Tin tức

Đại gia bán lẻ từ Mexico, Chile tới Việt Nam tìm mua hàng hóa

15/09/2023    151

Dù có khoảng cách địa lý rất xa xôi, song nhiều tập đoàn bán lẻ, doanh nghiệp lớn của các nước Mỹ Latinh vẫn mong muốn tìm nhà cung cấp hàng hóa từ Việt Nam để cung ứng cho thị trường này.

Thông tin được ghi nhận tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh năm 2023 do Bộ Công Thương phối hợp với UBND TPHCM tổ chức ngày 14/9.

Đưa hàng Việt vào các siêu thị hàng đầu Mỹ Latinh

Là thương hiệu bán lẻ hàng phi thực phẩm lớn nhất tại Mexico, bà Verónica Alcaraz Silva, Quản lý nguồn cung Tập đoàn Coppel Mexico cho biết, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã được bày bán tại hệ thống siêu thị của Coppel như da giày, thời trang. Bà Verónica Alcaraz Silva mong muốn kết nối thêm nhiều nhà cung cấp của Việt Nam. Theo đó, thương mại điện tử có thể là giải pháp hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận với thị trường Mexico.

Ông Federico Bucher, Giám đốc khu vực châu Á, Tập đoàn Cencosud Chile cũng cho biết, Cencosud là tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Chile và được biết đến là 1 trong 100 tập đoàn bán lẻ lớn nhất Mỹ Latinh với chi nhánh rộng khắp tại nhiều quốc gia trong khu vực. Hiện nguồn cung hàng hóa cho Cencosud chủ yếu được mua từ Trung Quốc, Bangladesh và chỉ có khoảng 5% là mua từ các nước Đông Nam Á.

Trong đó, Cencosud mới chỉ mua một vài mặt hàng như thủ công mỹ nghệ, nội thất, trang trí sân vườn từ Việt Nam. Tuy nhiên, Cencosud đang muốn tìm kiếm nguồn cung ứng các mặt hàng quần áo, đồ điện gia dụng, hàng thời trang tại Việt Nam.

Tương tự, bà Roberta Guttler Difini, đại diện Tập đoàn may mặc Brazil Renner cũng cho biết, doanh nghiệp này đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để tìm kiếm nhà cung ứng sản phẩm dệt may. Điều này đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Renner đối với thị trường Việt Nam.

Nhiều thị trường mới nổi đầy tiềm năng

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, từ nhiều năm nay, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và khu vực Mỹ Latinh đã không ngừng được phát triển và mở rộng, bất chấp nhiều giai đoạn khó khăn của thị trường. Trong 5 năm từ 2018 đến 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 1,5 lần, lên mức 23 tỷ USD vào năm 2022.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ Latinh đạt 12,3 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ Latinh đạt 10,4 tỷ USD. Đáng chú ý, bên cạnh các thị trường có kim ngạch trao đổi hàng đầu tại khu vực như Brazil, Mexico, Argentina, Chile, nhiều thị trường mới nổi như Panama, Colombia, Peru đã và đang trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với Mỹ Latinh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, da giày, nông thủy sản…, theo ông Linh, Mỹ Latinh còn là khu vực cung ứng nguyên phụ liệu quan trọng cho ngành sản xuất của Việt Nam, với các sản phẩm thế mạnh như ngô, đậu tương, thức ăn chăn nuôi…

Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng tại Mỹ Latinh với số vốn hàng trăm triệu USD như các dự án phát triển mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru và Haiti, các dự án của Tổng Công ty Viglacera và Công ty Thái Bình tại Cuba trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất hàng tiêu dùng… Ở chiều ngược lại, tính đến hết năm 2022 có 21 quốc gia Mỹ Latinh đầu tư tại Việt Nam với 117 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 673 triệu USD.

8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ Latinh đạt 13,4 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, một tín hiệu tích cực là đà giảm xuất nhập khẩu đang được thu hẹp dần so với những tháng đầu năm và vẫn có một số thị trường có kim ngạch 8 tháng đạt tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2022 như Panama, Puerto Rico, Honduras, Nicaragua, Bolivia… Qua đó cho thấy thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ Latinh đang có dấu hiệu phục hồi.

Riêng về thị trường Chile, trao đổi tại diễn đàn, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý về Hải quan - Cục Hải quan TPHCM đặt vấn đề về việc Trung Quốc đã ký kết nhiều FTA với khu vực Mỹ Latinh, giúp hàng hóa của thị trường này có thế mạnh khi đi vào các thị trường như Chile. Tuy nhiên, ông Thiện cũng chỉ ra rằng, ngoài FTA song phương với Chile, Việt Nam và Chile còn cùng là thành viên của CPTPP. Điều này sẽ mang lại những lợi thế nhất định cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là về thuế quan.

Làm rõ vấn đề này, bà Sài Thị Thuy Thủy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Chile cho biết, FTA song phương Việt Nam – Chile có hiệu lực từ tháng 1/2014 đã tạo tiền đề rất tốt cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Chile. Hiện thuế suất của hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Chile đều có thuế suất bằng 0.

Nhờ đó, nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại song phương 2 nước chỉ dừng ở con số 500 triệu USD với cán cân nhập siêu thuộc về Việt Nam thì đến năm 2022 đã vượt 2 tỷ USD.

“Chile dù là thị trường nhỏ với 19 triệu dân nhưng là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại Mỹ Latinh chỉ sau Brazil và Mexico. Việt Nam đã tận dụng rất tốt FTA song phương với Chile. Từ sau khi FTA này có hiệu lực, kim ngạch thương mại của Việt Nam với Chile đã chuyển sang xuất siêu với mức thặng dư năm 2022 là hơn 1,3 tỷ USD” – bà Thủy chia sẻ.

Về CPTPP, do Chile là nước phê duyệt khá muộn nên hiệp định này chỉ mới có hiệu lực tại Chile từ tháng 2 vừa qua. Thêm vào đó, nhưng ưu đãi thuế quan của CPTPP so với FTA song phương không nhiều do FTA song phương đã thực thi được gần 10 năm và hầu hết mức thuế đã về 0. Tuy nhiên, bà Thủy đánh giá, do CPTPP có nhiều nước thành viên, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng sự đa dạng về nguồn cung để đáp ứng tiêu chuẩn về C/O trong CPTPP một cách tốt hơn so với FTA song phương.

Ngoài ra, CPTPP cũng mở ra cơ hội đầu tư bởi Chile là nước xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, Chile cũng là nhà cung cấp gỗ xẻ rất lớn cho ngành sản xuất nội thất của Việt Nam. Đặc biệt, Chile cũng có nguồn cung lithium rất lớn. Việt Nam có thể tận dụng CPTPP để tìm thêm nguồn cung lithium cho các ngành như xe điện và những ngành cần tới nguồn nguyên liệu quý hiếm này.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan