Tin tức

Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi xuất khẩu sang thị trường CPTPP

29/11/2023    144

Việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong hơn 5 năm qua mang lại lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, nhưng cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Chia sẻ tại Tọa đàm "Hạn chế rủi ro phòng vệ thương mại khi gia tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP" ngày 27/11, ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương nhận định, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này khẳng định nhu cầu cũng như dư địa thị trường thực sự hấp dẫn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xu hướng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đang gia tăng tại các nước thành viên CPTPP. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn phức tạp hơn về quy mô và đa dạng hơn về mặt hàng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định CPTPP dần bước sang giai đoạn thực thi mới.

"Trong thời gian tới, các mặt hàng của chúng ta có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao vẫn tiếp tục trở thành các đối tượng bị điều tra về phòng vệ thương mại tại Canada. Ngay tại Mexico thì Chính phủ Mexico cũng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu thông qua các biện pháp chống bán phá giá và các điều tra về xuất xứ hàng hóa (C/O)", ông Hoàn thông tin.

Theo ông Hoàn, đối diện với thách thức này, các doanh nghiệp Việt Nam cần bám sát và theo dõi các thông tin trên mạng của Bộ Công Thương cũng như Cục phòng vệ thương mại để cập nhật tình hình liên quan đến các sản phẩm, nhằm đưa ra giải pháp đối phó kịp thời.

Ông Bùi Tuấn Hoàn cho biết: "Về chủ trương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Vụ trường trong, ngoài nước trực tiếp phối hợp với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi có khoảng 100 văn phòng cũng như cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn thu thập và đưa ra được những cảnh báo sớm đối với các nhóm mặt hàng có nguy cơ nằm trong diện bị rà soát, bị áp chống bán phá giá và phòng vệ thương mại để từ đó chuyển tải về cho các Cục, vụ, viện và thông báo với các Hiệp hội và các doanh nghiệp Việt Nam để chúng ta luôn luôn có sự chuẩn bị".

Còn theo ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, vấn đề khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp là nhận thức. Khi chúng ta đã có nhận thức thì sẽ biết được mục tiêu của mình là gì và phản ứng cần thiết đạt được mục tiêu đó là như thế nào.

"Một số doanh nghiệp rất chủ động, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam hiện nay thậm chí còn có những bộ phận chuyên trách gọi là Ban phòng vệ thương mại trong tập đoàn; khi họ định hướng việc xuất khẩu là quan trọng và những thị trường đó là quan trọng thì họ sẽ quan tâm. Tôi luôn đề cao việc doanh nghiệp phải nâng cao nhận thức của mình về phòng vệ thương mại", ông Đức chia sẻ.

Ông Đức cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại và thực hiện đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn để các doanh nghiệp, hiệp hội không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu có cơ hội tham gia.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thường xuyên tổ chức đối thoại về phòng vệ thương mại với cơ quan điều tra nước ngoài. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam nhưng cũng kiên quyết phòng trừ với doanh nghiệp lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại thông qua việc nhập khẩu hoặc lẩn tránh xuất xứ bất hợp pháp.

Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho rằng, nhận thức của các doanh nghiệp về rủi ro phòng vệ thương mại không đồng đều.

"Khi các doanh nghiệp xuất khẩu thì họ chủ yếu quan tâm đến nhu cầu của thị trường, mức thuế xuất nhập khẩu và về giá cả của hàng hóa mà rất ít quan tâm đến việc rủi ro phòng vệ thương mại, chỉ khi đến các vụ việc liên quan thì các doanh nghiệp mới bắt đầu đi tìm hiểu các thông tin thông qua các hiệp hội, luật sư hoặc là các đối tác của của mình và khi đó thì họ ứng phó một cách tương đối bị động trong rủi ro phòng vệ thương mại này", ông Vũ Văn Phụ bày tỏ.

Theo ông Phụ, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị chủ động, tích cực khi đối diện với các vụ việc. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nên cạnh tranh về giá vì đây là một điều rủi ro rất lớn khi bị điều tra về phòng vệ thương mại.

 Nguồn: VOV Giao thông