Tin tức

Thị trường ô tô toàn cầu phân đôi vì sự trỗi dậy của Trung Quốc

03/04/2024    30

Hãng xe Nissan của Nhật Bản xác định các thị trường xuất khẩu thuận lợi bằng cách phân chia các nước trên thế giới thành 4 màu: đỏ, vàng, xám và xanh lá cây, dựa trên mức độ thân thiện của họ đối với xe của Trung Quốc, đặc biệt là xe điện. Chiến lược của Nissan là trường hợp điển hình cho thấy căng thẳng địa chính trị và thương mại ô tô giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đang khiến các hãng xe toàn cầu tính toán lại nơi sản xuất và bán sản phẩm của họ.

Chọn Trung Quốc làm điểm xuất khẩu ô tô sang những thị trường thân thiện

Sự trỗi dậy của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đang chia thị trường ô tô toàn cầu thành hai phần: một thị trường chào đón xe do Trung Quốc sản xuất và thị trường còn lại từ chối chúng.

Vào đầu năm nay, ban lãnh đạo của Nissan tụ họp tại trụ sở chính của công ty ở Yokohama, Nhật Bản và nhìn chằm chằm vào tấm bản đồ thế giới. Bản đồ đánh dấu thế giới theo 4 màu: màu đỏ dành cho các nước chặn xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc; màu vàng dành cho những nước có nguy cơ ngăn chặn chúng trong tương lai; màu xám được tô lên những nước có thể áp đặt một số hạn chế trong tương lai; và màu xanh lá cây đối với các nước không hạn chế hoặc có khả năng làm như vậy trong tương lai.

Mục đích là để xác định xem Nissan có nên tăng cường xuất xe, bao gồm cả xe điện sản xuất tại Trung Quốc hay không giữa lúc căng thẳng địa chính trị dâng cao. Các lãnh đạo của Nissan nhận thấy, khoảng 60% các nước trên thế giới được đánh giá là “xanh” hoặc “xám”. Nếu cả bao gồm các nước “vàng”, con số này cao hơn.

“Khi nhìn vào bản đồ này, bạn có thể thấy rằng 80% thị trường có thể đón nhận xe do Trung Quốc sản xuất”, Masashi Matsuyama, Chủ tịch chi nhánh của của Nissan tại Trung Quốc, nói.
Cuối cùng, Nissan quyết định thực hiện kế hoạch xuất khẩu từ Trung Quốc. Vào tháng 11 năm ngoái, nhà sản xuất ô tô này cho biết sẽ bắt đầu xuất khẩu từ Trung Quốc vào năm 2025, bao gồm cả xe thuần điện và xe lai sạc điện (hybrid). Tuy nhiên, Nissan không tiết lộ điểm đến chính xác của những chiếc xe đó.

Nissan đang hành động tương tự các hãng xe khác. Ford, Tesla và BYD đều tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc. Động thái của họ chỉ ra rằng yếu tố địa chính trị đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô, thúc đẩy các hãng xe cập nhật chiến lược về nơi họ sản xuất và bán sản phẩm.

Sự chia rẽ thị trường trong lĩnh vực ô tô toàn cầu diễn ra sau sự chia rẽ tương tự trong các lĩnh vực như công nghiệp viễn thông và internet khi thế giới ngày càng trở nên phân cực xung quanh hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.

Ngày càng nhiều hãng xe toàn cầu xem xét tăng cường xuất khẩu xe từ Trung Quốc, đặc biệt là xe điện, vì chi phí sản xuất ở nước này rẻ hơn. Tuy nhiên, họ chỉ nhắm vào một số điểm đến nhất định. Rất ít có khả năng xe do Trung Quốc sản xuất hiện diện rộng rãi ở thị trường Mỹ. Nhưng Đông Nam Á, Trung Đông và một số nơi khác là những thị trường đang phát triển nhanh chóng cho các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc.

Cảnh giác lệnh trừng phạt

Trong khi đó, các hãng xe Trung Quốc đang xây dựng nhà máy ở châu Âu, nơi họ đối mặt với cuộc điều tra chống trợ cấp. Họ cũng đang thiết lập nhà máy ở Mexico, để có thể để xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ mà không bị áp thuế cao.

Các hãng toàn cầu và Trung Quốc cũng đang trở nên thận trọng hơn về nơi mua một số công nghệ và linh kiện nhất định cũng như thị trường mà những chiếc xe có công nghệ và linh kiện đó có thể gia nhập. Mục đích là để tránh bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt hoặc hạn chế xuất khẩu tiềm ẩn trong tương lai.
Volkswagen, hãng xe nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, có kế hoạch giữ lại ở thị trường Trung Quốc một số công nghệ mà hãng phát triển tại đây, chẳng hạn như chip và phần mềm liên quan đến xe tự lái, để hạn chế hậu quả từ căng thẳng địa chính trị. Gần đây, hãng dừng nhập khẩu hàng nghìn xe sang có chứa linh kiện Trung Quốc bị trừng phạt vào Mỹ.

Trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh kêu gọi các hãng xe Trung Quốc tăng cường mua chip từ các nhà cung cấp trong nước, theo các nguồn thạo tin.

Đối với người tiêu dùng, họ có thể sẽ chứng kiến thị trường ô tô toàn cầu bị chia thành hai khu vực. Một khu vực ngày càng bị chi phối bởi xe điện công nghệ tiên tiến, chi phí thấp được sản xuất tại Trung Quốc và khu vực còn lại, có thể bao gồm cả Mỹ, với những chiếc xe đắt tiền hơn và tốc độ phổ cập xe điện chậm hơn.

“Công nghệ mới khó có thể mở rộng ở các thị trường trưởng thành như Mỹ, nơi thị trường ô tô ngày càng đứng biệt lập”, Bill Russo, CEO của Auto Mobility, một công ty tư vấn đầu tư và chiến lược, có trụ sở tại Thượng Hải, bình luận.

Trung Quốc đang trở thành ‘thủ phủ’ ô tô của châu Á

Tại Mỹ, do nhu cầu xe điện tăng chậm lại, một số hãng xe đã trì hoãn kế hoạch sản xuất xe điện. Tại Trung Quốc, thị trường xe điện lớn nhất thế giới, nhiều hãng xe đang đầu tư mạnh mẽ ngay cả khi thị trường trở nên đông đúc và nhiều nhà sản xuất đang thua lỗ.

Các lãnh đạo trong ngành cho biết, quá trình chuyển đổi sang điện của Trung Quốc vẫn đang diễn ra. Xe điện và các phương tiện chạy bằng pin khác chiếm 1/3 doanh số ô tô tổng thể của Trung Quốc, dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Bắc Kinh đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng tiến ra toàn cầu cũng như xuất khẩu nhiều hơn.

Nỗi lo thế giới tràn ngập ô tô nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đang gia tăng ở một số khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất toàn cầu, với khoảng 5 triệu xe bán ra nước ngoài. Các điểm đến lớn nhất bao gồm Mexico, Úc và Saudi Arabia.

Ô tô Trung Quốc hiếm khi được nhìn thấy ở Mỹ, do Washingon đang áp đặt mức thuế 25% đối với xe nhập khẩu từ Trung Quốc. Hồi tháng 2, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ mở một cuộc điều tra về công nghệ kết nối do nước ngoài sản xuất trên ô tô. Đây là nỗ lực nhằm ngăn chặn xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.

Dữ liệu của Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho thấy châu Âu là thị trường tiếp nhận nhiều xe điện do Trung Quốc sản xuất nhất trong năm 2023, chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị xuất khẩu xe điện 34 tỉ đô la Mỹ của nước này. Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc. Hồi đầu tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã tìm thấy đủ bằng chứng cho thấy xe điện Trung Quốc được trợ cấp. EC đang thực hiện các bước chuẩn bị cho việc áp dụng thuế chống trợ cấp có hiệu lực hồi tố.
Trung Quốc chỉ trích cuộc điều tra là “chủ nghĩa bảo hộ”, đồng thời kêu gọi Mỹ ngừng phân biệt đối xử với các hãng xe Trung Quốc.

Nhiều nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu từ Trung Quốc là các công ty bản địa như Chery Automobile và BYD. Cuối ngoái, BYD vượt qua Tesla để trở thành công ty bán xe điện nhiều nhất thế giới. Hãng xe này đang theo đuổi kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu đầy tham vọng. Các hãng xe toàn cầu cũng muốn định vị nhà máy của họ ở Trung Quốc như là trung tâm xuất khẩu, do nước này gần gũi về mặt địa lý với các thị trường như Đông Nam Á và Trung Đông.

Tesla đang xuất khẩu xe điện sản xuất tại Thượng Hải sang các khu vực bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương. Dữ liệu cho thấy Tesla xuất khẩu khoảng 344.000 xe ra nước ngoài vào năm ngoái, tăng 27% so với một năm trước đó. Ford, vốn đang vật lộn với doanh số sụt giảm ở Trung Quốc, đang nhắm tới thị trường Đông Nam Á và châu Mỹ. Hãng cho biết đã xuất khẩu hơn 100.000 xe từ Trung Quốc vào năm ngoái.

Tại Thái Lan, thị phần của các hãng xe Nhật Bản bao gồm Toyota và Nissan đã giảm xuống 78% vào năm 2023 từ mức 85% vào một năm trước đó. Điều này là do các thương hiệu Trung Quốc chiếm phần lớn doanh số ở phân khúc xe điện.

Theo Masashi Matsuyama, Chủ tịch chi nhánh của của Nissan tại Trung Quốc, công nghệ sản xuất ô tô của Trung Quốc đủ mạnh để được chấp nhận trên toàn cầu. “Chúng tôi muốn tận dụng điều đó cho chiến lược kinh doanh trên cầu”, ông nói.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn