Tin tức

Châu Á đối mặt bài toán năng lượng khi phát triển trung tâm dữ liệu

06/05/2024    5

Nhiều quốc gia ở châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... đã và đang đẩy mạnh xây dựng các trung tâm dữ liệu. Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức lớn về bài toán năng lượng.

Nhật Bản đang vật lộn với mục tiêu khử cacbon khi sự phát triển nhanh chóng của các trung tâm dữ liệu đang làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng. Vấn đề này cũng trở thành thác thức đối với cả Hàn Quốc và Đông Nam Á, nơi thị trường trung tâm dữ liệu cũng đang phát triển mạnh.

Các công ty dịch vụ đám mây đang gấp rút xây dựng các trung tâm dữ liệu để xử lý và lưu trữ lượng thông tin khổng lồ phục vụ phát triển công nghệ của các quốc gia. Mặc dù cơ sở hạ tầng cũng cần thiết để hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên điều này đòi hỏi một lượng điện lớn, vừa để xử lý dữ liệu, vừa để giữ cho phần cứng được làm mát.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính vào tháng 1/2024 rằng nhu cầu sử dụng năng lượng toàn cầu cho các trung tâm dữ liệu có thể tăng hơn gấp đôi từ năm 2022 đến năm 2026.

Theo Viện Nghiên cứu Điện lực Trung ương, một tổ chức nghiên cứu của Nhật Bản, mức tiêu thụ điện của các trung tâm dữ liệu ở Nhật Bản dự kiến sẽ tăng lên tới 105 terawatt/giờ vào năm 2040, tăng khoảng 5 lần so với 20 terawatt/giờ vào năm 2021 và có thể sẽ lên đến 211 terawatt/giờ vào năm 2050.

Hàn Quốc cũng phải đối mặt với thách thức tương tự. Số lượng trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng mạnh trong nước khi các công ty công nghệ trong nước và toàn cầu, bao gồm Naver, Kakao và Equinix, đều đang gấp rút thành lập các trung tâm dữ liệu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về điện toán AI.

Theo dữ liệu của chính phủ, Hàn Quốc dự kiến sẽ có 732 trung tâm dữ liệu vào năm 2029, tăng gấp 5 lần so với năm 2022. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã đưa ra quan ngại rằng việc tập trung các trung tâm dữ liệu ở khu vực Greater Seoul có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện.

Các công ty công nghệ nước ngoài như Microsoft, Amazon Web Services và Oracle dự kiến sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Nhật Bản và Đông Nam Á trong những năm tới. Theo các chuyên gia nghiên cứu công nghệ thông tin IDC Nhật Bản, các nhà khai thác trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực AI trong năm 2024, và mức chi tiêu này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2027.

IDC cho biết, các máy chủ AI, vốn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn các máy chủ thông thường, đang ngày càng được triển khai nhiều hơn và là yếu tố giúp tăng công suất trung tâm dữ liệu. Theo cơ quan bất động sản thương mại Cushman và Wakefield, nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng lên trên khắp châu Á.

Tại Singapore, công suất hoạt động của trung tâm dữ liệu dự kiến sẽ vượt quá 1 gigawatt trong năm nay, trong khi các thị trường ở Tokyo, Mumbai và Sydney đang trên đà vượt quá 2 gigawatt trong vòng 5 đến 7 năm tới. Cơ quan này cho biết thêm, bang Johor của Malaysia đang trải qua tình trạng “lan tỏa” nguồn cung cấp trung tâm dữ liệu từ nước láng giềng Singapore, nằm ngay phía Nam.

Hiện nay, các nước trong khu vực đang cân nhắc làm thế nào để bổ sung nguồn năng lượng sạch để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể đầu tư xanh vào năm 2023, tuy nguồn vốn vẫn còn thấp song tập trung nhiều vào các dự án trung tâm dữ liệu xanh.

Trên thực tế, Malaysia và Singapore nằm trong số các quốc gia Đông Nam Á đã giúp thúc đẩy đầu tư lớn vào các trung tâm dữ liệu xanh, nhằm mục đích tiết kiệm năng lượng và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn. 

Mặc dù vậy, bà Kimberly Tan, người đứng đầu bộ phận đầu tư tại GenZero, cho biết năng lượng tái tạo chiếm chưa đến 10% nguồn cung cấp năng lượng của khu vực. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư vào năng lượng hóa thạch cao hơn khoảng 5 lần so với đầu tư vào năng lượng tái tạo. 

“Với tốc độ phát triển của công nghệ trong khu vực, việc tăng tốc nỗ lực của các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư là điều bắt buộc để Đông Nam Á đảm bảo nguồn cung năng lượng nhưng vẫn thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững”, bà Tan lưu ý.

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp