Tin tức

Doanh nghiệp Việt - Pháp nỗ lực thúc đẩy hợp tác

23/10/2023    55

Doanh nghiệp Việt - Pháp cần đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi thông tin để có thể hiểu rõ hơn về thị trường, thực tiễn kinh doanh và khung pháp lý của hai bên.

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Pháp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện nay nhiều doanh nghiệp Pháp ưa chuộng đầu tư vào Việt Nam do thị trường nội địa tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi trong ASEAN, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Với việc thực thi EVFTA, hàng hóa Việt Nam đã có đà xuất khẩu sâu hơn vào khu vực châu Âu, trong đó có Pháp.

Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch VCCI đánh giá, khối lượng thương mại giữa hai nước chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Bên cạnh đó, mức độ hợp tác giữa VCCI và các tổ chức xúc tiến thương mại của Pháp, cũng như giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước chưa tích cực và hiệu quả như mong đợi.

Để tăng cường hơn nữa việc hợp tác trong tương lai, Phó Chủ tịch VCCI khuyến nghị, các doanh nghiệp hai bên cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại và các sự kiện khác do VCCI và các tổ chức xúc tiến thương mại của Pháp tổ chức để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình và tìm hiểu các cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Thứ hai, các doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng kỹ thuật số để kết nối với nhau và trao đổi thông tin về sản phẩm, dịch vụ và xu hướng thị trường của họ. Thứ ba, doanh nghiệp có thể thiết lập quan hệ đối tác, liên doanh để tận dụng thế mạnh và chuyên môn của từng doanh nghiệp..

VCCI và các tổ chức xúc tiến thương mại của Pháp cũng có thể phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tổ chức các đoàn công tác, hội thảo, chương trình đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp hai bên.

“Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về thị trường, thực tiễn kinh doanh và khung pháp lý của nhau, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và hợp tác của họ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp, ngoài sự hỗ trợ của Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, các tổ chức xúc tiến thương mại như Phòng Thương mại Paris cũng là một kênh uy tín để hỗ trợ trao đổi trực tiếp với các đối tác tiềm năng và uy tín.

Phó Chủ tịch VCCI khẳng định, VCCI cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp bằng mọi cách có thể trong nỗ lực đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả, hiện thực hóa cơ hội và góp phần cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức và các doanh nghiệp Pháp để cùng thực hiện và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững mà tất cả chúng ta đang theo đuổi. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng với những yếu tố thuận lợi như sự hỗ trợ của chính phủ hai nước, sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp hai bên, quan hệ hợp tác của chúng ta sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả ấn tượng”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Đánh giá về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt - Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định, Việt Nam đã và đang là một điểm đến tin cậy và giàu tiềm năng khai thác đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, ông Thắng cho rằng, các doanh nghiệp Pháp cần quan tâm nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Các nhà đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi để góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam; nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự tham gia sâu của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu;… Đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp. 

Một lĩnh vực khác cũng cần được doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh trong thời gian tới là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiệu quả; đẩy mạnh nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo. Qua đó giúp Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Với quá trình hội nhập quốc tế cùng khuôn khổ pháp lý ngày càng đồng bộ kết hợp với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiềm năng, lợi thế và sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp giữa hai nước, Đại sứ tin tưởng, trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Pháp nói chung và quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa cộng đồng doanh nghiệp của thành phố Hà Nội và các doanh nghiệp, nhà đầu tư Pháp nói riêng sẽ có bước đột phát mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. 

"Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa hai nước, đồng hành với các doanh nghiệp để cùng hợp tác phát triển bền vững, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp", ông Thắng nhấn mạnh. 

Tại Diễn đàn, các bên cũng đã có dịp trao đổi thông tin và có những đề xuất cụ thể nhằm hỗ trợ hợp tác hiệu quả hơn. Trao đổi về việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Pháp, ông Vecna, phụ trách dự án Doing Business In France, tổ chức chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài kết nối  với doanh nghiệp Pháp lưu ý, tại Pháp, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong tất cả các ngành nghề. Nhà nước đảm bảo sự an toàn cho tất cả các doanh nghiệp nước ngoài tại pháp.

Do đó, ông Vecna cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ để nắm rõ thứ tự trong bộ máy hành chính của Pháp để xác định được đối tác, cơ quan mà mình cần tiếp xúc khi kinh doanh tại Pháp.

“Doanh nghiệp Pháp chú trọng hình ảnh và truyền thông. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng vào các sản phẩm truyền thông như ấn phẩm giới thiệu công ty, website doanh nghiệp.. để có thể thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Pháp”, ông Vecna nói thêm. Bên cạnh đó, việc thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, giảm rác thải, khí CO2.. cũng được doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp chú trọng.

Tuy nhiên, để việc hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước được thuận lợi hơn, ông Vecna kiến nghị, các tổ chức xúc tiến cần giúp đỡ các doanh nghiệp lên kế hoạch hợp tác dài hơi thông qua các hội chợ triển lãm, hoặc tổ chức các đoàn doanh nghiệp nghiên cứu thị trường…

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp