Tin tức

Chủ động tận dụng thời cơ từ Hiệp định RCEP

06/05/2022    304

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022, dù không thể ngay lập tức tạo ra sự bứt phá đột biến cho xuất khẩu (XK) hàng hóa Việt Nam, song FTA thế hệ mới này sẽ tạo thị trường XK ổn định và đầy tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Hiệp định RCEP, khi được 15 thành viên thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch đang nổi lên, việc Hiệp định RCEP đi vào thực thi đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mang lại các lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện những cam kết của mình. Đối với những cam kết thuế quan, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình sau 15-20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan với khoảng 85,6%-89,6% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi các nước đối tác xóa bỏ thuế quan cho ta trong khoảng 90,7%-92% số dòng thuế.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt mà Hiệp định RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Theo đó, thay vì tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ trong 5 hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand thì với hiệp định này DN sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.

Với Hiệp định RCEP, ngành dệt may được đánh giá là một trong những ngành hưởng lợi nhiều nhất khi có thể tiến sâu vào thị trường quy mô lớn nhưng mức độ cam kết ít khắt khe hơn so với một số hiệp định trước đó. Đánh giá tiềm năng của Hiệp định RCEP với ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, từ trước tới nay, thị trường XK chính của Tổng công ty May 10 vẫn tập trung vào Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, Hiệp định RCEP sẽ là thị trường của tương lai trong khoảng 5-10 năm tới. Khi đó, Trung Quốc có thể sẽ là thị trường XK lớn nhất chứ không phải là Mỹ hay châu Âu. Theo đó, một trong những điểm khác biệt tại Hiệp định RCEP so với các hiệp định khác là nguyên tắc xuất xứ cộng gộp. Nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác. Với quy định này, các công ty dệt may nước ta có thể tận dụng được cơ hội đẩy mạnh mở rộng XK sang các nước thành viên.

Nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định

Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Bộ Công Thương, Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các DN Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu NK từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các DN Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và những biến động về địa chính trị...

Để tận dụng các cơ hội cũng như hóa giải thách thức từ RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch tập trung triển khai 3 nhiệm vụ chính là: Xây dựng pháp luật, thể chế; tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP; nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP. 

Nhấn mạnh tới vai trò chủ động của DN sẽ quyết định tới hiệu quả thực thi hiệp định, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, cũng như với các hiệp định FTA khác, để khai thác triệt để lợi ích từ Hiệp định RCEP mang lại, việc đầu tiên DN cần làm là nghiên cứu kỹ cam kết của hiệp định, nhất là các cam kết liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình. Chẳng hạn như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam và của các nước tham gia hiệp định, quy tắc xuất xứ của hiệp định, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân