Tin tức

EVFTA thúc hợp hợp tác, chia sẻ về công nghệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – EU

18/12/2023    55

Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đưa vào thực thi, nhiều doanh nghiệp EU đã tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngày 12/2/2020, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Đây là một Hiệp định toàn diện, tiêu chuẩn cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, cải thiện năng suất lao động, từ đó mở ra những “cánh cửa” tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cụ thể, trong các ngành hàng xuất khẩu, hiện EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới. Ông Lương Văn Tự - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, phía EU đã hợp tác với Việt Nam từ rất lâu. Tất cả những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam. Trước đây, họ hợp tác với Việt Nam trong vấn đề trồng, chế biến theo cách chủ yếu là mua cà phê nhân chưa qua chế biến. Lúc đó thuế suất bằng 0 và họ bảo hộ phần chế biến.

“Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu” - ông Lương Văn Tự chỉ rõ.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất cà phê hiện nay hiện đại nhất là của EU. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, tất cả những nhà máy đầu tư vào cà phê hòa tan của Việt Nam đều phải nhập công nghệ của Đức và công nghệ của Đan Mạch mới đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi đó, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, từ khi EVFTA có hiệu lực đưa vào thực thi, nhiều doanh nghiệp EU đã tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam.

“Ví dụ như Tập đoàn Piaggio, các xe máy thương hiệu như Piaggio hay Liberty có tỉ lệ nội địa hóa lên đến từ 80 đến 90%. Đây là một con số rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ bởi vì với tỉ lệ nội địa hóa lên 80 đến 90% như vậy có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tham gia chuỗi cung ứng của Piaggio. Theo ước tính, hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam đang là những thầu phụ, nhà cung cấp cho Piaggio" - ông Khanh thông tin.

Hay Tập đoàn Bosch cũng là một nhà sản xuất và chuyển giao công nghệ rất tốt. Họ đã xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam, đào tạo cho các nhân viên và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Trên đây là một vài điển hình cho thấy, doanh nghiệp EU cũng rất quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ hay nâng cao trình độ của các cán bộ, công nhân người Việt Nam để từ đó nâng cao lợi ích hai chiều. Đối tác Việt Nam có tiêu chuẩn tốt, tiêu chuẩn cao và có nhân lực tốt thì rõ ràng các doanh nghiệp EU cũng được lợi.

Có thể khẳng định, việc thực thi EVFTA đã mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong công tác hợp tác, chia sẻ các công nghệ mới, hiện đại không chỉ từ các đối tác EU mà còn từ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội cũng sẽ có rất nhiều khó khăn, thách thức. Bởi hiện nay, doanh nghiệp trong nước đa số là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực còn hạn chế. Chưa kể, một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh...

Trong thời gian tới, khi EVFTA đi vào quá trình thực thi một cách sâu sắc hơn, với lộ trình cắt giảm thuế sâu từ năm thứ ba tiệm cận dần mức 0 - 5%, thì cơ hội kinh doanh cho Việt Nam và cả EU nhiều hơn. Đấy chính là cơ hội để gia tăng thu hút đầu tư công nghệ từ EU vào Việt Nam. Do vậy, để có thể tranh thủ lợi thế từ Hiệp định EVFTA, cùng với việc tiếp nhận những lợi ích rõ ràng từ việc thu hút FDI, như thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tạo thêm việc làm và nâng cao trình độ cho người lao động, giúp các ngành và lĩnh vực tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cũng cần xem xét để từng bước khắc phục sự chênh lệch giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội trong việc tận dụng các FTA, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đối với các doanh nghiệp - chủ thể tạo nên sức mạnh trên thị trường, cần tăng cường liên kết với các bên liên quan và quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, mô hình quản trị và chiến lược kinh doanh để hạ giá thành sản xuất, nâng cao được chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nguồn: Báo Công thương