốt các qui định; Có thể yêu cầu bảo lãnh nhưng không được vượt quá số thuế, phí phải nộp; Kết thúc quá cảnh đúng qui định thì phải hoàn trả bảo lãnh; Thực hiện bảo lãnh nhiều lần; Có thể yêu cầu áp tải trong  các trường hợp có rủi ro cao, các quy định này phải được đưa vào văn bản pháp luật và phải được công khai; Các thành viên nỗ lực hợp tác, phối hợp để thuận lợi cho quá cảnh; Chỉ định một đầu mối điều phối về quá cảnh quốc gia để giải quyết các vướng mắc về quá cảnh với các nước khác.

Điều 12: quy định về cơ chế hợp tác hải quan để tạo thuận lợi và tuân thủ mà cụ thể là những nội dung liên quan đến trao đổi thông tin/tài liệu về các vấn đề hải quan theo các điều khoản thỏa thuận lẫn nhau khi có sự nghi ngờ về tính chính xác của tờ khai xuất nhập khẩu; trách nhiệm của Thành viên được yêu cầu phải xác minh thông tin và đảm bảo tính bảo mật của thông tin. Thành viên yêu cầu phải đảm bảo đã tiến hành những thủ tục xác minh nội bộ cần thiết trước khi gửi yêu cầu xác minh. Yêu cầu phải bằng văn bản trong đó phải nêu được nội dung, mục đích yêu cầu, tên và địa chỉ người có liên quan.... Thành viên được yêu cầu sẽ cung cấp các thông tin (về hàng hóa, về vận tải, về đóng gói, ...) trong khoảng thời gian nhất định từ khi nhận được yêu cầu. Việc trao đổi thông tin, chứng từ nói trên không khiến Thành viên được yêu cầu phải thay đổi hình thức tờ khai hoặc thủ tục của mình, yêu cầu các chứng từ khác ngoài bộ hồ sơ hải quan, thay đổi thời gian lưu trữ tài liệu, cung cấp những thông tin mật hay phải dịch thông tin/tài liệu đó. Thông tin/tài liệu trao đổi phải phục vụ đúng mục đích đề cập trong yêu cầu, và không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng hình sự/tư pháp nếu không được cho phép. Việc trao đổi thông tin phải đảm bảo không trái với luật pháp quy định và không được ảnh hưởng đến chủ quyền, an ninh, lợi ích đáng kể,... Mỗi Thành viên phải thông báo về đầu mối liên hệ để trao đổi. Thời hiệu gửi yêu cầu sau khi xuất khẩu hoặc nhập khẩu lô hàng liên quan. Các trường hợp từ chối cung cấp, nghĩa vụ và trách nhiệm của Bên yêu cầu và Bên được yêu cầu cung cấp thông tin cũng như mối quan hệ với nội dung này trong các Hiệp định song phương hoặc khu vực khác.

 

PHẦN II:  ĐỐI XỬ ĐẶC BIỆT VÀ KHÁC BIỆT ĐỐI VỚI NHỮNG THÀNH VIÊN ĐANG VÀ CHẬM PHÁT TRIỂN

 Phần II gồm những quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt đối với những thành viên đang và chậm phát triển trong đó có vấn đề hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên đang và chậm phát triển để thực hiện các cam kết của Hiệp định. Cụ thể gồm những nội dung chủ yếu sau:

Điều 13: Nguyên tắc chung: Phần II chỉ áp dụng cho thành viên đang và chậm phát triển; Việc hỗ trợ trên cơ sở phạm vi và tính chất yêu cầu; Việc gia hạn và tiến độ thực hiện liên quan khả năng thực hiện, khi thiếu những khả năng thực hiện cần thiết  thì chỉ yêu cầu thực hiện khi đã có được khả năng này.  Thực hiện tùy theo các nhu cầu và năng lực thể chế và quản lý của thành viên chậm phát triển.

Điều 14: Phân nhóm các cam kết (Nhóm A: Thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Nhóm B: Thực hiện sau một thời gian ân hạn; Nhóm C: Thực hiện sau thời gian ân hạn và khi có được hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực). Thành viên tự xác định các nhóm cam kết.

Điều 15: Quy định nghĩa vụ thông báo và thực hiện các cam kết nhóm A  và thời hạn thông báo, giá trị pháp lý của thông báo.

Điều 16: Quy định nghĩa vụ thông báo thời hạn thực hiện dự kiến/chính thức  các cam kết nhóm B và C, và thời hạn thông báo với các nhóm thành viên khác nhau, giá trị pháp lý của thông báo

Điều 17: Cơ chế cảnh báo sớm: Gia hạn thời gian thực hiện nhóm B, C; số lần gia hạn.

Điều 18: thực hiện các cam kết nhóm B, C và cơ chế giải quyết trục trặc phát sinh (nếu có).

Điều 19: Chuyển đổi cam kết nhóm B sang C.

Điều 20: Khoảng thời gian ân hạn để áp dụng các Quy tắc và thủ tục về Giải quyết tranh chấp;

Điều 21: Điều khoản về hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính và xây dựng năng lực

Điều 22: Thông tin về hỗ trợ và ủng hộ cho xây dựng năng lực cần thông báo cho Ủy ban tạo thuận lợi thương mại của WTO.

 

PHẦN III: CÁC THỎA THUẬN THỂ CHẾ VÀ CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 23: quy định các thỏa thuận về thể chế theo đó sẽ thành lập Ủy ban Tạo thuận lợi nhằm quản lý và điều phối việc thực hiện Hiệp định, sự tham gia của các Thành viên vào Ủy ban. Ủy ban này sẽ rà soát việc thực hiện Hiệp định sau 4 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng đối với các quốc gia, nhằm thực hiện hiệp định có hiệu quả hơn nữa, mỗi nước nên thành lập một Ủy ban tTạo thuận lợi quốc gia hoặc cơ cấu tương đương.

Điều 24: Điều khoản cuối cùng: Qui định tính ràng buộc của các cam kết, yêu cầu thực hiện, thời điểm bắt đầu thực hiện, các chủ thể (gồm cả các liên minh hải quan) thực hiện  các phần nội dung liên quan, quan hệ với các hiệp định khác của WTO, xử lý các trường hợp ngoại lệ, giải quyết tranh chấp, qui định bảo lưu, các nhóm cam kết đã được  chấp nhận là phần hợp thành của Hiệp định.