Giới thiệu biểu thuế nhập khẩu Hoa Kỳ

14/02/2009    18819
Biểu thuế nhập khẩu (hay còn gọi là biểu thuế quan) HTS hiện hành của Hoa Kỳ được ban hành trong Luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 và có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 1989.
Hệ thống thuế quan (thuế nhập khẩu) của Hoa Kỳ được xây dựng trên cơ sở hệ thống thuế quan (gọi tắt là HS) của Hội đồng Hợp tác Hải quan, một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tai Bruxen. Mức thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ có thể thay đổi và được công bố hàng năm.

Các loại thuế 

Thuế theo trị giá: Hầu hết các loại thuế quan của Hoa Kỳ được đánh theo tỷ lệ trên giá trị, tức là bằng một tỷ lệ phần trăm trị giá giao dịch của hàng hoá nhập khẩu. Ví dụ mức thuế tối huệ quốc năm 2004 đối với chè xanh có hương vị đóng gói không quá 3 kg/gói là 6,4%.

Thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng: Một số hàng hoá, chủ yếu là nông sản và hàng sơ chế phải chịu thuế theo trọng lượng hoặc khối lượng. Loại thuế này chiếm khoảng 12% số dòng thuế trong biểu thuế HTS của Hoa Kỳ. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với cam là 1,9 cent/kg, đối với nho tươi trong khoảng 1,13 – 1,80 USD/m3 hoặc được miễn thuế tùy thời điểm nhập khẩu trong năm. (Xem thêm phần về Thuế Thời vụ dưới đây.)   

Thuế gộp: Một số hàng hóa phải chịu gộp cả thuế theo giá trị và thuế theo số lượng. Hàng phải chịu thuế gộp thường là hàng nông sản. Ví dụ thuế suất MFN đối với nấm mã HTS 0709.51.01 áp dụng cho năm 2004 là 8,8 cent/kg + 20%.

Thuế theo hạn ngạch: Ngoài ra, một số loại hàng hoá khác phải chịu thuế hạn ngạch. Hàng hoá nhập khẩu nằm trong phạm vi hạn ngạch cho phép được hưởng mức thuế thấp hơn, trong khi đó hàng nhập vượt quá hạn ngạch phải chịu mức thuế cao hơn nhiều và có hệ quả như cấm nhập khẩu. Mức thuế MFN năm 2002 áp dụng đối với số lượng trong hạn ngạch bình quân là 9%, trong khi đó mức thuế đối với số lượng vượt hạn ngạch trung bình là 53%. Thuế hạn ngạch hiện nay đang được áp dụng với thịt bò, các sản phẩm sữa, đường và các sản phẩm đường. 

Thuế theo thời vụ: Mức thuế đối với một số loại nông sản có thể thay đổi theo thời điểm nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 đối với nho tươi nhập khẩu trong thời gian từ 15 tháng 2 đến hết ngày 31 tháng 3 là 1,13 USD/m3, trong thời gian từ 1 tháng 4 đến hết 30 tháng 6 là 1,80 USD/m3, và ngoài những thời gian trên được miễn thuế.

Thuế leo thang: Một đặc điểm nữa của hệ thống thuế nhập khẩu của Hoa kỳ là áp dụng thuế suất leo thang, nghĩa là hàng càng chế biến sâu thì thuế suất nhập khẩu càng cao. Ví dụ, mức thuế FMN đối với cá tươi sống hoặc ở dạng philê đông lạnh là 0%, trong khi đó mức thuế đối với cá khô và xông khói là từ 4% đến 6%. Loại thuế này cá tác dụng khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu và hàng sơ chế hơn là hàng thành phẩm.

Các mức thuế 

Mức thuế tối huệ quốc (MFN), hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường (NTR), được áp dụng với những nước thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Việt Nam. Mức thuế tối huệ quốc (MFN) nằm trong phạm vi từ dưới 1% đến gần 40%, trong đó hầu hết các mặt hàng chịu mức thuế từ 2% đến 7%. Hàng dệt may và giầy dép thường chịu mức thuế cao hơn. Mức thuế MFN theo giá trị nói chung bình quân khoảng 4%. Mức thuế MFN được ghi trong cột “General” của cột 1 trong biểu thuế nhập khẩu (HTS) của Hoa Kỳ. 

Mức thuế phi tối huệ quốc (Non-MFN) được áp dung đối với những nước chưa phải là thành viên WTO và chưa ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Lào, Cuba, Bắc Triều Tiên. Thuế suất Non-MFN nằm trong khoảng từ 20% đến 110%, cao hơn nhiều lần so với thuế suất MFN. Mức thuế Non- FMN được ghi trong cột 2 của biểu thuế HTS của Hoa Kỳ. 

Mức thuế áp dụng với Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hàng hoá nhập khẩu từ Canada và Mexico được miễn thuế nhập khẩu hoặc được hưởng thuế suất ưu đãi thấp hơn mức thuế MFN. Ví dụ, mức thuế MFN năm 2004 áp dụng chung với dưa chuột chế biến là 9,6%, trong khi đó nếu nhập khẩu từ Canada hoặc Mêxicô thì được miễn thuế. Thuế suất ưu đãi đối với hàng nhập từ Canada và Mêxicô được ghi ở cột “Special” của cột 1 trong biểu thuế HTS trong đó (CA) là ký hiệu dành cho Canada và (MX) là ký hiệu dành cho Mêxicô. 

Chế độ ưu đãi độ thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences - GSP). Một số hàng hoá nhập khẩu từ một số nước đang phát triển được Hoa kỳ cho hưởng GSP được miễn thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Chương trình GSP của Hoa kỳ thực sự được thực hiện từ 1 tháng 1 năm 1976 với thời hạn ban đầu là 10 năm. Từ đó đến nay, chương trình này đã được gia hạn nhiều lần với một số sửa đổi.

Theo luật Hoa Kỳ, Tổng thống bị cấm không được cho nước cộng sản hưởng GSP trừ phi (a) các sản phẩm của nước đó được hưởng đối xử không phân biệt (MFN); (b) nước đó là thành viên của WTO và là thành viên của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF); và (c) nước đó không bị thống trị hoặc chi phối bởi cộng sản quốc tế. 

Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của Đại diện Thương mại Hoa kỳ (USTR) sau khi tham khảo ý kiến công chúng, Uỷ ban Thương mại Hoa kỳ (ITC), và các cơ quan hành pháp; Tổng thống quyết định những mặt hàng và những nước đựợc hưởng GSP. Để đuợc miễn thuế nhập khẩu theo chế độ ưu đãi này, (1) hàng phải được nhập trực tiếp từ nước hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ và (2) trị giá hàng hoá được tạo ra tại nước hưởng lợi phải đạt ít nhất 35%.

Hiện nay, có khoảng 3.500 sản phẩm từ trên 140 nước và vùng lãnh thổ được hưởng ưu đãi này của Hoa kỳ, trong đó không có Việt nam. Không phải tất cả các nước được hưởng GSP được hưởng chung một danh mục hàng hóa GSP như nhau. Những hàng hoá được hưởng GSP của Hoa kỳ bao gồm hầu hết các sản phẩm công nghiệp và bán công nghiệp, một số mặt hàng nông thuỷ sản, và các nguyên liệu công nghiệp.

Những mặt hàng không được đưa vào diện hưởng GSP bao gồm một số mặt hàng hàng dệt may; đồng hồ; các mặt hàng điện tử nhập khẩu nhậy cảm; các mặt hàng thép nhập khẩu nhậy cảm; giầy dép, túi xách tay, các loại bao ví dẹt, găng tay lao động, và quần áo da; và các sản phẩm thuỷ tinh bán công nghiệp và công nghiệp nhập khẩu nhậy cảm.

Mức thuế ưu đãi GSP được ghi ở cột “Special” của cột 1 trong biểu thuế HTS và có ký hiệu là A và A+, trong đó A+ có nghĩa là mặt hàng này nếu được nhập quá nhiều vào Mỹ từ một nước thì nước đó sẽ bị mất ưu đãi GSP đối với mặt hàng đó.

Các thông tin chi tiết về GSP, danh mục các sản phẩm và các nước được hưởng GSP của Hoa Kỳ có trên trang web http://www.ustr.gov/reports/gsp/ của Đại diện thương mại Hoa kỳ.

Sáng kiến Khu vực Lòng chảo Caribê (Caribbean Basin Initiative - CBI). Điểm mấu chốt của CBI là cho phép Tổng thống quyền đơn phương dành ưu đãi thương mại cho hàng nhập khẩu từ các nước và lãnh thổ nằm trong khu vực Lòng chảo Caribê để hỗ trợ cho các nước và vùng lãnh thổ này phục hồi và phát triển kinh tế. Sáng kiến này được thể hiện trong các luật của Hoa Kỳ như: Luật Phục hồi Kinh tế Khu vực Lòng chảo Caribê ban hành tháng 8 năm 1983 (hay còn gọi là CBI I), Luật Mở rộng Phục hồi Kinh tế Khu vực Lòng chảo Caribê năm 1990 (hay còn gọi là CBI II), và Luật Hợp tác Thương mại Khu vực Lòng chảo Caribê, có hiệu lực tháng 10 năm 2000 (hay còn gọi là CBI III).

Kể từ CBI I đến CBI III hiện nay, những ưu đãi thương mại mà Hoa kỳ đơn phương dành cho các nước và lãnh thổ được hưởng lợi ngày càng nhiều và lớn hơn. Hiện nay, có 24 nước và vùng lãnh thổ được hưởng lợi của CBI. Hầu hết các sản phẩm có xuất xứ từ những nước và vùng lãnh thổ này được nhập khẩu vào Hoa kỳ không bị hạn chế về số lượng và được miễn thuế. CBI III đã bổ xung một số loại hàng dệt may vào danh mục hưởng lợi (không bị hạn chế số lượng và được miễn thuế), số còn lại vẫn chịu sự điều tiết của các hiệp định dệt may song phương. Các nhóm hàng chưa được miễn thuế hoàn toàn, song được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn mức MFN bao gồm: giầy dép, túi xách tay, túi hành lý, các loại túi ví dẹt, găng tay lao động, quần áo da. 

Để được hưởng ưu đãi theo CBI, hàng hoá phải đáp ứng 3 yêu cầu xuất xứ: (1) Phải được nhập trực tiếp từ một nước được hưởng lợi vào lãnh thổ hải quan Hoa Kỳ; (2) Phải chứa ít nhất 35% hàm lượng nội địa của một hoặc nhiều nước hưởng lợi (hàm lượng nguyên liệu xuất xứ Hoa kỳ chiếm tới 15% tổng trị giá hàng hoá cũng có thể tính vào yêu cầu 35% này), và (3) Hàng hóa phải là sản phẩm được trồng, sản xuất hoặc chế tạo hoàn toàn ở nước hưởng lợi hoặc nếu có nguyên liệu nước ngoài thì nó phải được biến đổi thành sản phẩm mới hoặc khác ở nước hưởng lợi.

Mức thuế ưu đãi theo Luật này được ghi ở cột “Special” thuộc cột 1 của biểu thuế HTS và có ký hiệu là E và E+, trong đó E+ có ý nghĩa tương tự như A+. 

Luật uu đãi thương mại Andean (Andean Trade Preference Act - ATPA) được ban hành tháng 12 năm 1991 nhằm hỗ trợ các nước Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru trong cuộc chiến chống sản xuất và buôn lậu ma tuý bằng cách phát triển kinh tế. Theo Luật này, hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ những các nước Adean vào Hoa Kỳ được giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu, trong đó có khoảng 6.300 sản phẩm được miễn thuế hoàn toàn.

ATPA được thay thế bằng Luật Xúc tiến Thương mại và Xoá bỏ Ma tuý (ATPDEA) được ban hành tháng 8 năm 2002 là một phần của Luật Thương mại năm 2002.  ATPDEA đã mở rộng diện các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu. ATPDEA có hiệu lực đến 31 tháng 12 năm 2006. Tổng thống Hoa Kỳ có thể huỷ hoặc tạm ngừng quyền hưởng lợi, hoặc huỷ, tạm ngừng hoặc thu hẹp một số lợi ích của một nước nào đó nếu như nước này không thỏa mãn các tiêu chuẩn hưởng lợi đặt ra trong Luật.

Bốn nước Adean nói trên cũng được hưởng GSP, song diện mặt hàng được ưu đãi theo ATPA rộng hơn GSP và qui định về xuất xứ trong ATPA cũng rộng rãi hơn. Ví dụ, nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Puerto Rico, Virgin Islands thuộc Mỹ, và các nước hưởng lợi của Luật Phục hồi Kinh tế Khu vực Lòng chảo Caribê có thể được tính vào yêu cầu 35% trị giá gia tăng nội địa. Những mặt hàng không được ưu đãi theo Luật ATPA và ATPDEA cũng tương tự như những mặt hàng không được hưởng lợi theo CBI.

Mức thuế ưu đãi theo Luật này được ghi ở cột “Special” thuộc cột 1 của biểu thuế HTS và có ký hiệu là J và J+, trong đó J+ có ý nghĩa tương tự như A+ và E+.

Luật Hỗ trợ Phát triển Châu Phi (African Growth and Opportunity Act - AGOA). Luật này cho phép gần như toàn bộ các hàng hoá của 38 nước Châu Phi được nhập khẩu vào Hoa Kỳ miễn thuế và không bị hạn chế về số lượng. Chính quyền Mỹ đang đề nghị Quốc hội gia hạn hiệu lực của Luật này khi hết hạn vào năm 2008.

Mức thuế ưu đãi theo Luật này được ghi ở cột “Special” thuộc cột 1 của biểu thuế HTS và có ký hiệu là D.

Các hiệp định thương mại tự do song phương. Tính đến hết tháng 1 năm 2004, Hoa Kỳ đã ký hiệp định thương mại tự do song phương với Israel (1985), Jordan (2000), Singapore (2002), Chi lê (2002), và Australia (2004). Hoa Kỳ đang tiếp tục đàm phán các hiệp định tương tự với nhiều khu vực và nước trên thế giới, trong đó có khu vực mậu dịch tự do toàn Châu Mỹ. Nhìn chung, hàng hoá nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ những nước có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ đều được miễn thuế nhập khẩu hoặc có mức thuế thấp hơn nhiều so với mức thuế MFN.

Mức thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do này được ghi ở cột “Special” của cột 1 của Biểu thuế HTS và có ký hiệu là IL (đối với hàng nhập từ Israel), JO (đối với hàng nhập từ Jordan), SG (đối với hàng nhập từ Singapore), CL (đối với hàng nhập từ Chilê) 
Các ưu đãi thuế quan khác. Hoa Kỳ còn dành ưu đãi thuế quan cho những hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ thuộc diện hưởng lợi của Luật Thương mại các Sản phẩm Ô tô (được ký hiệu trong biểu thuế là B), Hiệp định Thương mại Máy bay Dân dụng (được ký hiệu trong biểu thuế là C), Hiệp định Thương mại các Sản phẩm Dược (được ký hiệu trong biểu thuế là K), và những cam kết giảm thuế của Vòng Uruguay  đối với hoá chất nguyên liệu trực tiếp của thuốc nhuộm (được ký hiệu trong biểu thuế là L). Những ưu đãi thuế này cũng được ghi trong cột “Special” của cột 1 của biểu thuế HTS.

Các mặt hàng kim loại chế biến ở nước ngoài từ kim loại mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ. Hàng lắp ráp từ các bộ phận mua của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Hoa Kỳ được miễn thuế nhập khẩu đối với phần trị giá mua của Hoa Kỳ.

Thách thức đối với Việt Nam
Tuy BTA đã và đang phát huy hiệu quả, song Việt Nam vẫn đang đứng trước một số bất lợi về thâm nhập thị trường. Trước khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực tháng 12 năm 2001, hàng của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải chịu mức thuế phân biệt đối xử (Non-MFN), cao hơn nhiều lần so với mức thuế tối huệ quốc (MFN). Đến nay, mặc dù Việt Nam đã được hưởng mức thuế MFN, song một số mặt hàng của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ vẫn phải chịu mức thuế cao hơn so với hàng cùng loại nhập từ một số nước và khu vực khác do Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do hoặc uu đãi thương mại đơn phương với những nước và khu vực này. Giải pháp duy nhất hiện nay để khắc phục khó khăn này là cải tiến quản lý sản xuất để hạ giá thành sản phẩm.
 
 
Bố cục biểu thuế nhập khẩu. Biểu thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ gồm 21 phần và 96 chương được bố cục thành 7 cột như mẫu dưới đây: 
 
Harmonized Tariff Schedule of the United States (2004)
Annotated for Statistical Purposes 
 
Heading/
Sub-heading
Stat-
Suf-
Fix
 
Article Decription
Unit
of Quantity
Rates of Duty
1
2
General
Special
 
0902
 
0902.10
 
 
 
0902.10.10
 
 
 
 
 
 
00
Tea, whether or not flavored
 
Green tea (not fermented) in immediate packings of a content not excceeding 3 kg:
 
Flavored .................
 
 
 
 
 
 
kg
 
 
 
 
 
 
6.4%
 
 
 
 
 
 
Free (A,  CA, CL, E,IL,J,JO,MX)
4.8% (SG)
 
 
 
 
 
 
 
20%
  • 2004 có nghĩa là mức thuế ghi trong biểu thuế được áp dụng cho năm 2004.
  • Cột Heading/Sub-heading là mã số hàng hoá đến 4 số, 6 số hoặc 8 số.
  • Cột Stat-Suf-Fix là mã số đuôi phục vụ cho mục đích thống kê của Hoa ày. Những mặt hàng không có mã số đuôi này thì hai số không (00) sẽ được thêm vào sau mã số 8 số.
  • Article Decription là mô tả hàng hóa.
  • Unit of Quantity là đơn vị số lượng (có thể là trọng lượng, hoặc khối lượng hoặc chiếc).
  • Mức thuế phi tối huệ quốc (Non-MFN) được ghi ở cột 2.
  • Mức thuế tối huệ quốc (MFN) được ghi ở cột “General” thuộc cột 1. . Mức thuế áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam hiện nay là mức thuế MFN ghi ở cột này.
  • Mức thuế ưu đãi được ghi ở cột “Special” thuộc cột 1. Trong mẫu biểu thuế trên ta thấy mức thuế phi tối huệ quốc năm 2004 đối với loại chè xanh (không lên men), đóng gói không quá 3 kg/gói là 20%, trong khi đó mức thuế tối huệ quốc đối với mặt hàng này chỉ là 6,4%.
  • Cột “Special” trong mẫu biểu thuế trên ghi Free (A, CA, CL, E, IL, J, JO, MX) 4,8% (SG) có nghĩa là hàng nhập từ các nước có ký hiệu A, CA, CL, IL, J, JO và MX được miễn thuế hoàn toàn, hàng nhập từ Singapore chịu mức thuế 4,8%.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