Tin tức

Thái Lan đã tận dụng tốt cơ hội từ RCEP như thế nào?

11/07/2022    196

6 tháng sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, Thái Lan đã dần nhận thấy lợi ích lan tỏa trong mỗi ngành hàng khi tận dụng tốt các cơ hội mới mà thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới mang lại.

Được gọi là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, bởi Hiệp định giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand và Australia có tổng giá trị GDP chiếm tới gần 30% GDP của thế giới. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa tự do thương mại, dỡ bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan giữa các quốc gia thành viên. Hiệp định này cũng giúp nâng cao môi trường kinh doanh thông qua các quy định liên quan bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp. RCEP cũng được trông đợi sẽ trở thành động lực giúp thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực ASEAN vào năm 2022.

Thái Lan là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn RCEP vào tháng 10/2021 và thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trong bối cảnh áp lực khó khăn hậu đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng cao, Chính phủ Thái Lan hy vọng RCEP sẽ đóng góp nhiều lợi ích vào sự phục hồi kinh tế của đất nước, đồng thời giúp nước này trở thành một đối tác năng động, đầy tiềm năng trong dài hạn.

Hưởng lợi từ RCEP

Trang Asia Briefing tổng kết, từ trái cây, rau quả, hàng dệt may, xe hơi và phụ tùng xe hơi - đều nằm trong những mặt hàng của Thái Lan được hưởng lợi ban đầu theo RCEP - đã chứng kiến sự tăng đột biến vào đầu năm nay.

Dữ liệu trong quý đầu tiên của năm 2022 cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan duy trì đà tăng trưởng mạnh, với kim ngạch xuất khẩu của tháng 3 đạt mức cao nhất trong vòng 30 năm qua, đưa tổng lượng xuất khẩu của nước này trong quý tăng 14,9% so cùng kỳ năm trước.

Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan được thông quan trong tháng 3/2022 tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 28,8 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 1991. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của nước này cũng tăng 18%, đạt 27,4 tỷ USD, giúp Thái Lan đạt thặng dư thương mại 1,45 tỷ USD, theo thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan.

Trong quý đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng trưởng 14,9%, đạt 73,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu tăng 18,4% đạt 74,5 tỷ USD, tạo ra thâm hụt thương mại 944 triệu USD. Như vậy, giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực hàng hóa (không bao gồm vàng, các sản phẩm liên quan tới dầu mỏ và vũ khí) của Thái Lan đã liên tục đạt tăng trưởng trong 13 tháng liên tiếp.

Các sản phẩm xuất khẩu được ghi nhận có mức tăng mạnh trong tháng 3 bao gồm các loại hàng hóa được hưởng lợi từ giá xăng dầu và một số hàng hóa khác tăng như: Sắt, thép, dầu thô, dầu tinh luyện, hóa chất, nhựa dẻo, lốp cao su và các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm. Ngoài ra, một số loại hàng hóa khác cũng có mức xuất khẩu tăng mạnh như: Thiết bị gia dụng, máy tính, tivi, điện thoại cũng như các sản phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19.

Trong đó, xuất khẩu của Thái Lan theo RCEP đã tăng hơn 200 phần trăm trong tháng thứ 2, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, giá trị xuất khẩu ước tính từ các đơn đăng ký của các nhà xuất khẩu Thái Lan đang tìm cách hiện thực hóa các quyền lợi của mình theo RCEP là 1,16 tỷ Baht (35 triệu USD). Đáng chú ý, nếu tháng 1 con số mới chỉ là 277,84 triệu Baht, nhưng đến tháng 2 đã tăng lên 887,67 triệu Baht.

Giá trị xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan được cấp chứng chỉ theo RCEP là sang Nhật Bản, với tổng trị giá 540,36 triệu Baht. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu là cá đóng hộp, sau đó là rau đóng hộp và hàng dệt may. Trung Quốc là nhà nhập khẩu hàng hóa Thái Lan cao thứ hai theo RCEP với 453,95 triệu Baht và Hàn Quốc đứng thứ ba với giá trị xuất khẩu 171,21 triệu Baht.

Dự tính trong năm 2022, trong số các nước thành viên RCEP, thặng dư thương mại lớn nhất của Thái Lan là với Việt Nam (khoảng 7,2 tỷ USD) và thâm hụt thương mại lớn nhất của nước này là với Trung Quốc (26,8 tỷ USD).

Ngoài ra, việc cắt giảm thuế quan cùng với các thỏa thuận về sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử có khả năng thúc đẩy hoạt động thương mại thương mại điện tử quốc tế của Thái Lan trong khu vực. Các ngành có thể hưởng lợi từ thương mại điện tử bao gồm các sản phẩm thực phẩm, dệt may và điện tử. Tuy nhiên, lĩnh vực thương mại điện tử của Thái Lan chưa được phát triển so với nhiều quốc gia châu Á khác, tạo ra những thách thức về hậu cần cho các doanh nghiệp bán hàng qua các kênh như vậy.

Ngoài những lợi ích về thương mại, việc tăng cường tính minh bạch và giảm thiểu các quy định đầu tư không cần thiết sẽ giúp các nhà đầu tư Thái Lan thuận tiện hơn trong việc đầu tư tại các nước thành viên RCEP. Hiệp định này cũng sẽ giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Thái Lan trong các lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo và công nghệ cao, theo nhận định của Cục trưởng Cục Đàm phán thương mại Thái Lan Auramon Supthaweethumb.

Có RCEP vẫn hơn?

Trước khi tham gia RCEP, với tư cách là thành viên ASEAN, Thái Lan đã tham gia Khu vực Thương mại tự do ASEAN và các hiệp định thương mại tự do với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Do những thỏa thuận đã có từ trước này, tác động của RCEP đối với Thái Lan có thể sẽ ít khác biệt hơn so với khi được xem xét một cách riêng biệt. Ví dụ, khoảng 85-90% sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã được miễn thuế ở Thái Lan.

Do Thái Lan đã có các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nên các nước này đã đồng ý giảm thuế quan bổ sung cho Thái Lan trong các cuộc đàm phán RCEP.

Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho 653 mặt hàng Thái Lan, tăng từ 33 mặt hàng trong các cuộc đàm phán trước đó. Các mặt hàng bao gồm hạt tiêu, các sản phẩm dứa đã qua chế biến, nước dừa, tivi, phụ tùng ô tô và giấy. Trung Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với dứa ướp hương liệu, nước ép dứa, nước dừa và cao su tổng hợp từ 7,5-15% xuống 0% trong vòng 20 năm, và các phụ tùng ô tô (bao gồm thiết bị điện chiếu sáng hoặc tín hiệu và bộ điều chỉnh kính chắn gió)… từ 10% xuống 0% trong vòng 10 năm.

Nhật Bản sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều loại nông sản và thực phẩm của Thái Lan. Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với các loại rau (như cà chua, đậu, măng tây và bột tỏi) từ 9-17% xuống 0% trong vòng 16 năm, dứa đông lạnh từ 23,8% xuống 0% trong vòng 16 năm và cà phê rang từ 12% xuống 0% trong vòng 16 năm.

Hàn Quốc sẽ cắt giảm thuế đối với nhiều loại nông sản và thực phẩm của Thái Lan. Hàn Quốc sẽ giảm thuế đối với trái cây tươi, khô và đông lạnh từ 45% xuống 0% trong vòng 10-15 năm, nước ép dứa từ 50% xuống 0% trong vòng 10 năm và các sản phẩm thủy sản từ 10-35% xuống 0% trong vòng 15 nhiều năm.

Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế theo RCEP sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho nhiều loại sản phẩm của Thái Lan ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thái Lan hiện có thặng dư thương mại với hầu hết các nước ASEAN, cũng như Australia và New Zealand, nhưng lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

RCEP sẽ đưa ra các biện pháp cắt giảm thuế quan bổ sung và một khuôn khổ thương mại tiêu chuẩn hóa trên toàn khu vực nhằm kích thích thương mại và đầu tư hơn nữa. Thương mại của Thái Lan với các nước tham gia RCEP đạt khoảng 269 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn từ 2016-2019, chiếm khoảng 60% tổng thương mại của nước này.

Bộ Thương mại Thái Lan ước tính, 39.366 mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế quan theo RCEP, trong đó 29.891 mặt hàng sẽ được giảm thuế trong giai đoạn đầu của thỏa thuận. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ có 11.104 mặt hàng, Nhật Bản 8.216, Trung Quốc 7.491, New Zealand 6.866 và Australia 5.689 mặt hàng. Ngoài ra, RCEP thiết lập các khuôn khổ hợp tác về thương mại và đầu tư, bao gồm cả liên quan đến sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử.

RCEP giúp tăng cường thương mại và đầu tư với nhiều đối tác kinh tế quan trọng của Thái Lan ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhìn chung, RCEP sẽ cắt giảm 91% thuế quan giữa các nước tham gia, trong đó nhiều khoản thuế quan sẽ được cắt giảm ngay lập tức trong giai đoạn đầu của hiệp định, trong khi các đợt cắt giảm khác sẽ được áp dụng dần dần trong khoảng thời gian lên đến 20 năm.

RCEP có thể sẽ làm tăng cả tổng thương mại và tỷ trọng thương mại của Thái Lan với các nước RCEP. Điều này sẽ được hỗ trợ bởi quy tắc hài hòa về điều khoản xuất xứ của RCEP, cho phép các nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ RCEP được tính là địa phương khi sản xuất thành phẩm. Các điều khoản này sẽ khuyến khích tìm nguồn cung ứng từ bên trong các quốc gia RCEP, cho phép các doanh nghiệp yêu cầu các ưu đãi và thuế quan tốt hơn trong khi giảm chi phí tuân thủ và quản lý chuỗi cung ứng.

Tất nhiên, cơ hội và lợi ích, bao giờ cũng đi kèm với khó khăn và thách thức, khi chấp nhận tham gia RCEP, Thái Lan đã chấp nhận đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước thành viên khác, đặc biệt là các nước có các sản phẩm tương tự.

Thái Lan cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức khi cạnh tranh với Trung Quốc về các sản phẩm chế tạo có giá cả phải chăng. Hay việc cắt giảm thuế quan đối với các sản phẩm tiên tiến từ Nhật Bản và Hàn Quốc có nguy cơ tạo ra những trở ngại trong nỗ lực của Thái Lan để tăng chuỗi giá trị. Theo đó, trong khi xuất khẩu của Thái Lan sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có thể tăng theo RCEP, nhưng thâm hụt thương mại với các nước này - đặc biệt là Trung Quốc - cũng có thể tăng lên...

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam