Tin tức

Sau năm 5, dư địa thị trường Hiệp định CPTPP đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam còn rất lớn

17/01/2024    410

Ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Cùng với hiệp định tiêu chuẩn cao thứ 2 là EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU có hiệu lực vào tháng 8/2020), CPTPP hứa hẹn đem lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương đã có những chia sẻ về 5 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Sau 5 năm thực thi, các cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại đã được hiện thực hóa cụ thể ra sao, thưa ông?

Thực tế, 5 năm qua chúng ta cũng đã hình dung được bức tranh cơ bản về các lợi ích mà Hiệp định CPTPP mang lại cho Việt Nam. Theo đó, lợi ích nổi bật của Việt Nam khi tham gia CPTPP đó là mở cửa thị trường, xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong Hiệp định CPTPP, ngoài việc tập trung khai thác thị trường các thành viên đã có FTA như các nước ASEAN, Úc, Nhật Bản, Chilê… chúng ta còn đẩy mạnh xuất khẩu vào 3 thị trường chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru.

Trong khoảng 4 năm, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang 3 thị trường Canada, Mexico, Peru có kết quả rất tích cực, tốc độ tăng trường luôn trên hai chữ số, trên 20%, kể cả trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Thậm chí, thị trường Peru có thời điểm tăng 3 chỉ số, nhiều mặt hàng thế mạnh như thủy sản, dệt may tăng trưởng tích cực. Ngoài ra thặng dư thương mại mà chúng ta có được từ ba thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia. Đây chính là lợi ích có được từ cam kết cắt giảm thuế sau 5 năm CPTPP đi vào thực thi.

Ngoài xuất nhập khẩu, các kỳ vọng về cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh cũng được đặt ra rất lớn khi CPTPP có hiệu lực. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Như chúng ta thấy, một trong các lợi ích mà CPTPP mang lại bên cạnh xuất nhập khẩu, chúng ta đã đặt kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp thúc đẩy cải cách thể chế; ban hành những văn bản pháp luật minh bạch, rõ ràng hơn, tư duy xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chắc chắn hơn... qua đó mang lại các tác động, lợi ích tích cực đối với doanh nghiệp.

Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã sửa đổi, ban hành mới khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật (cả ở cấp độ luật và dưới luật) để kịp thời thực thi các quy định có hiệu lực ngay đối với CPTPP. Một số văn bản được ban hành muộn hơn nhưng đều được áp dụng hồi tố kể từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực để bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan trong quá trình thực thi cam kết, ví dụ như trong lĩnh vực thuế và mua sắm của Chính phů.

Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành thường xuyên theo dõi, rà soát và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết trong các FTA, trong đó có CPTPP và Điều ước quốc tế mà ta là thành viên.

Các tỉnh, địa phương cũng đã chủ động rà soát, xây dựng, thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách do địa phương, tỉnh ban hành, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật nhà nước và các cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình tận dụng cơ hội từ CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Theo đánh giá của chúng tôi, các cơ hội thị trường CPTPP rất lớn, tuy nhiên doamnh nghiệp chúng ta chưa tận dụng hết. Ngay như mặt hàng thuỷ sản, một trong các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh song thị phần tại CPTPP còn khiêm tốn so với dung lượng thị trường đang có.

Nguyên nhân, ngoài các yếu tố khách quan, một trong các lý do doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng hết dư địa thị trường CPTPP là bởi nhiều doanh nghiệp chưa để ý, có chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả, phù hợp; doanh nghiệp chủ yếu thiên về làm ăn truyền thống, đơn giản, khai thác thị trường gần. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp còn e ngại các tiêu chuẩn phức tạp, hoặc không chủ động tiếp cận thông tin thị trường ngay sau khi CPTPP đi vào thực thi. Điều này ảnh hưởng đến định hướng xuất khẩu sang thị trường các thành viên CPTPP, nhất là cá thị trường tiềm năng như Canada, Peru, Mexico.

Ngoài ra, những hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam như về vốn, công nghệ, thông tin thị trường vẫn chưa được cải thiện khiến cho hiệu quả tận dụng CPTPP còn ở mức khiêm tốn. Các thách thức đặt ra trong quá trình thực thi CPTPP đã được Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tai Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2022. Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội để nhận diện các cơ hội và dư địa thị trường, các vấn đề tồn tại cần xử lý để CPTPP mang lại tối đa lợi ích cho doanh nghiệp, người dân.

Từ các thách thức và hạn chế của doanh nghiệp, ông có thể cho biết một số các giải pháp tháo gỡ nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả hơn các lợi ích từ CPTPP trong thời gian tới?

Mặc dù đã có một quá trình hội nhập kinh tế song doanh nghiệp Việt Nam năng lực còn yếu và đi sau trong kinh doanh quốc tế so với các doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, bên cạnh sự chủ động phát triển, phát triển thị trường từ doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía cơ quan quản lý nhà nước về cung cấp thông tin. định hướng thị trường để doanh nghiệp thay đổi tư duy về tiếp cận thị trường. Chính sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ ngành, địa phương kỳ vọng các cơ hội từ CPTPP sẽ được tối ưu.

Bên cạnh đó, trước các vấn đề tồn tại trong khai thác các cam kết, ưu đãi từ CPTPP, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp, trong đó quan trọng là xây dựng sự kết nối các chủ thể trong từng lĩnh vực, đó là tăng cường xây dựng hệ sinh thái kết nối các chủ thể trong từng lĩnh vực cụ thể. Qua đó, có sự kết nối, chia sẻ các thông tin thị trường chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực, qua đó có sự định hướng rõ ràng, giúp doanh nghiệp khai thác cơ hội thuận lợi.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA, trong đó có CPTPP, Bộ Công Thương đang triển khai và vận hành Cổng thông tin điện tử quốc gia về Hiệp định Thương mại tự do (FTAP) tại địa chỉ https://fta.gov.vn/. Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan để vận hành và nâng cấp FTAP nhằm đáp các nhu cầu thông tin chính thống của doanh nghiệp về các FTA. Đồng thời, tại FTAP chúng tôi sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ cho quá trình giao thương của doanh nghiệp như tình hình thị trường trong và ngoài nước, các quy định về xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước đối tác, phòng vệ thương mại, lao động, môi trường, phát triển bền vững, sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì việc yêu cầu hệ thống Thương vụ tăng cường nghiên cứu thị trường nước sở tại thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất để cập nhật thị trường CPTPP, từ đó đưa ra những nhận định và phân tích chuyên sâu phục vụ cho việc dự báo. Nội dung thông tin mà hệ thống Thương vụ cung cấp bao gồm chính sách xuất nhập khẩu của các nước CPTPP, các yêu cầu kỹ thuật, vấn đề pháp lý, các biện pháp phòng vệ thương mại, xác minh, nguồn hàng, đối tác.

Bên cạnh đó, các Thương vụ Việt Nam tại các địa bàn trong khuôn khổ các Hiệp định đã và đang chủ động phổ biến, giới thiệu về các hiệp định, cũng như các ưu đãi, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam trong các FTA tới các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp, người dân tại sở tại thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hội nghị, hội thảo chuyên ngành.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công thương