Tin tức

Nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt tại Mỹ và EU bằng chất lượng và uy tín

25/12/2023    121

Thay vì cạnh tranh bằng giá như trước đây, nông sản Việt Nam sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín để có thể khai thác được giá trị cao hơn, bền vững hơn tại các thị trường Mỹ và EU.

Không nhanh sẽ mất cơ hội

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sau 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA), khả năng tận dụng của Việt Nam mới chỉ đạt 12,1%.

Tại tọa đàm “Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực EU – Hoa Kỳ” tổ chức vào cuối tuần qua, bà Nguyễn Thùy Linh, Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ ra 3 nguyên nhân để lý giải cho câu hỏi tại sao EVFTA mang lại những ưu đãi vượt trội nhưng mức độ khai thác lại thấp. Thứ nhất, những hạn chế về logistics và vận chuyển khiến các DN Việt Nam ưa thích những thị trường gần. Thứ hai, do sự khác biệt lớn về tiêu chuẩn, quản lý chất lượng giữa Việt Nam và châu Âu nên các DN Việt Nam có tâm lý ưu tiên những thị trường có sự tương đồng về tiêu chuẩn. Thứ ba, các DN cũng ưu tiên lựa chọn những thị trường có ý thức tiêu dùng tương tự, trong khi thị trường châu Âu lại có nhiều khác biệt so với Việt Nam.

Những điểm còn hạn chế kể trên cũng cho thấy dư địa còn rất lớn cho nông sản Việt Nam tại thị trường EU. Tuy nhiên, bà Linh cũng lưu ý rằng nếu không nhanh chóng tận dụng những ưu đãi từ EVFTA, cơ hội có thể sẽ mất đi vì EU đang chuẩn bị kết thúc đàm phán FTA với Thái Lan. Trong khi đây lại là đối thủ đáng gờm đối với rất nhiều mặt hàng của Việt Nam, nên nếu có FTA, chắc chắn hàng Thái Lan sẽ có sự phát triển rất nhanh tại EU.

Nhìn lại thực tế thời gian qua, việc chưa có FTA với EU khiến hàng hóa của Thái Lan vẫn phải chịu mức thuế MFN rất cao, trung bình 5-7%, thậm chí có mặt hàng chế biến chịu mức thuế tới 25%, trong khi hàng hóa Việt Nam được hưởng thuế suất 0%. Thế nhưng Thái Lan vẫn là đối thủ khá mạnh của Việt Nam tại thị trường này đối với nhiều mặt hàng như xoài, nhãn, chôm chôm, thực phẩm chế biến…

Với thị trường Mỹ, ông Nguyễn Như Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT đánh giá, mặc dù hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất cao trong những năm gần đây, giúp Việt Nam trở thành nguồn cung thứ 4 về nông sản, thực phẩm tại đây, nhưng tỷ trọng vẫn còn rất khiêm tốn và nông sản Việt Nam chủ yếu xuất thô, giá cả kém cạnh tranh. Các kênh phân phối mà hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam tiếp cận được cũng còn rất hạn chế, chủ yếu là các công ty thu mua. Trong khi các công ty chế biến, tổ chức bán buôn, bán lẻ, hầu như Việt Nam chưa tiếp cận được.

Theo ông Phong, việc tiếp cận thông tin về thị trường Mỹ còn khá hạn chế. Mặc dù Việt Nam đã có tham tán nông nghiệp tại Mỹ, giúp cung cấp thông tin khá nhanh và đầy đủ, nhưng thông tin triển khai xuống cho các DN vừa và nhỏ, người sản xuất tại khu vực nông thôn còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường Mỹ cũng tiềm ẩn rủi ro về chính sách bảo hộ thuế quan và phi thuế quan…

Nhiều điểm cần lưu ý

Trên thực tế, thời gian qua ngành nông nghiệp trong nước đã có những chuyển đổi mang tính chiến lược, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Theo đó, việc phát triển đã tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao, nâng cao giá trị gia tăng thông qua sơ chế, chế biến, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và gần đây là cam kết về giảm phát thải carbon cũng được đưa vào trong các chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển các ngành hàng. Những thay đổi này giúp ngành nông nghiệp cải thiện khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu lớn và đa dạng hóa thị trường.

Để nâng cao kim ngạch và vị thế cho hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam tại thị trường EU, bà Nguyễn Thùy Linh cho biết, trong Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030, Bộ NN&PTNT đã đưa ra hướng tiếp cận mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, ổn định nguồn cung và truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời tổ chức lại toàn bộ hoạt động xúc tiến thương mại để đảm bảo kết nối tốt hơn và mang lại hiệu quả cao hơn; phát triển các kênh phân phối và tăng cường thông tin, đảm bảo sự liên lạc kịp thời của các cơ quan đại diện ở EU đến các Bộ, ngành, hiệp hội và các DN. “Chúng ta không chú trọng đến giá thành nữa mà hướng đến giá trị tổng hòa của sản phẩm, sự bền vững và có trách nhiệm để xây dựng uy tín và niềm tin” – bà Linh nhấn mạnh.

Còn tại thị trường Mỹ, ông Nguyễn Như Phong đề xuất giải pháp tăng cường đàm phán mở cửa thị trường với phía Mỹ để xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như rau quả, trái cây, thủy sản; đảm bảo tiếp cận được các thông tin sớm, cảnh báo sớm để xử lý tranh chấp thương mại trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản. Để làm được điều này cần vai trò rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, các tham tán tại thị trường Mỹ.

Đặc biệt, trong việc phát triển kênh phân phối, ông Phong cho rằng cần đàm phán mở các kho ngoại quan với hệ thống kho lưu trữ đạt tiêu chuẩn bảo quản cho nông sản tại các tiểu bang đông dân, kinh tế phát triển của Mỹ để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử tại thị trường này. “Việc này khá thách thức nhưng nếu làm được sẽ góp phần giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển nông sản như biến động giá cước, thiếu vỏ container” – ông Phong cho biết.

Về phía các DN, bà Trần Thùy Dung, Bộ phận thường trực, Cục Bảo vệ thực vật phía Nam tại TPHCM cho biết, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là những yêu cầu cơ bản mà các DN muốn xuất khẩu sang EU cần phải quan tâm. Bà Dung cũng lưu ý rằng, hiện có nhiều cơ quan, đơn vị tư nhân cung cấp dịch vụ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Tuy nhiên, chỉ có một cơ quan chức năng duy nhất của Việt Nam được EU công nhận để cấp các mã số này cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, đó là Cục Bảo vệ thực vật. Do đó, nếu DN có nhu cầu thì cần liên hệ trực tiếp và Cục Bảo vệ thực vật sẽ trực tiếp tới các vùng trồng, cơ sở đóng gói để kiểm tra việc đáp ứng các yêu cầu của phía EU.

Đáng chú ý, một số đối tượng kiểm dịch thực vật của EU đã có mặt tại Việt Nam, thậm chí khá phổ biến như sâu keo mùa thu, ruồi đục quả, sâu khoang, ruồi đục lá, sâu tại ngô… Các loại sâu hại này cần được loại bỏ hoàn toàn khỏi lô hàng trước khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Về vấn đề dư lượng, bà Dung cho biết, quy định của EU, Hoa Kỳ liên tục có sự điều chỉnh. Riêng trong năm 2023 EU đã công bố 120 thay đổi về mức dư lượng. Để cập nhật được những thông tin này, DN có thể liên hệ với Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, hoặc trên website của Cục Bảo vệ thực vật cũng thường xuyên cập nhật các quy định thay đổi của các nước.

Trong khi đó, Hoa Kỳ yêu cầu các loại trái cây xuất khẩu vào thị trường này đều phải thực hiện chiếu xạ. Tuy nhiên, hiện tại Hoa Kỳ mới chỉ chấp thuận cho 2 nhà máy chiếu xạ là Sơn Sơn và Toàn Phát ở tại phía Nam được chiếu xạ các sản phẩm trái cây để xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Hiện Bộ NN&PTNT đang nỗ lực đàm phán để Hoa Kỳ chấp thuận cho một nhà máy ở phía Bắc được cung cấp dịch vụ chiếu xạ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, kho bãi cho trái cây xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Tạp Chí Hải Quan