Tin tức

Thuế tối thiểu toàn cầu: Các quốc gia tương đồng Việt Nam áp dụng thế nào?

04/10/2023    1212

Thuế tối thiểu toàn cầu được xây dựng nhằm ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời xóa bỏ các kẽ hở trong quản lý, không để các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trốn thuế, chuyển giá.

Chính sách này sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút và tiếp nhận đầu tư. Các quốc gia nhận đầu tư trong khu vực ASEAN có điều kiện tương đồng như Việt Nam (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) cũng đều có kế hoạch triển khai thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, Malaysia dự kiến thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% từ năm 2024 theo khuyến cáo từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Malaysia sẽ tiến hành rà soát lại các chế độ ưu đãi thuế, trong đó có các công ty được hưởng thuế suất 0% hoặc thuế suất dưới 15% để tránh chuyển thuế về các quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ tối cao.

Indonesia là một trong số các quốc gia thành viên của nhóm G20 nhất trí với giải pháp hai trụ cột chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận của OECD/G20 để áp dụng cho các quốc gia trên thế giới. Indonesia dự kiến sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong năm 2024. Hiện tại, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Indonesia là 22%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu toàn cầu là 15%, nhưng quốc gia này có nhiều hiệp định thương mại với các quốc gia đối tác nên cũng có các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, Indonesia đã thay đổi một số chính sách nhằm tạo đà cho áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, Indonesia đã ban hành Luật Hài hòa hóa các quy định về thuế (Luật HPP). Điều 32A Luật HPP về thuế thu nhập quy định, Chính phủ có thẩm quyền thực hiện các thỏa thuận thuế với các quốc gia đối tác hoặc vùng lãnh thổ đối tác, cả song phương và đa phương. Đồng thời Luật cũng quy định các thỏa thuận thuế này phải nằm trong khuôn khổ tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế, ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận, trao đổi thông tin thuế, hỗ trợ thu thuế và bất kỳ hợp tác thuế nào khác, tạo tiền đề cho việc áp dụng Trụ cột 2 thuế tối thiểu toàn cầu.

Tháng 12/2022, Chính phủ Indonesia đã ban hành Nghị định Chính phủ số 55 (GR-55) để thực hiện các sửa đổi Luật Thuế thu nhập theo Luật HPP. GR-55 bao gồm 2 chủ đề thuế quốc tế: các biện pháp chống trốn thuế và các hiệp định thuế quốc tế. GR-55 cũng thừa nhận một khái niệm mới về phân bổ quyền đánh thuế đã được thiết kế để trao quyền đánh thuế rộng hơn cho quốc gia nguồn, nơi đặt trụ sở của công ty mẹ.

Thái Lan là một trong 138 quốc gia đã thông qua BEPS 2.0 (chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận), bao gồm cách tiếp cận hai trụ cột vào năm 2021. Thái Lan đang thực hiện những bước đầu tiên để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Nước này có mức thuế suất tiêu chuẩn của thuế TNDN là 20%. Tuy nhiên, Thái Lan đang áp dụng một số ưu đãi thuế đặc biệt theo Đạo luật Xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư, do đó nhiều doanh nghiệp MNEs có công ty con ở Thái Lan sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu. Ngày 7/3/2023, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt về nguyên tắc việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và giao cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Như đa số các quốc gia đang phát triển khác, Philippines cũng sử dụng ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là đối với các MNEs lớn. Trong những năm qua, các nhà hoạch định chính sách và lập pháp Philippines đã thực hiện nhiều ưu đãi thuế khác nhau trong chương trình cải cách thuế toàn diện. Đáng chú ý nhất là Luật Phục hồi doanh nghiệp và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Các ưu đãi về thuế hiện tại của Philippines duy trì thời gian miễn thuế thu nhập và thuế TNDN đặc biệt (SCIT) là 5%. Cả hai biện pháp khuyến khích này về cơ bản đều làm giảm thuế suất thực xuống thấp hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Giả sử thuế suất thực khoảng 5% (dựa trên 5% SCIT), công ty mẹ tối cao của các công ty con địa phương sẽ buộc phải trả khoản thuế bổ sung khoảng 10% tại quốc gia của họ. Thuế bổ sung làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của SCIT, hay nói cách khác, làm giảm sức hấp dẫn của việc đầu tư vào Philippines.

Tại Philippines, các công ty niêm yết có thể được hưởng ưu đãi thuế tối đa 17 năm. Sau đó, họ sẽ phải chịu thuế TNDN thông thường 25%, cao hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Một số chuyên gia cho rằng, Philippines có nguy cơ mất một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn do các doanh nghiệp rút vốn khỏi nước này khi không còn được hưởng ưu đãi thuế. Nhưng cho đến nay, Chính phủ Philippines vẫn chưa có động thái điều chỉnh trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã cam kết áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, nước ta đã điều chỉnh thuế suất thuế TNDN phổ thông từ mức 32%, xuống các mức 28%, 25%, 22% và hiện tại là 20%; đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế TNDN. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao của các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia với mức vốn đầu tư cam kết và thực hiện ngày càng tăng.

Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến số thu thuế TNDN của Việt Nam đối với các MNEs có công ty con đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định về thuế TNDN hiện hành, nhưng sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế đối với các doanh nghiệp FDI trong tương lai. Theo ước tính, có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, dù tham gia hay không tham gia, các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động đến Việt Nam.

Do đó, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới. Việc điều chỉnh chính sách cần bảo đảm phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Nguồn: Báo Đầu thầu