Tin tức

Thâm nhập thị trường New Zealand: Nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam

14/06/2023    1237

Mối quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand có thể nói gọn trong hai chữ “bổ trợ”, khi nhiều mặt hàng New Zealand cần là những mặt hàng Việt Nam có khả năng cung ứng và ngược lại.

Là đối tác thương mại lớn thứ 36 của Việt Nam và là một trong những Đối tác chiến lược của Việt Nam, đồng thời là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đã tham gia ký kết như Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP), New Zealand được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận khi phần lớn các mặt hàng New Zealand cần là những mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cung ứng. Cụ thể, do không có thế mạnh về các ngành nghề chế tạo nên New Zealand phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng bao gồm máy móc, thiết bị cơ khí; xe cộ; xăng dầu; máy móc, thiết bị điện tử; hàng dệt may; nhựa và sản phẩm nhựa; các thiết bị y tế; sắt thép; dược phẩm; giấy bìa; thức ăn gia súc đã chế biến; phân bón; các chế phẩm ăn liền...

Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường New Zealand, việc Việt Nam và New Zealand cùng tham gia các FTA đa phương khiến cho rào cản thuế quan, phi thuế quan ngày càng thấp hoặc bị loại bỏ. Đây là lợi thế lớn giúp hàng hóa Việt Nam tăng cường khả năng cạnh tranh với hàng hóa từ các nước không có FTA với New Zealand. Chính sách của New Zealand về việc tìm kiếm các nước đối tác cung ứng và thị trường khác ngoài EU và Trung Quốc cũng góp phần mở ra cơ hội cho Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và xuất khẩu.

Về phương diện nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chính của New Zealand bao gồm sản phẩm từ sữa; thịt bò, cừu; len; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; các loại trái cây và hạt (trong đó có những loại trái cây như kiwi, cherry, táo…); hải sản (cá ngừ, vẹm xanh…)… là những mặt hàng được nhiều người Việt Nam ưa chuộng.

Trên thực tế, một số doanh nghiệp Việt Nam như Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood (Nutifood), Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (WinCommerce), Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)… đã có những hoạt động hợp tác, đầu tư, phân phối các sản phẩm từ sữa hoặc nông sản đến từ quốc gia này với mức tiêu thụ và lợi nhuận khả quan. Một số ví dụ có thể kể đến như:

- Sữa và các chế phẩm từ sữa có xuất xứ từ New Zealand: New Zealand là quốc gia đầu tiên trên hành trình vươn tầm thế giới của Vinamilk và được biết đến như một trong những thương vụ nổi tiếng của Công ty này. Năm 2010, Vinamilk góp 12,5 triệu đô New Zealand (tương đương 19,3% cổ phần) xây nhà máy sữa bột Miraka chuyên sản xuất bột sữa nguyên kem có công suất 32.000 tấn một năm. Đến 2015, Vinamilk đã tăng vốn góp lên 19,68 triệu đô New Zealand (tương đương 22,81%) Đây cũng là cơ sở chuyên thu mua sữa tươi từ nông dân, tạo nên sản phẩm chất lượng cao để xuất sang nhiều thị trường quốc tế. Với thương vụ này, Vinamilk khai thác tối đa lợi ích từ nguồn nguyên liệu sữa tươi dồi dào và chất lượng cao của New Zealand.

- Trái cây New Zealand: Có thể nhìn thấy từ việc Việt Nam đang là đối tác tiêu thụ táo lớn nhất Đông Nam Á của New Zealand với tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này lên đến hơn 2.000 tỉ đồng chỉ trong năm 2022, trong đó riêng WinCommerce đã thu mua và đưa vào tiêu thụ 240 containers táo New Zealand, ước tính doanh thu từ sản phẩm này đạt 220 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu kiwi sang Việt Nam tăng từ 12 triệu đô New Zealand (khoảng 171 tỉ đồng) vào năm 2021 lên 30,37 triệu đô New Zealand (tương đương khoảng 430 tỉ đồng) vào năm 2022. Những con số này sẽ còn tiếp tục tăng trong tương lai với việc Việt Nam - New Zealand phấn đấu đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 2 tỷ đô-la Mỹ vào năm 2024.

Để khai thác tiềm năng và các điều kiện thuận lợi quan hệ thương mại, đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và New Zealand là thành viên nhằm khai thác, tận dụng hiệu quả các ưu đãi về thuế và xuất xứ hàng hóa.

Khi tiếp cận thị trường cần có chiến lược bài bản, dài hạn, đồng thời tuân thủ nghiêm các quy định, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường này với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là sản phẩm có liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm nghiệm kiểm dịch nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Mặt khác, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các hoạt động, chương trình xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm) hoặc các chương trình giao thương nhằm tìm kiếm đối tác, quảng bá các sản phẩm chất lượng của Việt Nam tại thị trường.

Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập