Tin tức

'Bóng ma' Covid-19 đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào 'báo động đỏ'

03/07/2020    359

Thế giới đang đứng trước một cuộc khủng hoảng với những tác động tai hại hơn mọi dự báo, đà phục hồi chậm hơn so với mong đợi và đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đẩy toàn cầu vào một môi trường đầy bất trắc.

Từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE) đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều rất bi quan về viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của thế giới cho giai đoạn 2020-2021. 

IMF trong báo cáo công bố ngày 24/6 báo động Covid-19 tác động đến tất cả các khu vực địa lý trên toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới mất 4,9% so với hồi năm 2019. Khác biệt quan trọng giữa "siêu khủng hoảng" ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản và đại dịch Covid-19 lần này là tất cả các đầu máy kinh tế của thế giới những năm 2008-2009 đã không bị "hỏng" hay "đóng băng" cùng một lúc như dưới tác động của Covid-19.

Nhìn vào những cột trụ kinh tế của thế giới, Trung Quốc là một ngoại lệ may mắn với dự báo tăng trưởng kinh tế từ 6,9% năm 2019 rơi xuống còn 1% dưới tác động của Covid-19. Trong khi đó, từ Mỹ đến châu Âu hay Nhật Bản, GDP đều sụt giảm. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ là âm 8% trong năm nay. GDP tại 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm hơn 10%. 

Báo cáo của OCDE có trụ sở tại Paris (Pháp) cũng đưa ra những kết luận tương tự: Pháp là một trong những quốc gia bị Covid-19 tấn công mạnh nhất về mặt kinh tế. GDP của Pháp giảm 11,4% trong năm nay. 6% GDP của 37 nước thành viên OCDE có nguy cơ bị "bốc hơi" vì Covid-19 và tệ hơn nữa là nếu dịch bệnh tái phát thì thiệt hại ước tính sẽ lên tới 7,6%.

Tại Anh và Pháp, OCDE dự kiến sẽ có đến 15% dân số trong tuổi lao động bị gạt ra ngoài. Tại Tây Ban Nha, 1/5 người trong tuổi lao động không có việc làm.

Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone thuộc OCDE cho rằng điều đáng lo ngại hơn cả là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn chưa có vaccine chống Covid-19. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch. Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp.

Ngày 30/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã đề xuất với các nghị sỹ Quốc hội những quan điểm khác nhau về cách thức phục hồi nhanh chóng nền kinh tế Mỹ từ đại dịch Covid-19 trong bối cảnh các ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn gia tăng tại một số bang. 

Theo báo cáo của IMF, nhóm 5 nước thành viên ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan vốn rất năng động cũng sẽ bị giảm đi mất 2% GDP. Trong báo cáo được cập nhật hồi tháng 6, ADB cho biết GDP tại các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ 5,4% năm 2019 giảm xuống còn 0,1% trong năm nay.

Mới cách đây 2 tháng, ADB còn tự tin cho rằng GDP của các nước trong khu vực này vẫn giữ được ở mức trên 2%. Ngân hàng này cũng lưu ý rằng đối với các quốc gia mà ngành du lịch đem về một nguồn thu nhập lớn cũng như các nền kinh tế càng tập trung vào các dịch vụ giải trí, nhà hàng... thì tác động của Covid-19 càng tai hại hơn.

Câu hỏi được đặt ra là cần phải làm những gì để thoát ra khỏi bức tranh kinh tế ảm đạm đó? Tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 20/5, nhà kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada cho rằng "hơn bao giờ hết, chính phủ cần can thiệp để hạn chế những tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội". 

Còn bà Boone thì cho biết có thể rút ra được 3 bài học chính từ Covid-19. Thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh đế một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng. Thứ hai, các quốc gia đã ỷ lại và lơ là việc tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Thứ ba, đối với một số lĩnh vực, cần có những nhà máy và đơn vị sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay trong Liên minh châu Âu (EU).

Trước mắt, cả IMF lẫn OCDE đều không loại trừ kịch bản đen tối nhất đó là đại dịch Covid-19 tái phát.

Nguồn: Thế giới & Việt Nam