Tin tức

Phát triển kinh tế cần môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp

16/02/2022    117

Khi thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội kỳ vọng kinh tế năm 2022 không chỉ đạt mục tiêu 6 - 6,5% mà còn tăng cao hơn nữa, đến 7%. Điều này là hoàn toàn khả thi với những thuận lợi dễ nhận thấy. Việc còn lại là triển khai các giải pháp hợp lý để đạt được mục tiêu. Trong đó, động lực quan trọng là tạo môi trường lành mạnh cho cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tiếp cận đà phục hồi của thế giới

Kỳ vọng mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra cho kinh tế năm 2022 và giai đoạn tới xuất phát từ việc nhìn thấy nhiều cơ hội mở ra rất tốt. Phân tích về những cơ hội này, theo GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đầu tiên chính là đại dịch. Quá trình kiểm soát đại dịch ở Việt Nam 2 năm qua vừa có những bài học, có những trả giá nhưng cũng mang lại nhiều kinh nghiệm. Tới nay, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ công cụ và nguồn lực cho phòng, chống dịch trong thời gian tới từ sẵn sàng vắc-xin, thuốc chữa bệnh đến trang bị các phương tiện khác khi cần.

Đối với nền kinh tế, hiện nay chúng ta cũng đã tự tin, dù có bối rối, có khó khăn vào thời điểm dịch bùng phát trước đó nhưng sự phát triển của nền kinh tế đã quay trở lại với nhịp độ chủ động, an toàn. Một kinh nghiệm đáng nhắc tới chính là việc linh hoạt, nhanh nhạy, quyết sách kịp thời, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Thủ tướng Chính phủ chuyển hướng chính sách từ “zero Covid” sang thích ứng, linh hoạt để phù hợp với thực tế. Điều này mang đến một niềm tin rằng, việc kiểm soát dịch bệnh trong năm 2022 sẽ tốt hơn, mở ra cánh cửa tươi sáng cho kinh tế - xã hội phục hồi.

Cũng theo GS.TS Hoàng Văn Cường, một cơ hội khá tốt nữa cho năm 2022 là đà phục hồi của kinh tế thế giới. Việt Nam là một nền kinh tế mở khá cao. Điều đó là cơ hội để Việt Nam tiếp cận vào đà phục hồi của kinh tế thế giới, nhất là khi Việt Nam có rất nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các khối phát triển như CPTPP, EVFTA, hiệp định song phương Hoa Kỳ và tới đây là RCEPT. Đây là cơ hội để một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu như Việt Nam tận dụng cơ hội, gặt hái thành công.

Điểm thuận lợi thứ ba chính là gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. “Quý IV/2021 ta vừa thoát khỏi khó khăn, lúc đó chưa có gói hỗ trợ mới nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp (DN), xã hội thì tăng trưởng ta đã vươn lên. Vậy thì sang năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có, chuyện ta đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn nữa” – ông Cường nhấn mạnh.

Cần lộ trình mở cửa một cách mạnh dạn

Bàn đến các giải pháp, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, mặc dù có tự tin, có chủ động nhưng việc kiểm soát dịch bệnh vẫn phải là ưu tiên, cần luôn chú trọng, không được chủ quan. Nếu để diễn biến bất thường của đại dịch dẫn đến tình trạng đóng cửa nền kinh tế, đứt gãy như năm 2021 thì ngay lập tức ta sẽ lỡ nhịp so với đà phục hồi của thế giới.

Bên cạnh trang bị các “vũ khí” như thuốc, vắc-xin, thiết bị, cơ sở điều trị F0,… cần nâng cao ý thức của người dân, của cộng đồng DN. Cùng với đó là việc triển khai hiệu quả gói hỗ trợ nhằm thúc đẩy vào nhóm các ngành trụ cột cho tăng trưởng kinh tế như các DN xuất khẩu, chế biến chế tạo, để các nhóm này không những giữ đà phục hồi của năm 2021 mà còn tranh thủ tận dụng cơ hội thị trường để chiếm lĩnh sâu và rộng hơn thị trường thế giới. Kể cả ngành Nông nghiệp, không chỉ tập trung sản xuất mà quan trọng hơn là tạo tiền đề về các quan hệ thương mại, các tiêu chuẩn kiểm soát hàng hóa, tổ chức thương mại, tổ chức lưu thông để nông sản Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh thị trường cao cấp.

Giải pháp cuối cùng và cũng sẽ là chìa khóa vượt qua thách thức là phải có lộ trình mở cửa một cách mạnh dạn, chủ động, an toàn và nhất quán. Qua đó phục hồi các hoạt động dịch vụ, nhất là thị trường trong nước, du lịch,… Hạn chế thấp nhất tình trạng đóng cửa các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân, từ đó đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Đề cập câu chuyện phát triển bền vững, TS. Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, nêu quan điểm: Sự phát triển kinh tế trong một quá trình dài dựa trên nền tảng vững vàng về kinh tế vĩ mô, về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thân thiện với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; có chi phí kinh doanh thấp và những hoạt động hỗ trợ DN đảm bảo quyền tự do kinh doanh, tự do lưu thông hàng hóa cả trong bối cảnh bình thường lẫn bối cảnh khó khăn, khủng hoảng hay như đại dịch. Đây là việc vô cùng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững.

“Chúng ta cần có môi trường thể chế hỗ trợ cho phát triển, cho tăng trưởng kinh tế. Những thể chế, quy định pháp luật và quy trình thực thi các quy định pháp luật đảm bảo được tăng trưởng kinh tế trong dài hạn hỗ trợ các thành phần của thị trường vận hành một cách thuận lợi. Sự phát triển bền vững cần phải dựa trên nền tảng của kinh tế thị trường, những nền tảng đảm bảo được sự phát triển đó có định hướng vì mục đích dài hạn, trong đó các tác nhân khác nhau đều bình đẳng trước pháp luật. Phát triển muốn bền vững là phải phát triển đồng đều, công bằng, minh bạch và mang lại lợi ích cho toàn bộ xã hội, ở bất cứ khu vực nào. Đó là nền tảng đầu tiên để phát triển một các bền vững” – ông Bình nêu quan điểm.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam