Tin tức

Quan hệ Mỹ - Trung có thể sẽ "ấm" dần

14/06/2023    27

Các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ trong những tuần gần đây đã mang lại hy vọng rằng căng thẳng giữa hai cường quốc có thể giảm bớt.

Đại sứ của Trung Quốc Tạ Phong đến Washington vào thời điểm quan trọng, khi quan hệ giữa hai nước đang được cho là xuống mức thấp nhất trong 5 thập kỷ qua.

Kể từ khi đảm nhận chức vụ, nhà ngoại giao kỳ cựu Trung Quốc có nhiệm vụ xây dựng lại quan hệ hợp tác và trao đổi Mỹ-Trung. Trong vòng hai tuần, ông Tạ đã gặp Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland và Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ Jay Shambaugh.

Có những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nước đang bắt đầu ấm lên, với một số cuộc gặp của các quan chức cấp cao cũng diễn ra.

Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, vẫn sẽ khó đưa mối quan hệ Mỹ-Trung trở về mức bình thường. Bắc Kinh và Washington vẫn ngày càng tranh chấp khi những thách thức cũ – chẳng hạn như vấn đề Đài Loan và Biển Đông – ngày càng trở nên sâu sắc và những thách thức mới, bao gồm cả cạnh tranh công nghệ, xuất hiện.

Bà Lily McElwee, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, cho biết việc giữ cho các kênh liên lạc mở giữa hai quốc gia đang trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi Mỹ và cả Đài Loan sắp diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng. 

Đài Loan là vấn đề rất được quan tâm trong chương trình nghị sự của ông Tạ khi ông đảm nhận vai trò mới của mình. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với các phóng viên ở Mỹ ngay tại sân bay sau khi máy bay hạ cánh, ông đã kêu gọi Mỹ hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này một cách “thích hợp”.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã gửi “tín hiệu sai lầm” khi ký một thỏa thuận thương mại với Đài Loan và tăng cường thúc đẩy sự hiện diện của hòn đảo tại các tổ chức quốc tế khác. Washington cũng đã khiến Bắc Kinh tức giận về việc chuyển giao lô tên lửa phòng không Stinger đầu tiên cho hòn đảo này như một phần của gói viện trợ quân sự trị giá 500 triệu USD.

Ông David Shullman, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, ông rất bi quan về triển vọng cải thiện quan hệ khi Washington chuyển sang lập trường cạnh tranh hơn và Bắc Kinh cũng không nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan.

Đồng quan điểm, ông Zhu Feng, chuyên gia nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tiếp theo có thể gây thêm nhiều bất ổn cho vấn đề Đài Loan và có khả năng gây tổn hại thêm cho mối quan hệ Mỹ- Trung.

Cùng với Đài Loan, sự trỗi dậy của Trung Quốc nhằm thách thức sự thống trị công nghệ của Mỹ đã khiến nước này trở thành đối thủ nặng ký trong một số công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm trí tuệ nhân tạo, 5G, khoa học thông tin lượng tử và chất bán dẫn.

Các chuyên gia dự đoán, công nghệ là “chiến trường” của hai cường quốc vì những tác động sâu sắc của các công nghệ mới nổi đối với mọi thứ, từ chiến tranh đến việc làm. Và việc Bắc Kinh cấm bán các sản phẩm công nghệ Micron ở Trung Quốc vì lo ngại về an ninh chỉ làm tăng thêm các dấu hiệu về một cuộc chiến công nghệ cao lâu dài giữa hai nước.

Mặc dù vậy, giới quan sát đều kỳ vọng Mỹ có thể cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn, cũng như hợp tác để giải quyết những thách thức chung quan trọng. Cả Washington và Bắc Kinh sẽ xử lý các vấn đề cạnh trang một cách thận trọng khi họ nỗ lực ổn định mối quan hệ của mình.

“Đã có những lúc cả hai quốc gia ở trong giai đoạn nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tại, nhưng họ đã xoay xở hợp lý. Những gì chúng ta nghĩ là nguy hiểm có thể trở nên không nguy hiểm vì hai quốc gia sẽ cẩn trọng", ông Zhu cho biết.

Trong hoàn cảnh hiện tại, điều tốt nhất mà mọi người có thể hy vọng là một mối quan hệ Mỹ- Trung trong bình thường mới, nơi các kênh liên lạc quan trọng vẫn được kết nối. Điều này sẽ giúp hai nước kiểm soát sự tái bùng phát căng thẳng không thể tránh khỏi về các vấn đề nhạy cảm và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp