Tin tức

Thiếu công nghệ bảo quản, trái cây xuất khẩu khó đi xa

09/11/2022    84

Trái cây Việt Nam gần đây có sự phát triển mạnh mẽ về sản lượng, đa dạng về chủng loại, được hầu hết thị trường đánh giá rất cao nhưng khó đi xa vì không bảo quản được lâu.

Chìa khóa FTA

Việt Nam hiện đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường lớn như EU, Úc, Canada… mang lại cơ hội rất lớn cho nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Trong đó, EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam theo Hiệp định EVFTA. Thực tế, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực đã đạt được kết quả tích cực: Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU bình quân tăng 7,5% qua từng năm. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp trái cây, mặc dù tình hình xuất khẩu sang EU gần đây giảm sút do thị trường này lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến sức mua, nhưng tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn.

Đối với thị trường Úc, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) nhận định: “Nước ta có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu sang Úc các loại trái cây như bưởi, chanh leo, thanh long... bởi giữa Việt Nam và Úc không có sự trùng lặp các mặt hàng nông sản như những quốc gia lân cận. Mặc dù vậy, khó khăn lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam chính là khâu sơ chế, bảo quản. Đặc điểm trái cây nhiệt đới của Việt Nam là nhanh hư hỏng, trong khi để đi được đến các thị trường tiêu thụ xa mất rất nhiều thời gian. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác được các lợi thế của mình”.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng rau quả, gia vị vào châu Âu, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và VCCI xây dựng dự án hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành hàng gia vị, rau, quả. Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, cho biết: “Mục tiêu của dự án tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong 3 ngành gia vị, rau, quả tăng doanh số xuất khẩu vào thị trường EU. Dự án sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho từng doanh nghiệp về quản lý chất lượng, quản lý chuỗi cung ứng và phát triển thị trường hướng đến xuất khẩu vào EU. Song song với đó là các cơ hội kết nối kinh doanh với khách hàng tiềm năng từ châu Âu”.

Cửa đã mở, nhưng…

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc trong 5 năm qua, ông Lê Dưỡng, Chủ tịch HĐQT Công ty Union Trading, chia sẻ: “Chúng tôi đã đầu tư vùng trồng chuối hiện đại và chuyên nghiệp, vận hành bài bản tại Bình Phước, An Giang, Quảng Ngãi, Củ Chi trong 5 năm qua với diện tích 500 ha, trong đó có 150 ha chuối được chứng nhận quốc tế GlobalGAP, đủ điều kiện để xuất khẩu đi tất cả các nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi mới xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Trung Đông…Còn đi xa hơn thì chi phí vận chuyển, logistic rất cao, thời gian vận chuyển dài nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.

Tương tự, bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), cho biết: “Lâu nay, chúng tôi chỉ khai thác thị trường Trung Quốc và xuất khẩu thanh long sang các nước lân cận, xa lắm là đến UAE, Bangladesh. Lý do là thời gian bảo quản thanh long không kéo dài được, ngoài ra chi phí vận chuyển, tỷ lệ hao hụt cũng khá cao. Dù rất muốn mở rộng thêm nhiều thị trường nữa nhưng không thể làm được trong điều kiện hiện nay”.

Nguồn: Báo Thanh Niên