Tin tức

Đơn hàng dần phục hồi nhờ những tác động đầu tiên từ EVFTA

07/09/2020    82

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng sẽ mang tới những thuận lợi mới. Tới thời điểm này không ít doanh nghiệp, ngành hàng đã bước đầu tận dụng được lợi thế về thuế qua từ EVFTA.

Xuất khẩu suy giảm vì dịch bệnh

Trong 8 tháng đầu năm nay, không ít ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã bị tác động từ dịch bệnh khiến giá trị xuất khẩu suy giảm. Đơn cử như dệt may và da giày. Việc dệt may sụt giảm là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, từ thời điểm tháng 2 tới nay chưa lúc nào doanh nghiệp dệt may hết khó. Ban đầu là khó khăn nguồn cung nguyên liệu, còn hiện là khó khăn đầu ra cho sản phẩm. Đáng lo hơn, hiện tỷ lệ tồn kho toàn ngành dệt may rất cao, lên đến 118,7%. Có khoảng 20% doanh nghiệp dệt may buộc phải tạm ngưng hoạt động. Các doanh nghiệp còn lại phải cắt giảm lao động và cơ cấu lại hoạt động sản xuất.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 19,2 tỷ USD, giảm 11,6%.

Với các ngành hàng khác như nông, lâm, thủy sản kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng qua cũng sụt giảm nhẹ khoảng 0,9% so với cùng kỳ khi đạt 26,1 tỷ USD. Trong đó, nhóm nông sản chính ước đạt gần 12 tỷ USD, giảm 3,2%; chăn nuôi ước đạt 250 triệu USD, giảm 25%; thủy sản ước đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3%. Theo các doanh nghiệp, trong số các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, EU ghi nhận mức sụt giảm nhiều nhất. 

Theo Bộ NN&PTNT, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: bất ổn liên quan dịch Covid-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước; nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại, yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu… là những thách thức không chỉ riêng cho ngành hàng nông lâm thủy sản mà còn là thách thức chung của các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam. 

Tín hiệu lạc quan từ EVFTA

EVFTA có hiệu lực từ 1/8 vừa qua là một trong những động lực tích cực giúp các đơn hàng quay trở lại cho doanh nghiệp Việt. Cụ thể, thông tin cập nhật mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, sau 1 tháng EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Số liệu cập nhật cho thấy, trong 1 tháng qua, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan... Thị trường nhập khẩu đa số là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.

Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, do nhu thiết yếu sử dụng hàng ngày nên gần đây các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục ký những đơn hàng mới. Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An chia sẻ, doanh nghiệp này đã ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo vào các thị trường EU với giá tương đối cao. Đây là tín hiệu tích cực mà EVFTA mang lại. 

Tương tự, những tín hiệu lạc quan cũng đến với ngành hàng da giày và gỗ. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho hay, khoảng 1 tháng trở lại đây doanh nghiệp đã nhận được nhiều tín hiệu phục hồi đơn hàng ở một số nước EU, Nhật Bản khi các đối tác bắt đầu bàn đến chuyện đặt các đơn hàng mới cho sản phẩm da giày. “Chúng tôi đã tiến hành thương thảo với một số đối tác về các đơn hàng, dự kiến sẽ có nhiều đơn hàng được ký vào cuối quý III, đầu quý IV/2020. Do đó, công ty đã có sự chuẩn bị cho các kế hoạch sản xuất trở lại”, ông Trung phấn khởi. 

Gần đây, khi thế giới đã quen với việc “sống chung” với dịch bệnh, nhiều ngành hàng bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan từ thị trường EU, Mỹ. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển SX-TM Sài Gòn (SADACO) chia sẻ, gần đây công ty bắt đầu nhận được các đơn hàng từ EU. Ngoài ra một số đơn hàng dài hơi sản xuất cho đến giữa năm 2021 cũng đã được SADACO ký kết. “Việc có được các đơn hàng thời điểm này cho thấy nhu cầu về đồ gỗ nội thất ở EU vẫn được duy trì tốt”, ông Mạnh nhận xét. 

Số đơn hàng đã dần trở lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn hoành hành là một dấu hiệu hết sức tích cực. Điều này khẳng định rằng EVFTA đang tạo thêm lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như như nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử… Bởi lẽ với EVFTA, hàng hóa xuất xứ Việt Nam sẽ nâng cao lợi thế cạnh tranh so với hàng hóa xuất xứ từ các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU.

Trong một nghiên cứu trước giai đoạn Covid-19 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu sang EU thêm 42,7% vào năm 2025. 

Nguồn: Thế giới tiếp thị