1.    Giới thiệu chung về Trade Map

1.1.    Vì sao nên sử dụng công cụ Trade Map

Khi theo dõi thị trường thế giới nhằm tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp và các tổ chức xúc tiến thương mại thường gặp phải các câu hỏi sau:

-    Quy mô thị trường thế giới cho một loại hàng hóa cụ thể lớn đến mức nào?
-    Xu hướng thay đổi của thị trường đó ra sao? Ví dụ, thị trường đang tăng hay giảm? Tăng bao nhiêu?
-    Đối với một mặt hàng cụ thể, Việt Nam hiện đang có quan hệ thương mại với những quốc gia nào?
-    Liệu có thể tìm kiếm được thị trường mới hoặc thay thế những thị trường đã có không?
-    Khi tiếp cận thị trường một nước nhập khẩu cụ thể thì sẽ gặp phải những rào cản nào?
-    Đối với mỗi sản phẩm xuất khẩu, có những quốc gia nào đang cạnh tranh với Việt Nam trong việc cung cấp sản phẩm đó cho một nước nhập khẩu cụ thể hoặc cho toàn thế giới?

Các tổ chức xúc tiến thương mại thường phải xác định được các lĩnh vực và quốc gia nào mình cần chú trọng. Việc phân tích cụ thể các số liệu thống kê thương mại quốc tế sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam, đồng thời xác định được những mặt hàng và thị trường xuất khẩu cần được ưu tiên phát triển. Các câu hỏi thường gặp là:

-    Những sản phẩm và thị trường nào nên được ưu tiên xúc tiến thương mại?
-    Quốc gia nào xuất khẩu vào Việt Nam?
-    Liệu có thể tìm được các nguồn cung khác không?
-    Thực trạng xuất nhập khẩu của Việt Nam?
-    Những sản phẩm nào Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu sang một đối tác cụ thể?
-    Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và một (số) quốc gia khác?

Để trả lời những câu hỏi trên, Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC) đã xây dựng công cụ tra cứu Trade Map. Công cụ này nhằm giúp các doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến thương mại tìm hiểu và nghiên cứu các sản phẩm và thị trường chiến lược. 

Trade Map hệ thống hóa rất nhiều dữ liệu thương mại sơ cấp và trình bày dữ liệu dưới dạng tiện dụng, thân thiện với người dùng mà không cần mất thời gian cài đặt phần mềm. Trade Map cung cấp số liệu về xuất nhập khẩu và thuế quan của từng sản phẩm ở từng quốc gia. Người dùng có thể tra cứu nhu cầu của thị trường, các thị trường thay thế và cả các đối thủ cạnh tranh. Trade Map đưa thông tin dưới dạng bảng, biểu đồ, bản đồ và cho phép lọc dữ liệu xuất nhập khẩu theo hàng hóa, theo quốc gia, theo nhóm sản phẩm hoặc nhóm quốc gia. 

1.2.    Danh mục Hàng hóa, Nguồn dữ liệu của Trade Map

Danh mục Hàng hóa

Trade Map dựa trên Hệ thống Hài hòa (Harmonized System - HS). Hệ thống Hài hòa là một phương pháp phân loại và gọi tên sản phẩm do Tổ chức Hải Quan Thế giới (www.wcoomd.org) phát hành. Hệ thống này cho phép các quốc gia phân loại hàng hóa nhằm phục vụ mục đích hải quan. Ở cấp quốc tế, Hệ thống Hài hòa phân loại hàng hóa theo mã 6 số, bao gồm 21 phần, 99 chương và 5.300 nhóm và phân nhóm. Ở cấp quốc gia, hàng hóa được phân loại tiếp thành 8 hoặc 10 số - các quốc gia được tự do trong việc đưa ra phân loại chi tiết này. 

Nguồn thông tin đầu vào

Trade Map sử dụng rất nhiều nguồn thông tin đầu vào. Trước tiên, Trade Map dựa trên cơ sở dữ liệu lớn nhất thế giới về thống kê thương mại, COMTRADE, do Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD) lưu trữ - http://unstats.un.org/unsd/comtrade. COMTRADE bao gồm hơn 90% thương mại thế giới của khoảng 200 quốc gia. Trade Map còn có khả năng cung cấp dữ liệu của nhiều nước và các vùng lãnh thổ hơn nữa (khoảng 220) bằng cách sử dụng cả thống kê trực tiếp (báo cáo quốc gia) và gián tiếp. Dữ liệu được trình bày ở cấp độ 2, 4 hoặc 6 chữ số của hệ thống HS. 

Trade Map không chỉ cung cấp dữ liệu trực tiếp do các quốc gia báo cáo hàng năm, mà cả dữ liệu gián tiếp của khoảng 50 quốc gia (chủ yếu các nước có thu nhập thấp) mà không có báo cáo lên COMTRADE. Các thông tin thương mại của các quốc gia này được tính toán dựa trên cơ sở báo cáo của các quốc gia khác có quan hệ thương mại với họ, hoặc dựa trên thống kê gián tiếp (mirrors statistics). Mặc dù thống kê gián tiếp có nhiều nhược điểm, nhưng bù lại nó có thể cung cấp lượng lớn thông tin mà không thể tìm được ở bất kỳ một nguồn nào khác. Việc kết hợp giữa thống kê trực tiếp và gián tiếp này cho phép tính toán tốt nhất về thị trường toàn cầu của tất cả các loại sản phẩm. Trên trang web, dữ liệu gián tiếp sẽ được in màu da cam nhằm phân biệt với dữ liệu trực tiếp.

