Tin tức

Doanh nghiệp tận dụng Hiệp định EVFTA, gia tăng thu hút đầu tư

09/10/2023    41

Trong thời gian tới, khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào quá trình thực thi một cách sâu sắc hơn, lộ trình giảm thuế tiệm cận dần mức độ 0-5% thì cơ hội sẽ nhiều hơn cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Đây chính là cơ hội để tăng hơn nữa đầu tư.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6-10.

Thông tin tại tọa đàm cho biết, sau 3 năm EVFTA đi vào thực thi, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến tháng 8-2023, có 25 nước thuộc EU đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đạt 27,6 tỷ USD gồm 2.384 dự án, chiếm 6,42% tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam, đưa EU lên vị trí thứ 6 các đối tác đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam.

Đây là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và sâu sắc trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp của EU và Việt Nam, xuất phát từ các yếu tố địa chính trị và nhu cầu mở rộng thị trường sang châu Á.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp như hiện nay, việc EU đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một điều tất yếu. Xu hướng chung là các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển sang các thị trường có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi cho họ tiếp cận các thị trường trên thế giới.

Về lợi ích đối với Việt Nam, ông Ngô Chung Khanh cho rằng, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi từ xu thế này. Vì theo khảo sát của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) thì 1/3 doanh nghiệp EU đã lựa chọn Việt Nam trong top 5 điểm đến để họ đầu tư hay mở rộng đầu tư. Ngoài ra, khi có nhiều đầu tư từ EU vào Việt Nam thì có tính lan tỏa và hiện nay nhiều doanh nghiệp EU tích cực chia sẻ những công nghệ hay kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt Nam.

Việc thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và EU có vai trò quan trọng trong bối cảnh thực thi EVFTA. Tận dụng nguồn nguyên liệu và công nghệ châu Âu để sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt hơn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những kỳ vọng lớn của doanh nghiệp Việt khi EVFTA bước sang giai đoạn thực thi mới.

Để làm được điều đó, cần có thêm sự đồng hành từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt thông qua các cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ phù hợp. Song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cũng cần xây dựng các doanh nghiệp nội để “bắt tay” được với các tập đoàn quốc tế theo các hình thức khác nhau như: Liên doanh, cung cấp nguồn nguyên liệu bán thành phẩm hoặc các sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI.

Về phía mình, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tích cực tiếp cận và tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội kết nối hợp tác với các doanh nghiệp châu Âu, qua đó tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân