Tin tức

Mỹ - Trung "bắt tay" kiểm soát kinh tế xanh?

08/04/2024    13

Bộ trưởng Tài chính Mỹ sử dụng thuật ngữ "phát triển cân bằng" để thuyết phục Trung Quốc cắt giảm công suất xe điện, pin xe điện và tấm năng lượng mặt trời…

Sau cuộc gặp với giới chức Bắc Kinh, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen tuyên bố: Trung Quốc và Mỹ sẽ tổ chức đàm phán về tăng trưởng kinh tế cân bằng, trước hết nhằm giải quyết mối lo về câu chuyện dư thừa công suất ở Trung Quốc.

Trong một tuyên bố đưa ra khi kết thúc hội kiến dài hơn 4h đồng hồ với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong, bà Yellen cho biết: “các cuộc trao đổi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc thảo luận xung quanh sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô, bao gồm cả mối liên quan của chúng với tình trạng dư thừa công suất và tôi dự định tận dụng cơ hội này để ủng hộ một sân chơi bình đẳng cho người lao động và các doanh nghiệp Mỹ”.

Như đã nhận định, phía Mỹ muốn thuyết phục Trung Quốc giải quyết tình trạng dư thừa năng suất trong lĩnh vực xe điện, pin xe điện và tấm năng lượng mặt trời. Bởi Mỹ và phương Tây dường như không đủ năng lực cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Điều này cũng có nghĩa rằng, Nhà trắng đã chủ động ngăn ngừa “cuộc chiến thương mại”. Dường như ông Joe Biden muốn làm hài lòng giới kinh doanh Mỹ trước thềm bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 này?

Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận, sẽ ảnh hưởng ra sao đến các quốc gia còn lại?

Thứ nhất, thực ra giới doanh nghiệp Mỹ muốn “bắt tay” cùng Trung Quốc giữ giá xe điện và thiết bị ngành công nghiệp năng lượng “sạch” - một xu hướng lớn hiện hành. Như vậy, trước mắt người tiêu dùng và nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ chịu thiệt thòi.

Người tiêu dùng ở Việt Nam, Đông Nam Á cũng như khắp thế giới bị hạn chế cơ hội tiếp cận phương tiện giá rẻ. Ví dụ, mẫu xe điện Seagull rẻ nhất của BYD chỉ có giá 9.700 USD/chiếc, nhưng mẫu xe rẻ nhất của Tesla bán bại Mỹ đã là 25.000 USD/chiếc.

Xe điện chỉ là lát cắt nhỏ. Hệ sinh thái kinh tế “xanh” rộng lớn hơn - cần nguồn cung linh kiện giá rẻ từ Trung Quốc. Để khởi động một start-up cung ứng dịch vụ lắp đặt hệ thống điện tái tạo, các nhà sản xuất Trung Quốc đưa ra mức giá khoảng 30 triệu nhân dân tệ, tương đương 500.000 USD.

Dĩ nhiên, không thể trông chờ vào các nhà cung ứng châu Âu và Mỹ với mức giá hời như vậy! Nói đúng hơn, chuỗi cung ứng phương Tây được tạo ra để tìm kiếm giá trị thặng dư chứ không phải hỗ trợ phát triển một cách bền vững cho các nước nghèo.

Từ chiếc điện thoại Nokia đến smartphone của Apple; từ đôi giày Nike, chiếc áo pull Adidas đến cái thắt lưng Louis Vution,….cho dù được sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc nhưng rất đắt đỏ vì bị gắn mác “thương hiệu Tây”.

Thứ hai, về lâu dài nếu Trung Quốc tiết chế công suất sẽ có lợi cho chiến lược phát triển kinh tế “xanh” toàn cầu, giúp bảo vệ và khuyến khích làn sóng khởi nghiệp, giảm áp lực cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc.

Việc ngăn chặn cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ sẽ đảm bảo trật tự thương mại toàn cầu, duy trì môi trường ngoại thương bớt rủi ro vì phòng vệ thương mại. Nhưng liệu rằng, Bắc Kinh có dễ dàng “hãm phanh” thành tựu của mình?

Trong một bài xã luận hôm thứ Bảy tuần trước, Tân Hoa Xã cho biết, việc ngăn chặn các ngành công nghiệp liên quan đến xe điện của Trung Quốc sẽ không giúp Mỹ phát triển. Tờ báo này “phản pháo” lập trường của bà Yellen vào cuối ngày thứ Sáu, nói rằng việc đề cập đến “sự dư thừa năng lực của Trung Quốc” trong lĩnh vực năng lượng “sạch” đã tạo ra cái cớ cho các chính sách bảo hộ nhằm bảo vệ các công ty Mỹ...

Nguồn: Tạp chí diễn đàn Doanh nghiệp