Tin tức

Thực thi Hiệp định EVFTA: Chủ động giảm thiểu tác động từ phòng vệ thương mại

22/12/2023    85

Để tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, những vấn đề về phòng vệ thương mại của thị trường EU doanh nghiệp cần quan tâm để giảm thiểu các tác động tiêu cực.

Những quy định phòng vệ thương mại của EU

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, thống kê của WTO cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã điều tra tổng cộng 644 vụ việc và áp dụng 408 biện pháp phòng vệ thương mại.

Đối với Việt Nam, EU đã điều tra 14 vụ việc phòng vệ thương mại trong giai đoạn 1998 cho đến nay (trong đó có 6 vụ chống bán phá giá, 1 vụ chống trợ cấp, 1 vụ tự vệ, 6 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại) với các mặt hàng như giày mũ da, mỳ chính, ống tuýp thép, ốc vít, xe đạp, bật lửa ga, xe nâng bằng tay, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, oxude kẽm, sợi polyester, thép.

Riêng năm 2022, EU không điều tra, áp dụng biện pháp mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng tiếp tục tiến hành rà soát với biện pháp tự vệ đang áp dụng. Đối với Việt Nam, hiện nay EU chỉ đang áp dụng duy nhất biện pháp tự vệ với một số sản phẩm thép.

Trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường EU gia tăng, vì thế, các nguy cơ đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường là khó tránh khỏi. Do đó, doanh nghiệp các ngành hàng cần quan tâm, tìm hiểu về quy định phòng vệ thương mại của Hiệp định EVFTA.

Tại Hiệp định EVFTA đưa ra các quy định về phòng vệ thương mại ở Chương 3 bao gồm 3 Mục 14 Điều quy định các cam kết giữa Việt Nam và EU về các nguyên tắc và cách thức áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) đối với hàng hóa xuất khẩu của mỗi bên. Riêng với biện pháp tự vệ Chương này có quy định riêng về biện pháp tự vệ song phương giữa Việt Nam và EU ngoài các biện pháp tự vệ toàn cầu theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng (tức là bên cạnh việc xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước thì nước điều tra cũng cần xem xét tình hình, quan điểm của nhà nhập khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức đại diện người tiêu dùng và các doanh nghiệp hạ nguồn).

Là một trong những thành viên sáng lập của WTO, do vậy, về cơ bản các quy tắc của WTO được phản ánh đầy đủ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của EU về các nội dung trên. Đồng thời, EU sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại dựa trên các quy tắc của WTO và có thể áp dụng thêm một số điều kiện bổ sung cho các quy tắc này để tái thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng cho ngành công nghiệp EU khi bị tổn hại từ hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc trợ cấp.

Ngoài ra, Uỷ ban châu Âu (EC) chịu trách nhiệm điều tra các cáo buộc bán phá giá đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu tại các nước ngoài EU. Cơ quan này thường mở một cuộc điều tra sau khi nhận được đơn khiếu nại từ các nhà sản xuất EU có liên quan, hoặc cũng có thẩm quyền tự khởi động các cuộc điều tra. Bất kỳ cá nhân hoặc pháp nhân, hoặc bất kỳ hiệp hội nào không có tư cách pháp nhân, đại diện cho ngành công nghiệp Liên minh đều có thể yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) hoặc Tổng cục Thương mại bắt đầu một cuộc điều tra về phòng vệ thương mại.

Chủ động giảm thiểu tác động tiêu cực

Việc hàng hóa xuất khẩu trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu như EU là một khó khăn rất lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, việc sẵn sàng chuẩn bị để ứng phó với các vụ việc điều tra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ các biện pháp phòng vệ thương mại là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, khi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn các đối tác khác, hàng hóa của Việt Nam lại nhận được những lợi ích cạnh tranh nhất định. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU được khuyến nghị cần lưu ý một số vấn đề như: Hợp tác, liên kết nhiều bên trong quá trình điều tra; theo dõi cảnh báo sớm đối với hàng hoá có nguy cơ, lưu ý vấn đề thị trường lệch lạc đáng kể; đánh giá quy mô, lợi ích thị trường.

Tại Việt Nam, hiện Cơ quan có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại là Cục Phòng vệ thương mại, trực thuộc Bộ Công Thương. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cụ thể:

Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng liên quan trong việc xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết tranh chấp về các vụ kiện phòng vệ thương mại và các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại tại WTO, các hiệp định thương mại và các tổ chức quốc tế khác.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, ngành hàng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đang xây dựng và triển khai hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại và nguy cơ hàng hóa bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi các cảnh báo từ Cục Phòng vệ thương mại để có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuất khẩu phù hợp, giảm tác động tiêu cực khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường EU. Theo đó, doanh nghiệp có thể liên hệ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương hoặc theo dõi trang thông tin điện tử chính thức của Cục (https://pvtm.gov.vn) để cập nhật các danh sách cảnh báo này.

Nguồn: Báo Công thương