Trademap không chỉ cung cấp dữ liệu về giá trị thương mại (xuất nhập khẩu) mà còn bao gồm cả dữ liệu về thuế quan ở cấp độ 8 và 10 chữ số (cấp quốc gia) của hơn 120 quốc gia được cập nhật hàng năm và hơn 50 quốc gia cập nhật dữ liệu hàng quý hoặc hàng tháng (chủ yếu là các nước OECD). ITC thu thập dữ liệu thuế quan trực tiếp từ các cơ quan có thẩm quyền của những quốc gia này (Ví dụ từ Hải quan hay Bộ Thương mại)

Mức thuế quan được thể hiện trên Trade Map là thuế tính theo giá trị (Ad Valorem Equivalents) áp dụng bởi hơn 180 quốc gia. Những dữ liệu này được trích xuất từ cơ sở dữ liệu của Market Access Map. Chỉ cần nhấp chuột vào phần thuế giá trị tương đương, người đọc sẽ được kết đến trang web Market Access Map tại địa chỉ www.macmap.org. Market Access Map là một công cụ khác của ITC cung cấp các thông tin về các biện pháp tiếp cận thị trường, các hiệp định thương mại và quy tắc xuất xứ.

2.     Hướng dẫn sử dụng Trade Map

2.1.    Đăng ký 

Để sử dụng Trade Map, người dùng chỉ cần đăng ký một tài khoản bằng email trên trang web của ITC sau đó có thể đăng nhập và sử dụng tất cả các công cụ nghiên cứu thị trường của ITC, bao gồm Trade Map (Bản đồ Thương mại), Market Access Map (Bản đồ Tiếp cận Thị trường), Investment Map (Bản đồ Đầu tư), Trade Competitiveness Map (Bản đồ Cạnh tranh Thương mại), và Standards Map (Bản đồ Tiêu chuẩn).

Thông tin chi tiết về các công cụ trên có thể truy cập tại: https://marketanalysis.intracen.org  

 Đăng ký tài khoản sử dụng Trademap và các công cụ trên tại: https://mas-admintools.intracen.org/accounts/Registration.aspx

2.2.    Hướng dẫn sử dụng nhanh

ITC đã biên soạn một cẩm nang hướng dẫn sử dụng chi tiết công cụ Trade Map. Sau đó, Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI đã biên dịch cẩm nang này sang tiếng Việt, người đọc có thể truy cập tại:

http://trungtamwto.vn/an-pham/6335-cam-nang-huong-dan-su-dung-cong-cu-trade-map-cua-itc

Bước 1. Lựa chọn sản phẩm và nước

Sau khi đăng nhập, người dùng vào trang chủ của Trade Map tại link https://www.trademap.org và lựa chọn số liệu cần tìm là Imports (Nhập khẩu) hay Export (Xuất khẩu), loại sản phẩm là Service (Dịch vụ) hay Product (Hàng hóa). Sau đó lựa chọn loại sản phẩm trong ô trống đầu tiên, nước quan tâm trong ô tróng thứ hai, và đối tác thương mại của nước đó trong ô trống thứ ba (Hình 1).

Hình 1.

Bước 2. Lựa chọn loại thông tin tra cứu

Sau khi hoàn thành lựa chọn sản phẩm, nước quan tâm và đối tác, người dùng sẽ chọn loại thông tin tìm kiếm (Hình 1), bao gồm:

  • Trade Indicators (các chỉ tiêu thương mại):  cung cấp số liệu trao đổi thương mại (xuất hoặc nhập khẩu tùy theo lựa chọn ban đầu) của sản phẩm được lựa chọn, giữa hai nước được lựa chọn trong năm gần nhất có số liệu. Ngoài ra, phần này còn cung cấp số liệu thương mại của hai nước đó với thế giới. 
  • Yearly Time Series, Quarterly Time Series, Montly Time Series (Số liệu theo năm, quý hoặc tháng): cung cấp số liệu trao đổi thương mại của nhiều năm, qua đó giúp người dùng có được cái nhìn tổng thể về tốc độ tăng giảm xuất/nhập khẩu sản phẩm liên quan giữa hai bên qua các năm/quý/tháng.

Bước 3. Tùy chỉnh loại thông tin và hình thức thể hiện theo nhu cầu

Khi bảng thông tin hiện ra theo các lựa chọn ở Bước 1 và 2, người dùng có thể tiếp tục thay đổi các lựa chọn theo nhu cầu nghiên cứu:

  • Sản phẩm: Người dùng có thể xem số liệu thương mại của các sản phẩm chi tiết đến từng cấp độ HS 2,4 và 6 số. Ngoài ra Trade Map cũng cung cấp số liệu cho nhóm sản phẩm, bao gồm: Nhóm sản phẩm làm từ bông, da và các ngành công nghiệp sáng tạo.
  • Nước: Người dùng có thể xem số liệu theo từng nước riêng lẻ hoặc theo một nhóm nước (như EU, ASEAN)
  • Các lựa chọn thông tin khác: người dùng cũng có thể lựa chọn đơn vị của số liệu là giá trị hay khối lượng, loại tiền tệ là USD hay các loại tiền tệ khác. 
  • Hình thức thông tin: Thông tin có thể được thể hiện dưới dạng bảng biểu, đồ thị hay bản đồ
  • Dạng download: Thông tin có thể download dưới các dạng file Excel, Word hoặc Text.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI