Tin tức

Xuất khẩu sang thị trường RCEP chiếm trên 63% thị phần thủy sản Việt Nam

30/05/2022    142

Doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản vào thị trường RCEP, đặc biệt là các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022, và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.

Cụ thể, với mặt hàng hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.

Theo Bộ Công Thương hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới, trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm thị phần lớn (trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam).

Thời gian qua, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan. Những thành tựu trong những năm qua cũng là những dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam, sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.

Trong khối RCEP, Trung Quốc là thị trường khổng lồ bởi quy mô dân số lớn, sức tiêu dùng cao. Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc tăng mạnh, năm 2021 là 3,6 triệu tấn, giá trị 15 tỷ USD, tăng gấp đôi so với những năm 2015-2016. Sản phẩm được nhập khẩu nhiều là tôm, tôm hùm, cua, cá hồi… Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng lên tới 67,3 triệu tấn/năm.

Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh. Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường tỷ dân này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong Hiệp định RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đồng thời cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.

Nguồn: Báo Thương Trường